'Để con biết phòng chống xâm hại, tôi phải cho đi học 100.000 đồng/buổi'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
21/12/2019 18:21 GMT+7

Với tư cách một người mẹ, chị Vũ Thị Thu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, trăn trở trước thực trạng tổ chức Đoàn chưa thực sự bảo vệ được trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại.

Ngày 21.12, thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 6, khóa 11, các đại biểu cho biết, còn nhiều lúng túng trước những vụ trẻ em bị xâm hại.
Theo chị Vương Toàn Thu Thuỷ, Phó bí thư Thành đoàn Hải Phòng, thời gian qua, công tác chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng còn nhiều hạn chế, trong khi tình hình diễn biến phức tạp. “Khi có sự việc xảy ra, Đoàn Thanh niên mới chỉ tập trung vào việc thăm hỏi, gửi ý kiến tới ban, ngành, chứ chưa thực sự bảo vệ được các em”, chị Thủy nói.

Chị Vương Toàn Thu Thuỷ, Phó bí thư Thành đoàn Hải Phòng, phát biểu thảo luận tại hội  nghị

Ảnh Vũ Thơ

Chị Đoàn Thị Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, còn cho biết nhiều vụ việc được tổ chức Đoàn phát hiện nhưng gia đình và các cơ quan chức năng không muốn công khai thông tin nên rất khó lên tiếng để bảo vệ.
Cũng băn khoăn trước thực trạng này, anh Vũ Khắc Quang, Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng, cho hay việc giám sát thực hiện luật Trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí thực hiện.
“T.Ư Đoàn có nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng chỉ nhận trách nhiệm, còn nguồn kinh phí chủ yếu giao cho ngành lao động - thương binh - xã hội. Vì vậy, khi triển khai các hoạt động này chỉ là chạy sau," anh Quang nói và cho rằng, Đoàn cần có kinh phí để xây dựng những công cụ tuyên truyền trực quan về tình trạng xâm hại trẻ em thì mới phòng ngừa được tình trạng này.

Anh Vũ Khắc Quang, Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng, bày tỏ quan điểm về việc bảo vệ trẻ em

Ảnh Vũ Thơ

“Ở Cao Bằng, những hành vi hiếp dâm trẻ em chủ yếu là người nhà. Thời gian qua, có 26 trường hợp toàn liên quan đến rượu. Trong khi đối tượng này ít chịu sự tương tác của sản phẩm tuyên truyền. Họ có đọc báo, xem ti vi đâu. Vì vậy, đề nghị cần có hoạt động tuyên truyền trực quan ở địa bàn. Năm 2020, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội có sản phẩm truyền thông, gửi xuống địa phương, trong đó niêm yết điện thoại nóng để người dân biết”, anh Quang đề nghị.

Phải dạy kỹ năng trong nhà trường

Với tư cách một người mẹ, chị Vũ Thị Thu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, trăn trở trước thực trạng tổ chức Đoàn chưa bảo vệ được cho trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại. Chị Hương cho biết, điều quan trọng là phải dạy kỹ năng cho các em.
“Tôi có con nhỏ. Trong một lần khách đến chơi vì thân quen nên sờ vào bộ phận sinh dục của cháu để trêu đùa. Lập tức cháu hét lên: Chú xâm hại cháu rồi đấy. Chú có muốn bị công an bắt không. Tôi đã rất ngạc nhiên vì cháu phản ứng nhanh như vậy và thực sự thấy yên tâm về kỹ năng phòng chống xâm hại của cháu”.
Tuy nhiên, chị Hương cũng cho biết: "Để con biết phòng chống xâm hại, tôi phải cho con đi học 100.000 đồng/buổi, mà với số tiền đó thì không phải ai cũng đầu tư được, đặc biệt là gia đình trẻ em ở những vùng khó khăn".

Chị Vũ Thị Thu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nêu ý kiến tại buổi thảo luận

Ảnh Vũ Thơ

Vì vậy, chị Hương đề nghị cần phải có dự án, phải có tiền để đầu tư cho việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. “Chúng ta cần xem xét lại vai trò của Đoàn, Hội và cần quan tâm nhiều hơn đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đó là trách nhiệm của Đoàn nhưng chúng ta lực bất tòng tâm”, chị Hương nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang, cũng cho biết, thời gian qua, Tuyên Quang đã vào cuộc sâu hơn, mạnh hơn với việc xâm hại trẻ em. “Việc tổ chức cho các em học lớp kỹ năng thì kinh phí đắt và không nhiều đối tượng tham gia được. Tôi đề nghị T.Ư Đoàn kiến nghị với ngành giáo dục cần dạy võ trong môn học thể dục cho học sinh, để các em có kỹ năng phòng chống xâm hại”, chị Huyền nói. 
Đồng quan điểm này, anh Xiêng Thanh Phúc, Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, cũng cho rằng, nhà trường và gia đình chỉ quan tâm đến dạy kiến thức, cho con học thêm cũng chỉ học thêm kiến thức mà chưa quan tâm đến kỹ năng cho trẻ em. Trong khi đó, tổ chức Đoàn còn nhiều túng túng khi xử lý các thông tin như vậy. “Việc trẻ em bị xâm hại, phản ánh xong thì phản ứng như thế nào, tôi còn lúng túng không biết bắt đầu từ đâu”, anh Phúc bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.