Sau những tiếng sủa giòn tan của con Mực, bóng người lạ đi vô sân. Má Tư bước ra, cất tiếng dò hỏi:
- Đứa nào như con Tím đó bây ?
- Dạ không, con là khách ở TP.HCM ra thăm má - Cô gái trạc ngoài ba lăm nói giọng Nam bộ vừa đáp, vừa bước tới nắm lấy tay má Tư cứ như thân thiện từ trước.
- Ủa. Chớ hồi nào giờ tui có con cháu, anh em gì ở trỏng đâu hén. Cớ sao cô biết bữa nay đám giỗ thằng Nghĩa? Ờ. Mà thôi, cứ vô nhà rồi tính.
Dứt lời, má Tư nắm tay khách lạ đi vào phía bộ tràng kỷ bằng gỗ đặt ở phòng khách. Thấy khách đảo mắt nhìn quanh căn nhà nền gạch Bát Tràng xưa cũ, giàn cột, rường, xà đều bằng gỗ có nét chạm trổ góc cạnh, mái ngói vảy cá xếp trên rui mè bằng tre bóng mượt, má Tư vồn vã kể:
- Ngó vậy chớ ngót nghét cũng gần trăm năm rồi đó nghen cô. Xưa là mái tranh vách đất, khi tui ưng ổng được nửa năm thì cha mẹ chồng tui dốc hết tiền, vàng dành dụm bấy lâu kêu thợ ở tận đẩu tận đâu về hì hục xây lắp gần cả năm mới xong.
Ngừng một lát, má Tư chỉ tay vô vách nhà nói tiếp:
- Cô biết hông, hồi nẵm ở cái xứ này đâu có xi măng đóng bao như giờ. Chỉ có vôi hầm từ san hô trong lò đất sét hình nón có bện tre bao bọc bên ngoài, đem ra sàng lọc lấy vôi bột đảo trộn với cát sông, mật mía rồi ủ nước thâu đêm để xây nhà. Chỉ có vậy mà vách xây cứng chắc như đá nghen cô…
Đang dở chuyện. Từ phía bếp cô Ba Tình bưng mâm đĩa bánh ít bước lên chưa kịp hỏi má Tư sắp đặt bàn nào thì khựng lại giây lát, vì nhìn thấy khách lạ. Tới lúc đó, má Tư mới sực nhớ nên lay nhẹ tay cô gái:
- Ờ. Mà cô là con nhà ai hén.
- Thưa má. Con là Thảo Duyên, phóng viên ở TP.HCM. Thiệt tình con hổng biết bữa nay ngày giỗ của chú Nghĩa. Tháng trước, tình cờ con gặp chú Thành - một người bạn của chú Nghĩa, từng là sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu với cấp bậc hàm đại tá, chú đã kể về má và chú Nghĩa nên con về đây gặp má để tìm hiểu, viết bài.
Má Tư im lặng hồi lâu, chừng như kìm nén xúc động. Rồi má chỉ tay về phía tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ, thiếu úy Nguyễn Chính Nghĩa. Kế bên là Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng cho thiếu úy Nghĩa. Bằng giọng trầm buồn, má Tư kể:
- Nhà người ta có năm, bảy đứa con, còn tui với ổng chỉ có một. Chiến tranh khốc liệt, tản cư chạy loạn từ làng này sang xã khác, từ nông thôn đến thành thị, nhưng khi nguôi chút đã phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Căn nhà này xưa kia là tâm điểm của chính quyền xã và cảnh sát quốc gia, chỉ vì bị nghi ngờ "tiếp tay cho cộng sản". Gay gắt nhất là khi con trai tui thoát ly lên căn cứ hoạt động cách mạng, rồi nhập ngũ vào bộ đội.
Ngừng một lát, má Tư kể tiếp:
- Thiệt tình là nó đi theo cách mạng tui hổng biết nghen cô. Tui với ổng đang lo cất giấu gạo, mắm ở bờ tre, ruộng mía để chuyển lên cứ, thì nó vác mớ cần tre, nói là ra bầu Trạnh giăng câu. Nào ngờ tới sáng hôm sau cũng hổng thấy về. Mọi người đổ xô ra bầu Trạnh tìm kiếm. Tui khóc hết nước mắt khi thấy đôi dép còn bỏ lại bên bờ bầu. Đang lo tìm xác để tính chuyện hậu sự, thì nửa đêm hôm đó có người gõ cửa. Ông Ba Ngộ từ trên cứ về báo tin thằng Nghĩa đã thoát ly đi theo cách mạng…
- Rồi sao nữa má?
