Đề xuất xe tạm giữ quá 30 ngày có thể bị tịch thu, đấu giá

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/12/2019 05:05 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề xuất quy định, thời gian cho phép cơ quan công an tịch thu, bán đấu giá các phương tiện bị tạm giữ quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt, là 30 ngày; thay vì 1 năm như hiện nay.

Mở rộng phạm vi cho phép nộp tiền bảo lãnh để giữ xe vi phạm

Ùn ứ chủ yếu xe cũ nát

Ông Bùi Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng việc ùn ứ phương tiện bị tạm giữ hiện nay chủ yếu là xe máy; vì những xe đẹp, có giá trị thì chỉ sau 7 ngày, người vi phạm đã tới lấy. Những xe ùn ứ chủ yếu là xe không có giấy tờ đăng ký, xe cũ nát, hoặc xe không có số khung, số máy. Ông Giang chia sẻ, hiện nay thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục xử lý các phương tiện tạm giữ quá thời hạn đang quá dài. Nếu không xử lý nhanh thì ngân sách phải bỏ ra chi phí rất lớn để trả cho các phương tiện bị tạm giữ.

Dẫn chứng việc có địa phương mang 2.000 xe bị tạm giữ quá thời hạn bán đấu giá nhưng chỉ bán được 300 xe, còn lại 1.700 xe bị “ế”, ông Giang đề nghị cơ quan hữu quan cần sớm rà soát các quy định để sửa các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết tình trạng này.

Báo cáo tại phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính của Ủy ban Pháp luật Quốc hội chiều 12.12, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết việc tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vi phạm hiện gặp nhiều khó khăn.
Đến tháng 9, cả nước còn 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được.
Theo đó, hiện luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu quyết định xử phạt là 1 năm, nên sau khi tạm giữ phương tiện mà người vi phạm không tới nộp phạt thì phải chờ hết 1 năm mới xử lý được, dẫn đến tồn nhiều phương tiện trong thời gian dài, khiến phương tiện hư hỏng, không sử dụng được. Số lượng phương tiện cũng rất lớn.
“32/63 địa phương có các đơn vị phải thuê nơi tạm giữ phương tiện”, ông Ngọc thông tin và đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng hình thức cho phép chủ phương tiện được đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm.
Bên cạnh đó là sửa đổi luật Xử lý vi phạm hành chính để phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt 30 ngày (thời hạn chấp hành quyết định là 10 ngày - PV) mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng, thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề xuất nghiên cứu quy định cho phép đầu tư các điểm tạm giữ phương tiện có thu phí để huy động nguồn lực xã hội, giảm đầu tư của nhà nước.

Việc tạm giữ phương tiện đang có phần “dễ dàng”

Nêu câu hỏi sau đó, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng dường như việc tạm giữ phương tiện đang có phần “dễ dàng”, dẫn đến số lượng phương tiện tạm giữ nhiều lên, ùn ứ, quá tải tại nơi tạm giữ.
Theo ông Xuyền, nghị định của Chính phủ hướng dẫn điều kiện tạm giữ phương tiện vi phạm đã mở rộng hơn so với quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính là nguyên nhân của tình trạng này.
“Hầu như tôi đi tất cả các bãi xe máy tạm giữ là người vi phạm không đến nhận. Để sau thời gian 1 năm thì không sử dụng được nữa, khi đó đem bán không đủ chi phí kho bãi. Nếu không khéo, cơ quan công an lại trở thành nơi xử lý môi trường thay cho các đơn vị sản xuất ô tô, xe máy”, ông Xuyền nói và đề nghị Bộ Công an xem xét tham mưu sửa đổi quy định.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.