Đại hội thi đua quyết thắng Quân khu 7:

Đến bảo tàng nghe kể sử Quân khu 7 oai hùng

Thúy Liễu
Thúy Liễu
09/07/2024 08:23 GMT+7

Hơn 35 năm hoạt động, Bảo tàng Quân khu 7 đang từng ngày thực hiện nhiệm vụ phát huy các giá trị di sản về quá trình ra đời, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu 7, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ Việt Nam.

Nơi lưu trữ những giá trị lịch sử

Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, đất nước thống nhất, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu (QK) 7 có chủ trương tập trung sưu tầm hình ảnh, tài liệu, hiện vật, xây dựng Bảo tàng lực lượng vũ trang (LLVT) miền Đông Nam bộ nhằm giới thiệu một cách đầy đủ, toàn diện quá trình ra đời, chiến đấu và trưởng thành của LLVT QK7. Đồng thời, bảo tàng là nơi phát huy các giá trị di sản văn hóa quân sự, phục vụ nghiên cứu, học tập, tham quan của bộ đội, người dân và công chúng quốc tế. Đây còn là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là người trẻ.

Đến bảo tàng nghe kể sử Quân khu 7 oai hùng- Ảnh 1.

Bảo tàng QK7 là nơi phát huy các giá trị di sản văn hóa quân sự, phục vụ nghiên cứu, học tập, tham quan của bộ đội, người dân và công chúng quốc tế

THÚY LIỄU

Năm 1988, Bộ Tư lệnh QK7 quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ (còn gọi là Bảo tàng QK7). Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.1990), bảo tàng bắt đầu mở cửa đón khách tham quan từ ngày 17.5.1990.

Tháng 4.1996, bảo tàng được Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Bảo tàng quốc gia hạng 2. Hiện bảo tàng có 2 khu nhà trưng bày lớn (khu A và khu B), 11 phòng chuyên đề và khu trưng bày ngoài trời. Tổng diện tích trưng bày là 17.500 m2 và trên 10.000 hiện vật các loại gồm hình ảnh, tư liệu, bộ sưu tập quý hiếm như sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh, vũ khí tự tạo của quân giới Nam bộ…

"Hành trình đến với bảo tàng"

Nhằm thu hút khách du lịch, Bảo tàng QK7 đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa thu hút du khách như: chương trình "Hành trình đến với bảo tàng"; giao lưu nhân chứng lịch sử thời kháng chiến; tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo khoa học, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên; chương trình "Câu lạc bộ em yêu lịch sử", "Rung chuông vàng", "Em tập làm thuyết minh viên"…; triển lãm lưu động tại các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội… Những chương trình, hoạt động này biến những hoạt động ngoại khóa tại bảo tàng thành những giờ học lịch sử bổ ích cho học sinh, sinh viên.

Trong đó, "Hành trình đến với bảo tàng" là mô hình nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách tham quan, để bảo tàng gần hơn với công chúng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Khi đến bảo tàng, du khách sẽ được truyền tải đầy đủ, toàn diện quá trình ra đời, chiến đấu và trưởng thành của LLVT QK7.

Đến bảo tàng nghe kể sử Quân khu 7 oai hùng- Ảnh 2.

Bảo tàng QK7 thu hút nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu về lịch sử của LLVT QK7

THÚY LIỄU

Theo đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng QK7, mô hình "Hành trình đến với bảo tàng" bắt đầu được thực hiện năm 2019, tập trung vào 4 nội dung chính.

"Đầu tiên, mô hình xây dựng hình mẫu đội ngũ nhân viên thuyết minh "giỏi, chu đáo, văn minh, lịch sự". Tiếp đó, bảo tàng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đổi mới nội dung, hình thức trưng bày thu hút khách tham quan. Bên cạnh đó, bảo tàng còn tăng cường hợp tác với các trường học, các công ty du lịch tạo thành các tour tham quan bổ ích. Cuối cùng, chúng tôi cũng tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá mô hình này qua nhiều hình thức khác nhau", đại tá Điệp nói.

Đến nay, Bảo tàng QK7 đã ký kết hợp tác với 6 trường học, 4 công ty du lịch, 1 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh. Để phát huy hiệu quả của mô hình, Ban giám đốc bảo tàng đã chú trọng tuyển chọn, xây dựng và đào tạo đội ngũ thuyết minh có tâm huyết với nghề; có kiến thức về chuyên môn và nghiệp vụ hướng dẫn để phục vụ cho mọi đối tượng khách tham quan.