- Thì vậy chớ sao. Để né tránh chính quyền xã với đám cảnh sát quốc gia, nhà tui cũng làm bộ rước thầy cúng bái, lập bàn thờ gió, coi như thằng Nghĩa chết đuối. Còn chuyện nó hoạt động trên cứ ra sao, nhập ngũ vào bộ đội, đánh đấm rồi hy sinh thế nào, thì sau này tui chỉ được nghe những câu chuyện chắp nối của nhiều người kể lại chớ mình có phải là người trong cuộc đâu cô.
Ngước nhìn về phía bàn thờ, nơi cô Ba Tình đang sắp đặt mâm cỗ để cúng giỗ, Thảo Duyên không thấy di ảnh chú Nghĩa, nên dò hỏi:
- Hồi đó giờ nhà mình không có ảnh của chú Nghĩa sao má?
- Ờ. Con hỏi thì má mới nói. Nhiều lắm chớ. Có mấy tập album lận, nhưng hơn nửa năm sau khi thằng Nghĩa "mất tích", Chi cảnh sát quốc gia quận Hiếu Xương bất ngờ ập vô nhà lúc chập choạng tối. Tụi nó khám xét, lấy hết mấy tập album ảnh của gia đình, đem về dưới quận trích xuất hình ảnh thằng Nghĩa để dán lệnh tầm nã, rồi đưa cho đám cảnh sát lùng sục, vì có người đằng mình đang ở trên cứ lại bỏ trốn xuống quận xin chiêu hồi, khai báo nhiều thông tin cho địch.
Nghe tới đó và nhìn gương mặt thấm đẫm màu buồn của má Tư, Thảo Duyên cảm nhận nỗi đau dằn xé trong lòng. Nỗi đau từ cuộc chiến tranh khốc liệt hôm qua mà những người trẻ như cô chỉ cảm nhận được qua ký ức của người trong cuộc.
* * *
Hồi đó, trong cái đêm giông bên bầu Trạnh năm xưa, chàng thanh niên tên Nghĩa được nhân viên liên lạc dẫn đường ngược lên căn cứ ở Sơn Long. Vài tháng sau ông được phân công nhiệm vụ tại một tiểu đội trinh sát của tỉnh đội Phú Yên. Nhiều chiến công thiếu úy Nghĩa cùng đồng đội lập nên sau những trận đánh quyết tử với địch, trong đó có nhiều chiến thuật vận dụng linh hoạt, sáng tạo được đánh giá cao.
Một buổi chiều vàng vọt giữa mùa hạ năm 1974, có tin biệt kích địch xâm nhập đầu nguồn suối Mơ, thiếu úy Nghĩa khoác súng AK luồn rừng, vượt qua những triền đồi để trinh sát hiện trường theo phân công của tỉnh đội. Khi đến bên tảng đá đen, thiếu úy Nghĩa tìm thấy cành cây găng bị gãy bất thường, bên dưới mặt đất ở nơi còn ẩm ướt có dấu giày botte desaut cùng một đuôi tàn capstan đậm mùi thuốc lá mới vứt bỏ. Nhận định toán biệt kích đang có mặt ở khu vực này, thiếu úy Nghĩa lần dò từng bước ra bờ suối. Bất chợt có tiếng kim khí va chạm, phía trước nhấp nhô mũ sắt lính biệt kích lầm lũi bước tới. Trước tình thế đó thiếu úy Nghĩa phải rút lui về phía triền đồi, nhưng dường như địch đã phát hiện nên tiếng súng AR16 dội vào tảng đá. Tình huống cấp thiết buộc thiếu úy Nghĩa phải bắn trả toán biệt kích, nhưng phía địch có đến bảy binh lính, trong khi hộp tiếp đạn AK chỉ 30 viên nên thiếu úy Nghĩa vừa rút lui vừa tìm những tảng đá, gốc cây cổ thụ để nép mình nâng tầm súng lên bắn tỉa. Tay súng thiện xạ của ông hạ gục đến biệt kích thứ ba thì toán lính địch điên cuồng xả những loạt đạn AR16 nhưng chỉ có mảnh đá văng, cây rừng toạc thân, còn thiếu úy Nghĩa may mắn trong từng gang tấc.
