"Chẳng đọng lại trong tôi điều gì"
Chị N.T.Q. Như (28 tuổi, sống ở hẻm 163 Thành Thái, Q.10, TP.HCM) cho hay chị không thích du lịch vì bản thân nhận thấy việc đi du lịch là vô bổ và mất nhiều thời gian.
“Lúc còn là sinh viên, tôi cùng nhóm bạn đi lên Đà Lạt chỉ để check-in một nơi đang "hot" với giới trẻ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ngoài được những bức hình đẹp để khoe lên mạng xã hội thì hành trình chớp nhoáng này chẳng đọng lại trong tôi điều gì, chỉ cảm thấy cơ thể mệt nhoài, lả người vì ngồi xe đường dài. Từ đó, tôi không còn thích khám phá ở nơi xa”, chị Như kể.
Một số người trẻ không thích đi du lịch và cho rằng hoạt động này vô bổ với họ |
hà ngư |
Mỗi khi bản thân buồn hay cuộc sống gặp trắc trở, thay vì có những chuyến du lịch được gắn mác “xả stress”, chị Như chia sẻ chị chỉ về quê thăm cha mẹ.
Cô gái 28 tuổi cho biết: “Cha mẹ đã ngoài tuổi 50 nên tôi phải dành nhiều thời gian hơn cho họ. Do đó thay vì đi du lịch mỗi khi rảnh rỗi hay có ngày nghỉ thì tôi sẽ bắt xe buýt về quê ở Long An”.
Một số người đi du lịch vì điểm đến có cảnh đẹp |
hà ngư |
Tương tự, anh N.Q.Toàn (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại tòa nhà E.town 2, Q.Tân Bình, TP.HCM) bộc bạch: “Tôi phải dành dụm từng đồng, lấy đâu ra để đi du lịch, ngắm hoàng hôn, nghỉ dưỡng vài ngày tại nhà hàng 3 hay 4 sao”.
Từ lúc tốt nghiệp ra trường, anh Toàn (quê ở Long An) cố gắng làm nhiều công việc với mục tiêu đến 30 tuổi sẽ mua được một căn chung cư nhỏ tại TP.HCM, có tiền cưới vợ, sinh con.
Thay vì "đi đâu chơi" thì một số người trẻ luôn suy nghĩ phải mua được nhà trước tuổi 30 |
hà ngư |
"Với tôi, bây giờ mỗi khi chia sẻ câu chuyện là phải nói đến cuộc sống sau 30 tuổi sẽ ra sao? Có nhà hay tiếp tục ở trọ? Lập gia đình hay chưa? chứ không phải "du lịch bao nhiêu tỉnh thành rồi...?". Thú thật, tôi cũng không mặn mòi gì với các chuyến đi xa ở thời điểm này vì tôi thấy nó thật vô bổ, chẳng giúp ích được gì mà tốn tiền nữa", anh Toàn chia sẻ.
Đi du lịch xong, về phải “cày” gấp đôi
Sau tết 2022, anh N.T.T (27 tuổi, quê An Giang, làm việc tự do) không còn đi du lịch nữa vì hao hụt tài chính. Trước đây, cứ mỗi 2-3 tháng, anh thường chi khoảng 10 triệu đồng cho hành trình 5 - 7 ngày, với mong muốn có được bộ ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, mỗi lần về, anh phải "cày" gấp đôi để có tiền bù vào.
"Có lần tôi còn phải mượn thêm tiền bạn bè, người thân để đi du lịch, giờ nhìn lại thấy phí phạm. Đồng thời, mỗi lần về tôi phải dồn sức làm việc bất kể ngày đêm để có lại thu nhập, nhiều khi bản thân đã đổ bệnh", anh T.T nói.
Có nhiều thứ khác để trải nghiệm
Vào dịp hè hay những ngày nghỉ lễ, phép, thay vì đi du lịch thì một số người trẻ này lại chọn đi thiện nguyện, mùa hè xanh.
Chẳng hạn, Ng.Tr.N.Hân (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ từ khi đến TP.HCM học tập, cô thường dành thời gian rảnh để tham gia các chương trình thiện nguyện, chiến dịch mùa hè xanh. "Từ khi tham gia các hoạt động này, tôi nhận thấy mình trưởng thành, sống có trách nhiệm với bản thân hơn. Thông qua những hoạt động này, tôi nhận thấy có nhiều thứ khác để trải nghiệm hơn là đi du lịch", Hân nói về lý do không đi du lịch.
Người trẻ tham gia tiếp sức mùa thi |
hà ngư |
Trong khi đó, hơn nửa năm nay, vào những ngày cuối tuần, anh Nguyễn Văn Nghĩa (29 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) chọn đạp xe vòng quanh thành phố với bạn bè thay vì đi chơi xa như trước đây.
"Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh những chuyến du lịch thâu đêm suốt sáng với màn tiệc tùng, bia rượu cùng với đám bạn của tôi. Có đợt tôi đi chơi xa mà tưởng đi... hành xác, bởi tôi hay bị say xe, không ngủ đủ giấc, khó ăn uống nơi lạ... Sau các đợt vui chơi, nghỉ dưỡng ấy, tôi không cảm nhận được mình "khỏe ra" hay "giảm strees" mà phải mua thêm vài ngày thuốc uống dưỡng sức, giảm đau bao tử", anh Nghĩa chia sẻ.
Kể từ đó, anh Nghĩa nhận thấy không còn hứng thú với việc đi du lịch ở những nơi xa. "Giờ đây, việc đạp xe tập thể dục mỗi sáng đã đủ khiến tôi thư giãn mà không cần phải đi du lịch nhiều nơi", anh Nghĩa nói.
Bình luận (0)