Đề xuất sửa hàng loạt quy định về người tâm thần phạm tội

07/02/2023 17:42 GMT+7

Bộ Công an cho rằng đang có nhiều bất cập liên quan đến việc bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng phạm tội có bệnh tâm thần, do đó đề xuất sửa đổi.

Bộ Công an mới đây đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 64/2011, quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng phạm tội có bệnh tâm thần.

Theo Bộ Công an, sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định 64/2011 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh bộ luật Hình sự năm 1999, bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và luật Thi hành án hình sự năm 2010 đều đã hết hiệu lực.

Đề xuất sửa hàng loạt quy định về đối tượng phạm tội là người tâm thần - Ảnh 1.

Bệnh viện tâm thần T.Ư 1, một trong những cơ sở tiếp nhận, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh

TUYẾN PHAN

Lợi dụng chữa bệnh để bỏ trốn, tiếp tục gây án

Bộ Công an cho biết, đối tượng bị mắc bệnh tâm thần gây án vừa có yếu tố bệnh lý, vừa có yếu tố tội phạm. Việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành án của đối tượng, trong khi đó cán bộ chuyên môn của Bộ Y tế chỉ có chuyên môn về công tác khám, điều trị bệnh, hạn chế về công tác quản lý đối tượng có yếu tố tội phạm.

Tuy nhiên, luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 64 đang quy định không được phân biệt đối xử đối với người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Vì thế, cơ sở giám định, điều trị không có hành lang pháp lý và chưa đủ điều kiện vật chất để bố trí khu điều trị riêng đối với các đối tượng này, nhằm tránh để các đối tượng tấn công, bắt làm con tin, đe dọa nhân viên y tế và người thân của nhân viên để đòi hỏi theo ý người bệnh.

Quy định "không được phân biệt đối xử" cũng có thể dẫn đến trường hợp đối tượng được nghỉ phép về nhà, được gặp người thân, được người nhà vào buồng bệnh chăm sóc, được sử dụng điện thoại di động, dẫn đến tình trạng đối tượng lợi dụng việc đi giám định, chữa bệnh tâm thần để có cơ hội tiếp xúc, thông cung và đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng.

"Cá biệt có trường hợp đã lợi dụng chính sách 'không được phân biệt đối xử' để trốn khỏi nơi bắt buộc chữa bệnh và tiếp tục phạm tội", Bộ Công an nhấn mạnh.

Từ bất cập đã nêu, Bộ Công an đề xuất ban hành một nghị định mới, thay thế Nghị định 64/2011, trong đó quy định không phân biệt đối xử trong điều trị nhưng phải có chế độ quản lý riêng của Bộ Y tế đối với người bị bắt buộc chữa bệnh.

Nếu thực hiện theo đề xuất này, đối tượng sẽ được quản lý theo chế độ riêng, không gian riêng, dễ cho cơ sở điều trị theo dõi, quản lý; không để đối tượng có cơ hội trốn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, thi hành án; đồng thời bảo đảm an toàn cho đội ngũ bác sĩ, giám định viên.

Đề xuất sửa hàng loạt quy định về đối tượng phạm tội là người tâm thần - Ảnh 2.

Xét xử các đối tượng tổ chức đường dây ma túy khi đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1

KIẾN TRẦN

Quy định rõ thế nào là "khỏi bệnh"

Vẫn theo Bộ Công an, Nghị định 64/2011 quy định chỉ có 5 đơn vị (Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư, Bệnh viện tâm thần T.Ư 1, Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, Phân viện Giám định pháp y tâm thần miền Nam, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) được tiếp nhận, quản lý, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trong khi đó, hiện Bộ Y tế đã thành lập nhiều trung tâm giám định pháp y tâm thần cấp khu vực có khả năng tiếp nhận, điều trị bắt buộc chữa bệnh.

Để khắc phục, Bộ Công an đề xuất sửa đổi quy định theo hướng Viện giám định pháp y tâm thần miền Bắc, miền Trung, miền Nam và các Trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực do Bộ Y tế thành lập là những đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh.

Một số bất cập khác được Bộ Công an chỉ ra tại Nghị định 64/2011, như việc cơ sở y tế được giao trách nhiệm chủ trì trong việc truy tìm nếu đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn. Thế nhưng, đội ngũ cán bộ, nhân viên, y tế không thực sự có chuyên môn về hoạt động này, quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình truy tìm cũng chưa phù hợp.

Hay như quy định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh khi người bị bắt buộc chữa bệnh đã "khỏi bệnh". Việc sử dụng từ ngữ chuyên môn "khỏi bệnh" là chưa phù hợp, bởi một số bệnh tâm thần sau quá trình điều trị đã có tiến triển và tình trạng bệnh đi vào ổn định mà không có khả năng chữa trị tuyệt đối (khỏi bệnh). Quy định này gây khó khăn cho cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh và khiến một số đơn vị không đến nhận đối tượng do cơ sở điều trị không kết luận "khỏi bệnh".

Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác truy tìm đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên.

Đồng thời, nghị định mới sẽ giải thích rõ "khỏi bệnh" nghĩa là tình trạng ổn định bệnh, không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.