"Người thuyết minh tại bảo tàng có vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa bảo tàng với công chúng. Đến với bảo tàng, du khách được trải nghiệm trực quan thông qua hiện vật trưng bày, được nghe người thuyết minh kể về những câu chuyện lịch sử tại bảo tàng. Có thể nói, bảo tàng đã trở thành địa chỉ tin cậy thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống của dân tộc tại TP.HCM", Giám đốc Bảo tàng QK7 đánh giá.

Đẩy mạnh số hóa bảo tàng

Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, Bảo tàng QK7 cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo tàng. Trong đó, số hóa hiện vật là xu hướng mà bảo tàng hướng đến nhằm hiện đại hóa hoạt động của bảo tàng, đưa hiện vật đến gần hơn với công chúng.

Bảo tàng QK7 đang lưu giữ, quản lý trên 20.000 tài liệu hiện vật, hình ảnh, trong đó có hơn 8.000 ảnh tư liệu, hơn 10.000 tài liệu hiện vật gốc.

6 tháng đầu năm 2024, Bảo tàng QK7 đón hơn 48.000 lượt khách tham quan. Hiện bảo tàng miễn phí vé vào cổng. Số lượng khách tham quan bảo tàng hướng đến khoảng 150.000 lượt/năm. Bảo tàng QK7 đã xây dựng website, lập fanpage bảo tàng trên Facebook, đăng tải các bài viết giới thiệu hiện vật của đơn vị để quảng bá đến công chúng.

Năm 2017, bảo tàng tiến hành trang bị đồng bộ hệ thống máy tính, máy scan và cài đặt phần mềm quản lý hiện vật và hình ảnh theo chuẩn của Bảo tàng Lịch sử quân sự thống nhất trong toàn quân. Đồng thời, giao bộ phận kiểm kê - bảo quản lập hồ sơ, đăng ký kiểm kê khoa học tài liệu hiện vật, hình ảnh, rà soát lại tất cả hồ sơ tài liệu, hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng, nhập thông tin hiện vật gốc, hình ảnh lên phần mềm. Tính đến nay, Bảo tàng QK7 đã nhập đầy đủ thông tin phần mềm quản lý hình ảnh tại bảo tàng, riêng hiện vật đã nhập liệu trên 1.000 hiện vật.

Đến bảo tàng nghe kể sử Quân khu 7 oai hùng- Ảnh 3.

Ngày 25.4, Bảo tàng QK7 được Sở Du lịch TP.HCM công nhận là điểm du lịch, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử VN

THÚY LIỄU

Thời gian tới, bảo tàng tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa hiện vật, đẩy nhanh tiến độ nhập liệu thông tin hiện vật vào phần mềm quản lý, bổ sung các phần còn thiếu trong hồ sơ tài liệu hiện vật (hình ảnh, thông tin…), thành lập kho dữ liệu (big data) trên không gian mạng để có thể phục vụ tra cứu thông tin bất cứ lúc nào. Bảo tàng cho ứng dụng mã quét QR tại các triển lãm chuyên đề nhằm mở rộng không gian trưng bày, nâng cao tính thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin đến người tham quan.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình "Hành trình đến với bảo tàng", lấy công chúng làm trung tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thường xuyên luân chuyển, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước ứng dụng công nghệ khoa học vào trưng bày; nâng cao chất lượng các dịch vụ bảo tàng như xuất bản ấn phẩm, quà lưu niệm, giải khát…", bà Điệp thông tin.

Ban giám đốc bảo tàng luôn quan tâm đề ra những giải pháp cụ thể để tiến hành hiệu quả công tác nghiên cứu, sưu tầm nhằm củng cố, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học nguồn tư liệu, hiện vật hiện có; sưu tầm bổ sung nguồn hiện vật mới cho các không gian trưng bày trong bảo tàng, đặc biệt nguồn hiện vật phục vụ các chuyên đề mới liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh.

"Nguồn tư liệu trong dân tại các vùng căn cứ cách mạng là nguồn mà bảo tàng đang tập trung khai thác, để tạo ra những giá trị mới, chân thực nhất cho các chuyên đề trưng bày tại bảo tàng. Các hình ảnh, tư liệu, hiện vật sau khi đưa về bảo tàng được phân loại theo loại hình, xử lý kỹ thuật thông qua hội đồng khoa học xét duyệt và nhập kho theo đúng quy định", lãnh đạo bảo tàng cho hay. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.