Gần nửa giờ sau, phía bên kia có tiếng của một gã biệt kích gào thét qua máy truyền tin vô tuyến PRC-25 kêu gọi tăng cường lực lượng bắt sống một Việt cộng.
Vậy là toán biệt kích đã nhận ra đối phương chỉ có một người. Chỉ trong giây phút, thiếu úy Nghĩa tính đến phương án không để sa vào tay địch và phải rút lui theo hướng khác để địch không phát hiện căn cứ cách mạng. Sau một hồi luồn rừng, vượt suối, thiếu úy Nghĩa chạm trán toán biệt kích thứ hai vừa được tăng cường, nên ông đưa súng lên tầm ngắm để bắn tỉa. Thêm ba biệt kích trong toán lính thứ hai bị trúng đạn, khiến cho địch không còn đủ kiên nhẫn thực hiện mưu đồ bắt sống, mà xả súng bắn càn và tung nhiều quả lựu đạn M67. Thiếu úy Nghĩa bị thương nặng, toán biệt kích đang mưu tính tiếp cận để lấy xác khoe khoang chiến tích, thì cũng là lúc đại đội đặc công của tỉnh đội Phú Yên ập đến triển khai đội hình đánh địch tan tác.
Những lời kể của thiếu úy Nghĩa với đồng đội trước khi trút hơi thở cuối cùng cùng với lời khai và cuốn nhật ký trong ba lô của một toán trưởng biệt kích địch đã bị các trinh sát đại đội đặc công bắt giữ trong một trận đánh ác liệt ở dốc Ván sau đó hơn nửa năm đã tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường của thiếu úy Nghĩa với hai toán biệt kích địch giữa mùa hè 19. Nhà báo Thảo Duyên là người ghi chép lại lời kể từ đại tá Thành - người đồng đội của thiếu úy Nghĩa.
* * *
Trong hành trình về lại TP.HCM, Thảo Duyên cứ đau đáu mãi với hình ảnh má Tư cầm những nén hương đứng trước bàn thờ không có di ảnh chú Nghĩa trong ngày giỗ. Chợt nhớ trong một lần tác nghiệp ở Thủ Đức, Thảo Duyên đã gặp nữ họa sĩ có khả năng tái hiện hình ảnh người mất bằng những nét vẽ tài hoa qua lời kể của người thân. Bỗng dưng lòng cô nôn nao theo từng nhịp gõ bánh sắt của đoàn tàu hỏa đang hướng về phương nam.
Xuống tàu ở ga Sài Gòn, Thảo Duyên không về nhà mà lên taxi đi thẳng đến nhà đại tá Thành đón người cựu binh ra Thủ Đức. Sau cú bấm chuông, nữ họa sĩ tuổi ngoài bảy mươi mở cửa. Nghe chuyện, nữ họa sĩ cất tiếng:
- Chuyện không gấp, nhưng phải làm ngay. Ít ra đó cũng là động thái bày tỏ lòng tri ân với người đã khuất, mà những ai đang sống phải có nghĩa cử, tấm lòng và trách nhiệm với thế hệ cha anh.
Và rồi, những lời mô tả của đại tá Thành đã được nữ họa sĩ chuyển hóa thành những nét vẽ chân dung thiếu tá Nghĩa bằng bút chì, đậm chất kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nhiều nét nhấn nhá trong mỗi góc cạnh sáng tối đã tạo nên bức vẽ thật sự có hồn với gương mặt kiên nghị, đôi chân mày rậm phía trên ánh mắt thông thái cùng với cánh mũi cao và đôi môi như mấp máy nét cười hiền lành đã khiến cho đại tá Thành phải thốt lên: "Anh Nghĩa đây rồi".
Bức vẽ chân dung thiếu tá Nghĩa được lồng trong khung kính trước khi gói lại bằng lá cờ Tổ quốc để ngày mai Thảo Duyên lại lên tàu ngược ra Phú Yên.
Trước mắt Thảo Duyên là hình ảnh má Tư ôm lấy bức chân dung người con trai hồi lâu rồi mới nhẹ nhàng đặt lên bàn thờ tỏa ngát hương trầm.
Bình luận (0)