Vẫn eo hẹp nguồn cung
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 2, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế. Cả nước chỉ có 7 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý 1 và bằng khoảng 29.17% so với quý 2.2022.
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 2 có 96.977 giao dịch thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 29.725 giao dịch thành công; còn lại chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Trong quý 2, giá giao dịch chung cư mới ở Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại.
Trong khi đó, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao. Còn giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2 - 5% so với quý trước.
Về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, tín dụng tính đến 31.5 phát sinh dư nợ đạt gần 926.000 tỉ đồng. Cơ cấu tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu trong quý 2 có 13 đợt phát hành với tổng giá trị là hơn 8.100 tỉ đồng; vốn FDI đầu tư vào bất động sản giảm mạnh, với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỉ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm vẫn còn ở nhiều địa phương
Bộ Xây dựng cũng thông tin về kết quả của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bất động sản. Tại TP.HCM, Tổ công tác đã làm việc với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị. Đến nay TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, trong đó 28 dự án giải quyết theo hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác; 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại TP.Hà Nội, tổ công tác đã làm việc với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án, xác định vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Tổ công tác đã hướng dẫn UBND TP.Hà Nội tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Đến nay TP.Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án, đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ cho 293 dự án.
Bộ Xây dựng đánh giá, qua tổng hợp các kiến nghị cho thấy hầu hết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng... Các địa phương đang tích cực giải quyết, song việc tháo gỡ vướng mắc còn nhiều khó khăn do quá trình thực hiện nhiều dự án kéo dài. Pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, nên các vướng mắc rất khó tháo gỡ.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức còn tâm lý sợ sai, trách nhiệm nên đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, quyết định. Bộ Xây dựng cho rằng, Chính phủ cần quán triệt đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Bình luận (0)