Đề nghị khởi tố 22 vụ tai nạn lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
06/04/2022 16:59 GMT+7

Năm 2021, cả nước xảy ra 5.797 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 602 người chết. Trong đó, có 22 vụ TNLĐ được đề nghị khởi tố, 10 vụ đã có quyết định khởi tố.

Đây là thông tin được Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) công bố tại buổi họp báo thông tin về Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hôm nay 6.4.

Vụ TNLĐ xảy ra hồi tháng 3.2021 tại công trường xây dựng ở Bình Phước làm 2 người chết, 1 người bị thương

Hoàng GIÁP

Theo bà Chu Thị Hạnh, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động, so với năm 2020, tình hình TNLĐ năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, TNLĐ chết người và TNLĐ.

Báo cáo của 33 tỉnh, thành cho thấy, cả nước xảy ra 5.797 vụ TNLĐ, làm 602 người chết, 1.226 người bị thương nặng. Đáng chú ý, TNLĐ chết người giảm 18,5% số vụ (749 vụ, giảm 170 vụ), giảm 19,63% số người chết (786 người, giảm 180 người).

Những địa phương có nhiều người chết do TNLĐ trong các khu vực có quan hệ lao động gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh.

Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người là dệt may, da giày chiếm 14,16% tổng số vụ TNLĐ và 13,68% tổng số người chết. Tiếp đến là lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 13,27% tổng số vụ TNLĐ và 12,82% số người chết. Ngoài ra, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim cũng là lĩnh vực có tỷ lệ TNLĐ cao.

Tuy các địa phương đã có nhiều cố gắng để tăng cường an toàn lao động, song theo bà Hạnh, số vụ TNLĐ, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Thống kê sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2021 là gần 4.000 tỉ đồng và hơn 116.000 ngày công, thiệt hại về tài sản trên 18.000 tỉ đồng (tăng 14 tỉ so với năm 2020).

Ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2021, các địa phương báo cáo có 22 vụ TNLĐ đề nghị khởi tố, 10 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan điều tra.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trên, bà Hạnh cho hay: “Nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động”.

Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp những khó khăn do dịch bệnh, việc khôi phục, mở cửa bình thường lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu.

Nhằm tăng cường kiểm soát TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, năm 2022, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1.5 - 31.5) được chính thức phát động vào ngày 28.4 cùng với Tháng công nhân và cũng là Ngày thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Chủ đề Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19”.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động sẽ diễn ra các hoạt động như đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động, thăm nạn nhân TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.