Ngày 18.5, Anh hùng Lao động (AHLĐ) Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch VAWE, đã chủ trì đón tiếp và làm việc với bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc (CEO) WTO.
Cuộc gặp gỡ này xuất phát từ mong muốn của CEO WTO trong chuyến công tác tại Việt Nam và khuôn khổ kế hoạch làm việc của WTO về thương mại và giới 2023, được diễn ra ngay sau buổi làm việc giữa CEO WTO với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các bộ trưởng.
Cùng đón tiếp và dự buổi làm việc có các phó chủ tịch VAWE: bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hiền Lê; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch sáng lập, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á; bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam…
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh, cuộc gặp gỡ với AHLĐ Thái Hương và các nữ doanh nhân trong ban lãnh đạo VAWE điều hành các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là cơ hội để lắng nghe những ý kiến về cơ hội và thách thức thương mại ở Việt Nam hiện nay đối với các doanh nghiệp lớn, cũng như những đề xuất dành cho WTO. CEO WTO cũng mong muốn lắng nghe các chia sẻ tác động của chuyển đổi số ảnh hưởng thế nào đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam.
Trao đổi với bà Ngozi Okonjo-Iweala, AHLĐ Thái Hương cho biết VAWE là hiệp hội của những nữ doanh nhân mang nhiều khát vọng và có nhiều cống hiến cho đất nước. Các nữ doanh nhân của VAWE đã đạt được nhiều thành tựu rất ấn tượng, đưa doanh nghiệp và tên tuổi của mình vào danh sách những doanh nghiệp và doanh nhân có tầm ảnh hưởng, không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.
Đối với nội dung CEO WTO quan tâm, AHLĐ Thái Hương cho rằng, các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn chung về hậu cần thương mại, logistics thời kỳ sau đại dịch Covid-19 và chiến tranh khiến chi phí tăng cao, nhất là giá xăng dầu tăng dẫn tới giá thành bị đội lên. Các doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc cho phù hợp với điều kiện mới.
Theo đó, bà Thái Hương đề xuất WTO có thêm giải pháp hỗ trợ đưa ra thế giới những sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm từ các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang là thành viên của VAWE và đón nhận những sản phẩm Việt Nam đang cần từ thị trường thế giới.
Trong vai trò một tổ chức thương mại toàn cầu, WTO có đầy đủ thông tin về nhu cầu của các quốc gia đối với các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là thế mạnh về lương thực. Việt Nam đủ điều kiện để trở thành một "bếp ăn" tử tế của thế giới.
Các sản phẩm nông nghiệp, thảo dược mà các doanh nghiệp thuộc VAWE như Tập đoàn TH đang sản xuất đều có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ truy xuất từ nguyên liệu đầu vào… Ngoài ra, xi măng, khoáng sản, nguồn nhân lực trẻ cũng là những thế mạnh Việt Nam có thể cung cấp ra thế giới với sự giới thiệu của WTO.
Trước đề xuất này, bà Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định, WTO có thể hỗ trợ VAWE về tri thức, thông tin thị trường, hỗ trợ về kỹ thuật và đặc biệt là có thể giúp các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao vượt qua các rào cản thương mại nếu có.
Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, ở Việt Nam, WTO đã có một số hoạt động qua chương trình She trades. Nếu các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH, BRG, Hiền Lê… có các đề xuất, WTO sẽ có chuyên gia tới làm việc trực tiếp để tư vấn.
Về chuyển đổi số, Chủ tịch VAWE khẳng định đây là giải pháp đang được thực hiện mạnh mẽ trong các doanh nghiệp do nữ làm chủ tại Việt Nam, chuyển đổi số gắn với kinh tế tuần hoàn. Theo bà Thái Hương, các thành viên VAWE nhận thức trong quá trình chuyển đổi số, trình độ nhân sự là yếu tố quan trọng hàng đầu. VAWE đã có nhiều hội thảo, chương trình đào tạo về kiến thức và công cụ chuyển đổi số để các doanh nghiệp tiếp cận được với xu hướng chung nhưng vẫn cần có những hội thảo quốc tế, những khóa đào tạo cập nhật tiến trình này của doanh nghiệp trên thế giới.
Cũng tại buổi làm việc, các phó chủ tịch VAWE chia sẻ, đóng góp thêm các đề xuất về đào tạo các nữ doanh nhân Việt Nam, nữ lao động Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển của thế giới về công nghệ số; kết nối các nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ số; kết nối nguồn lực giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam khởi nghiệp...
Bà Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định cuộc gặp đã giúp bà hiểu thêm về các thách thức với nữ doanh nhân Việt Nam. Trước trăn trở của các nữ doanh nhân Việt Nam về chuyển đổi số, bà Ngozi Okonjo-Iweala đã thông tin, WTO đang tiến hành xây dựng các bộ quy tắc quốc tế về thương mại số để giúp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra quốc tế, đồng thời mong muốn các thành viên của VAWE cũng như doanh nhân Việt Nam tham gia xây dựng bộ quy tắc này. Về hỗ trợ đào tạo nhân sự chuyển đổi số, CEO WTO sẽ kết nối Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) để sớm có các giải pháp cho các đề xuất từ lãnh đạo VAWE.
Bình luận (0)