Dịch bệnh do vi rút Corona: Không cho nghỉ, học sinh cũng tự nghỉ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/02/2020 07:20 GMT+7

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona , dù một số địa phương chưa cho nghỉ và nhà trường vẫn dạy học bình thường nhưng rất nhiều học sinh được bố mẹ xin phép cho con nghỉ học .

Trong khi đó, không ít hiệu trưởng trường tư tự quyết định việc cho học sinh (HS) ở nhà ít nhất là 1 tuần tới.

Số học sinh tự nghỉ học gia tăng

Tâm sự của những bác sĩ trong tâm dịch virus corona ở Việt Nam

Tại Vĩnh Phúc, một trong 3 địa phương Thủ tướng đã công bố dịch, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, số lượng HS nghỉ học tăng cao đột biến. Toàn tỉnh đã có hơn 30.600 HS nghỉ học, chiếm 9,6%. Trong đó, số HS báo có các triệu chứng như cúm, sốt, ho, khó thở là 823 em. Cũng theo sở này, những ngày gần đây, nhiều ý kiến của phụ huynh HS, hiệu trưởng và giáo viên liên tục hỏi và đề xuất cho HS được nghỉ học để đảm bảo an toàn. Sở GD-ĐT đã gửi công văn sang Sở Y tế tỉnh để đề nghị thông báo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn trường hợp cho HS nghỉ học. Đến hôm qua 2.2, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chính thức cho HS nghỉ học.
 Theo Bộ GD-ĐT, tính đến đến 23 giờ 45 ngày 2.2, có 26 tỉnh/TP đã báo cáo Bộ về việc quyết định cho HS nghỉ học. Cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT đang cập nhật liên tục danh sách này.
Trong số 26 tỉnh/TP cho HS nghỉ học đến thời điểm này có 19 tỉnh thành cho nghỉ một tuần (từ 3 - 9.2) gồm: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội, Long An, Kiên Giang, Bình Thuận, Cần Thơ, Vĩnh Long, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Hà Giang, Hưng Yên, Lai Châu, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai (riêng TP.Biên Hòa nghỉ 2 ngày 3, 4.2); 2 tỉnh cho  HS nghỉ 2 ngày (3, 4.2) gồm: Hậu Giang, Cao Bằng; 5 tỉnh cho HS nghỉ 3 ngày (3, 4, 5.2) là Tiền Giang, Lào Cai, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Hải Phòng.
Trước khi Hà Nội chính thức cho HS nghỉ học, nhiều phụ huynh lo lắng và đã quyết định cho con nghỉ học ở nhà, vì cho rằng thà chấp nhận con học lại hoặc có kết quả không được như mong muốn, nhưng an toàn sức khỏe được đặt lên hàng đầu.

Bệnh nhân Trung Quốc nhiễm virus corona sắp được xuất viện

Ghi nhận ban đầu cho thấy, HS cấp học càng thấp nghỉ càng nhiều, hôm sau nghỉ nhiều hơn hôm trước. Ví dụ, theo thống kê của Phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, có tới hàng nghìn HS nghỉ học trong 2 ngày đầu trở lại trường sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, trong đó nhiều nhất là bậc mầm non. Cụ thể, tổng số trẻ của quận này là 6.267 thì ngày thứ nhất vắng 2.733, ngày thứ hai tăng lên là 2.887. Tiếp đến là cấp tiểu học, có 13.402 HS thì ngày thứ nhất vắng 1.125 HS, đến ngày thứ hai, số này đã tăng lên 1.568 em. Cấp THCS có 11.040 HS, ngày thứ nhất vắng 588, ngày thứ hai tăng lên 663 HS…
Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, cho biết nếu ngày 30.1 có 122/307 trẻ vắng mặt thì ngày 31.1, con số này là 138 trẻ, chiếm gần 50%.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT hướng dẫn học sinh cả nước nghỉ học

Hôm qua (2.2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành công điện về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, trong đó nêu rõ: Hạn chế tập trung đông người; các tỉnh đã công bố dịch dừng tổ chức các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; quyết định cho HS nghỉ học.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT hướng dẫn cụ thể việc cho HS nghỉ học, đặc biệt đối với HS dưới 12 tuổi tại các tỉnh đã công bố dịch; chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn, khử trùng trường, lớp học. Bộ VH-TT-DL tăng cường kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm hẳn quy mô các lễ hội tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc. Với các địa phương đã công bố dịch, hạn chế việc tập trung đông người; thực hiện nghiêm việc dừng tổ chức các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc.
Cũng trong hôm qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn cho Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế về đề nghị của Bộ GD-ĐT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho phép HS, sinh viên nghỉ học. Công văn nêu rõ Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương về việc cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và HS tiểu học, THCS, THPT tạm nghỉ học; Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quyết định cụ thể bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chí Hiếu
 
