Đêm Giao thừa, người Nam Định đốt đuốc rước lửa thánh về nhà lấy may

22/01/2023 05:12 GMT+7

Trong thời khắc giao thừa, hàng trăm người dân ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không ở nhà mà tập trung ở đình làng Đằng Chương, chờ đốt lửa để lấy “lửa thánh” về nhà thắp hương, cầu một năm mới may mắn, bình an.

Đêm 21.1.2023 (tức 30 Tết âm lịch), hàng trăm người dân ở thôn Đằng Chương (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tập) trung ở đình làng Đằng Chương. Không phải đốt pháo, người dân Đằng Chương sẵn sàng cho nghi thức đặc biệt: rước lửa thánh về nhà để lấy may.

Người dân làng Đằng Chương phấn khởi lấy lửa từ vạc dầu trong đình làng về nhà

Nguyễn Bắc

Từ đình làng Đằng Chương, người dân châm lửa vào cây đuốc, chạy nhanh về nhà để thắp hương, dâng lễ cúng đêm giao thừa.

"Lịch sử của đình của chúng tôi có từ cách đây khoảng 500 năm. Tục lấy lửa cũng đã có từ thời cổ xưa. Nhân dân ra để lễ thánh ở khu di tích tâm linh của làng, đồng thời để lấy lửa để xin may mắn mang về cho từng gia đình, cầu mong một năm mới bình an, mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, trong làm ăn. Quan niệm của người dân Việt Nam ta và của chúng tôi thì lửa là thể hiện sự may mắn, đỏ", ông Dương Văn Hà, 78 tuổi, người dân thôn Đằng Chương cho biết.

Lửa đỏ được coi là điềm may mắn, đặc biệt là trong dịp đầu xuân năm mới

Nguyễn Bắc

Đúng 12 giờ đêm, trong tiếng chuông vang vọng, người chủ tế châm lửa ở vạc dầu. Lửa bừng sáng trong sân đình. Người dân xin “lửa thánh” chen nhau đưa cây đuốc của mình vào lấy được lửa sau đó chạy nhanh về nhà. Từ đây các ngọn đuốc được giơ cao và tỏa vội ra các ngõ xóm. Theo quan niệm, gia đình nào có người lấy được lửa Thánh đưa về nhà nhanh nhất, sớm nhất làng thì được coi như cả năm mới sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Mỗi người dân cầm đuốc lửa mang về sẽ khua khắp nhà để đuổi đi những điều đen đủi của năm trước.

Những ngọn đuốc này sau đó được người dân đưa về nhà để thắp hương gia tiên và cắm ở trước nhà

Nguyễn Bắc

"Anh em đã chuẩn bị những ngọn đuốc được tẩm dầu, quấn chu đáo bằng giẻ. Khi ngọn lửa được ông tế chủ mang ra từ trong đình, thả vào một cái bồn chứa dầu, châm lửa lên thì bà con dân làng sẽ lấy lửa từ đó ra, rước đuốc như vậy tạo thành một khung cảnh rất là nhộn nhịp, đường làng sáng choang luôn", ông Phạm Tài Vinh, trưởng thôn Đằng Chương cho biết.

Với những gia đình không có người đi xin “lửa thánh” thì chỉ cần có hàng xóm láng giềng đem lửa lấy từ đình làng sang xông nhà. Hàng xóm đồng ý mừng tuổi cho gia đình thì ngọn “lửa thánh” vẫn được sử dụng để thắp hương bàn thờ gia tiên và nổi lửa ở bếp trong 5 ngày tết, với ý nghĩa may mắn đầu xuân tương tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.