Sau vụ hàng trăm học sinh bị ngộ độc thực phẩm ở Trường iSchool Nha Trang, các cơ quan hữu trách tuyên bố siết chặt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bếp ăn học đường. Vấn đề đảm bảo ATVSTP bữa ăn học đường lại thu hút sự chú ý của dư luận.
Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM ăn cơm bán trú |
thúy hằng |
Khởi tố vụ án liên quan ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường iSchool Nha Trang |
Nhà trường chỉ có thể kiểm tra hành chính
Thực tế cho thấy đa số các trường ở TP.HCM đảm bảo đúng quy trình ATVSTP gồm kiểm tra giấy tờ nguồn gốc thực phẩm, lưu mẫu 24 giờ và ban giám hiệu tăng cường nhắc nhở đội ngũ nấu tại bếp trong trường.
Điều đáng chú ý là những trường tự tổ chức nhà bếp bán trú mỗi ngày tiếp nhận nguyên liệu đầu vào cũng chỉ dừng ở mức kiểm tra “hành chính”, kiểm tra giấy tờ ATVSTP; quan sát bằng mắt hoặc dùng tay sờ vào vài mẫu thực phẩm để xem thịt rau có tươi ngon, ngả màu hay không. Một số hiệu trưởng tại TP.HCM thậm chí cho rằng họ tự mình nếm thức ăn đã nấu trước khi cho học sinh ăn.
Dù vậy, cán bộ, nhân viên nhà trường không thể nào có đủ chuyên môn như nhân viên y tế của các sở, phòng y tế địa phương (chịu trách nhiệm về ATVSTP theo luật) trong việc kiểm tra ATVSTP mỗi ngày. Cũng chỉ có sở, phòng y tế, cơ quan chịu trách nhiệm ATVSTP mới có đủ chuyên môn kiểm tra vi khuẩn trong những mẫu lưu thực phẩm tại trường học.
Do đó, trao đổi với người viết, hiệu phó một trường tiểu học tại TP.HCM cho rằng nhà trường cũng khó có thể đảm bảo thực phẩm gắn mác “đảm bảo an toàn” có thật sự an toàn, không bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc hay không.
Trong nỗ lực đảm bảo ATVSTP, ngành giáo dục cũng khuyến khích phụ huynh tham gia vào công tác kiểm tra ATVSTP đột xuất tại các bếp ăn ở trường hoặc những cơ sở nấu suất ăn công nghiệp cung cấp cho trường.
Kể lại buổi họp ban đại diện phụ huynh của trường, anh N.D.P, có con học tại một trường tiểu học ở H.Hóc Môn (TP.HCM), cho biết cô hiệu trưởng đã trấn an phụ huynh khi bày tỏ mối lo ngại nhà trường chuyển sang bếp ăn công nghiệp do đội ngũ của bếp ăn tại nhà trường đã nghỉ việc sau dịch Covid-19.
Theo anh P., hiệu trưởng đã khẳng định nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ của đơn vị cung cấp cùng nguyên liệu nhập vào của cơ sở chế biến và đã nhiều lần đến kiểm tra thực địa mới ra quyết định cho cơ sở này.
“Tôi nhận thấy hiệu trưởng cũng rất nỗ lực đảm bảo an toàn bữa ăn cho học sinh toàn trường. Dù vậy, tôi vẫn còn lo ngại rằng việc kiểm tra thực phẩm, nguyên liệu sạch của cơ sở chế biến thức ăn ngoài trường cũng ngoài tầm kiểm soát của nhà trường vì nó phụ thuộc sự quản lý của các cơ quan chức năng khác. Ban đại diện phụ huynh học sinh của trường cũng cố gắng sắp xếp để đến kiểm tra cơ sở nấu ăn”, anh P. chia sẻ.
Nếu sắp xếp được thì những cuộc kiểm tra đột xuất của phụ huynh cũng chỉ dừng ở mức tham quan cơ sở, nhìn xem nguồn nước, nơi chế biến, quá trình chế biến, nguyên liệu có tươi, ngon hay không. Phụ huynh cũng sẽ được kiểm tra giấy tờ sổ sách nhập hàng, các giấy chứng nhận ATVSTP. Nhưng tất cả chỉ là văn bản, không có bất kỳ biện pháp nào giúp kiểm tra được thực phẩm ngày hôm đó có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc hay không.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.8 cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.8 thực hiện việc kiểm tra, giám sát bữa ăn vào trưa ngày 22.11 |
D.D |
Giải pháp nào?
Một văn bản hành chính ATVSTP chứng minh nguồn gốc một loại thực phẩm nhập vào trường đảm bảo tiêu chuẩn và cơ sở chế biến đảm bảo đủ điều kiện ATVSTP không thể nào loại trừ hoàn toàn nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn, thường xuất phát từ vi khuẩn không thể phát hiện bằng mắt.
Vụ ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang là một ví dụ cụ thể về điều này. Phòng Y tế TP.Nha Trang thông tin người đảm trách tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh và giáo viên của trường có giấy phép hộ kinh doanh cấp năm 2015, với ngành nghề bán hàng ăn uống, giải khát, hải sản tại gian hàng của trường này và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP do Phòng Y tế cấp lần 3 vào tháng 10.2022.
Ngộ độc thực phẩm tập thể là sự cố không ai muốn. Một số phụ huynh hiến kế nên kiểm tra nhanh vi khuẩn những mẫu lưu thực phẩm tại trường nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên ngành Procedia-Social and Behavioral Sciences năm 2013, các chuyên gia Malaysia kết luận rằng tận dụng những bộ kit kiểm tra nhanh vi khuẩn thực phẩm, nguồn nước với chi phí thấp có thể góp phần tăng cường đảm bảo ATVSTP. Thử tìm kiếm trên Google, các công ty ở Việt Nam cũng có cung cấp những bộ kit này.
Nếu cơ quan hữu trách không thể có mặt mỗi ngày ở trường để kiểm tra thì bộ kit kiểm tra nhanh vi khuẩn thực phẩm có sẵn tại trường có thể là một trong những giải pháp phòng ngộ độc thực phẩm học đường.
Bình luận (0)