Trong khi đó, theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Newton, trước tình hình dịch bệnh vi rút Corona đang diễn biến phức tạp, cha mẹ HS cho con nghỉ học rất nhiều. Ngày 31.1, hầu hết các lớp chỉ có 2 - 3 HS đi học.
Tại Trường Marie Curie (Hà Nội), theo Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, ngày 30.1, HS tiểu học nghỉ 168 em (chiếm 17,8%), đến ngày 31.1 con số này là 278 em (29,4%). Ở cấp THCS, ngày 30.1 nghỉ 10,4%, ngày 31.1 tăng lên 10,6%... Cả trường ngày đầu tiên có 407 HS nghỉ (11%) thì ngày thứ 2 có tới 534 em nghỉ (15,2%)… Có lớp ở cấp tiểu học vắng hơn một nửa do phụ huynh lo lắng và có tâm lý “nghe ngóng” chờ các thông báo chính thức từ cơ quan chức năng.

Trường tư “quyết” cho HS ở nhà 1 - 2 tuần

Nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội cũng như TP.HCM cũng đã dựa trên mong muốn của phụ huynh để ra quyết định cho HS ở nhà; một số trường chuyển sang hình thức học trực tuyến, trước mắt là trong 1 tuần (từ 3 - 9.2).
Ví dụ, Trường tiểu học Newton (Hà Nội) cho HS toàn trường học online tại nhà từ ngày 3 - 9.2 với những hướng dẫn chi tiết kèm theo. Hệ thống giáo dục Vinschool cũng chính thức thông báo cho HS từ mầm non tới THPT nghỉ học. Trường liên cấp Vinschool từ mầm non tới THPT đều cho HS nghỉ học từ 3 - 9.2. Trong thời gian này, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch học tập của tuần, bài tập để ôn luyện kiến thức và đăng tải trên ứng dụng “Vinshool parents” để phụ huynh hướng dẫn HS chủ động nghiên cứu, học tập tại nhà.
Trường Alpha cũng cho HS tự học tại nhà 1 tuần và gửi tài liệu học tập, hướng dẫn học qua email để phụ huynh in ra cho con làm bài tập.
Các trường phổ thông thuộc các trường ĐH như: THPT chuyên Khoa học tự nhiên; THPT Chuyên ngữ; THPT Khoa học giáo dục, FPT… cũng đều đã chính thức thông báo sẽ cho HS nghỉ học thêm ít nhất 1 tuần (từ 3 - 9.2).
Một số sở GD-ĐT phía bắc như Cao Bằng, Lào Cai có biên giới giáp Trung Quốc, giám đốc sở cũng đã quyết định cho HS toàn tỉnh tạm thời nghỉ thêm từ 2 - 3 ngày, để tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng dịch bệnh trong trường học.

Bộ GD-ĐT ứng phó thế nào nếu dịch bệnh “tấn công” trường học?

Bộ GD-ĐT đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do vi rút Corona, đồng thời ban hành kế hoạch phòng chống với 3 “kịch bản” ứng với các tình huống của dịch bệnh:
Tình huống 1 là khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh trong trường học; tình huống 2 là khi xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập trường học; và tình huống 3 khi dịch bệnh lây lan trong trường học. Mỗi tình huống đều có phương án chi tiết để ứng phó.
Cụ thể, với tình huống khi bệnh xâm nhập trường học, một trong những biện pháp được đưa ra là tăng cường giám sát, phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh, cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt sức khỏe của những trường hợp tiếp xúc; xử lý triệt để các ổ dịch…
Với tình huống dịch bệnh lây lan trong trường học, “kịch bản” của Bộ GD-ĐT là phối hợp ngành y tế khoanh vùng ổ dịch và cho HS, sinh viên nghỉ học, hạn chế đi lại khi cần thiết, phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, nhà giáo và HS trong cơ sở giáo dục có ổ dịch…
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao Bộ GD-ĐT không quyết định cho HS, sinh viên toàn quốc nghỉ học, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT, cho rằng đối với bậc ĐH, CĐ, Bộ đã giao quyền tự chủ các giám đốc, hiệu trưởng; với cấp phổ thông, mầm non, giám đốc sở GD-ĐT có quyền và trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, phối hợp với ngành y tế và các ngành chức năng tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh quyết định việc nghỉ học của địa phương.
Trên thực tế, quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học hằng năm của Bộ GD-ĐT đều có quy định giao trách nhiệm cho giám đốc sở GD-ĐT các địa phương quyết định cho HS nghỉ học trong các trường hợp bất thường (thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai...) và bố trí cho HS học bù.
Tuyết Mai
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.