Thích gì ăn nấy, ăn quá nhiều trong một bữa hoặc ăn qua loa cho có… là những tật xấu có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng - Phó chủ tịch Hội Gan TP.HCM, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, vào dịp lễ tết, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh do ăn uống tăng đột biến, trong đó rất nhiều người được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tình trạng này liên quan đến vấn đề tiệc tùng liên hoan dồn dập, ăn nhiều chất đạm, mỡ, uống rượu bia quá độ, gây xáo trộn nhịp độ ăn uống thường ngày khiến bộ máy tiêu hóa bị quá tải nên gây ra các chứng rối loạn tiêu hóa. Mức độ nặng hơn liên quan đến tình trạng ngộ độc thực phẩm do xuất phát từ các khâu lựa chọn, chế biến - bảo quản thức ăn không hợp vệ sinh và không đảm bảo an toàn, có thể dẫn đến tử vong.
Trả giá cho món “độc”
Anh T.N.V (32 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) trong một lần chén tạc chén thù cùng đồng nghiệp đã rước họa vào thân. Số là sau khi tan sở vào một ngày cuối năm vừa qua, được bạn bè rủ rê nhậu nhẹt, do đã nhịn ăn buổi trưa, bụng đã xót lại bị “khích tướng” , anh V. uống liên tù tì 5 chén rượu pha tiết rắn. Đêm hôm đó về nhà, anh V. liên tục ói mửa, tiêu chảy, sốt cao đến khi người xuội lơ, không thể gượng nổi, anh V. được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Theo bác sĩ Hữu Hoàng, tiết canh là món ăn dân dã có từ lâu trong ẩm thực từ Nam chí Bắc. Đây là món ăn được chế biến từ tiết sống của một số động vật như vịt, lợn, chó, bò, ngựa... Thậm chí người ta còn uống tiết sống lấy từ rắn, dê... pha với rượu nên rất dễ mang những mầm bệnh mà không thể lường trước được, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, viêm màng não do nhiễm não mô cầu, nhiễm cúm gia cầm H5N1, bệnh dại do chó bị nhiễm vi rút dại, nhiễm các loại giun sán. Có nhiều trường hợp, triệu chứng rất nặng gây tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ Hữu Hoàng cho biết, ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc nói nôm na là bị “trúng thực”. Đây là bệnh lý xảy ra sau khi ăn, uống các loại thức ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm các độc tố do vi khuẩn tạo ra hoặc hiện diện trong thực phẩm bị nhiễm độc, bị biến chất hoặc từ các thành phần phụ gia và chất bảo quản.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm bao giờ cũng xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, có khi đau quặn dữ dội kèm theo nôn ói, tiêu chảy, có khi xuất huyết tiêu hóa và sốt. Tùy theo các tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn nào hay loại độc tố nào, bệnh có thể xuất hiện thêm các rối loạn khác như yếu liệt chi, suy hô hấp, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… Những trường hợp nặng, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm thường đi kèm với mất nước. Mất nước nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến tử vong, vì vậy khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, theo khuyến cáo của bác sĩ Hữu Hoàng, trước hết bệnh nhân phải uống nhiều nước, có thể uống nước trà gừng cho ấm bụng hoặc pha dung dịch Oresol để bù nước, hạn chế sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy quá sớm. Trong trường hợp nôn ói hoặc tiêu chảy quá nhiều, cần phải đến ngay một cơ sở y tế để được truyền dịch bù nước và điện giải, đồng thời đánh giá tình trạng sức khỏe chung nhằm điều chỉnh các rối loạn khác đi kèm.
Ảnh: Shutterstock
|
Các kiểu ăn gây bệnh
Ăn quá nhiều
Vào những ngày cuối năm, lướt Facebook rất dễ nhận thấy hàng loạt những món ăn hấp dẫn được các Facebooker tung lên. Bạn bè, người thân đi nhà hàng hoặc tụ tập tổ chức ăn uống đều không ngừng thi nhau “sô” hình. Vào trang cá nhân của một Facebooker sành về ẩm thực, bạn bè không khỏi ngạc nhiên với những dòng chia sẻ về khả năng “nạp” thức ăn của cô. Dòng trạng thái gần đây nhất mà Facebooker này than thở là: “Ăn xong tô hủ tiếu vẫn chẳng thấm vào đâu, bèn làm thêm đĩa bánh cuốn vẫn không xi nhê, thôi đành ních tiếp ly chè khúc bạch, nhưng sao vẫn chưa no”. Mặc dù ăn nhiều, nhưng cô vẫn luôn có cảm giác thèm ăn, và ngạc nhiên hơn cơ thể cô chẳng khác gì… cây tre.
Theo bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, trường hợp một số người ăn nhiều nhưng không mập là do có sự khác biệt về chuyển hóa chất hoặc cũng có thể mắc bệnh rối loạn hấp thu dinh dưỡng. Đây cũng không phải là điều đáng mừng, dù những người này vẫn hài lòng về “dáng gầy” của mình.
Bỏ bữa sáng
Một thói quen khác mà người Việt hay mắc phải là bỏ qua bữa sáng. Thật ra, bữa sáng là bữa rất quan trọng trong ngày. Nếu bỏ qua bữa ăn sáng sẽ dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe, cụ thể là thừa cân, béo phì. Buổi sáng không ăn nên buổi trưa và buổi tối phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng. Trong khi hoạt động vào buổi chiều và tối không nhiều, thức ăn không kịp tiêu hóa hết, khiến lượng mỡ tích tụ lại ngày càng nhiều, từ đó dễ dẫn tới béo phì. Hơn nữa, bỏ qua bữa sáng, đợi đến trưa mới ăn sẽ khiến dạ dày trong trạng thái đói quá lâu. Điều này làm dịch vị trong dạ dày tiết ra quá nhiều, nên dễ bị viêm, loét dạ dày, bác sĩ Diệp cho biết.
Ăn quá mặn
Theo công bố của Viện Dinh dưỡng, người VN đang có thói quen ăn mặn, mức sử dụng muối trung bình hiện tại lên đến 18-22 gr muối/ngày (cao gấp 3 lần so với mức khuyến cáo). Theo bác sĩ Ngọc Diệp, quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể ức chế sự hấp thu các chất dinh dưỡng thích hợp và phá vỡ các chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Thận có vai trò loại bỏ natri dư thừa trong máu. Nếu lượng muối ăn vào quá nhiều, tích tụ theo thời gian sẽ gây hại chức năng thận. Natri tích tụ, kéo theo hiện tượng giữ nước trong máu để pha loãng natri. Điều này làm tăng thể tích máu trong các mạch máu. Tăng thể tích máu có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn. Theo thời gian áp lực máu trên thành mạch tăng sẽ dẫn đến cao huyết áp, đau tim, đột quỵ. Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy tim. Mọi người cũng nên nhớ rằng huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mạch, chiếm 2/3 các ca đột quỵ và một nửa số bệnh tim.
Bình luận (0)