Dịch bệnh sốt xuất huyết ở Q.Bình Tân tăng 205%, cao nhất TP.HCM

Duy Tính
Duy Tính
19/07/2022 18:09 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, Q.Bình Tân (TP.HCM) đã có 3.698 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất TP.HCM, trong đó có 2 ca tử vong. Q.Bình Tân cho biết đang thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh nhằm kéo giảm ca mắc.

Chiều 19.7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và đoàn công tác đã kiểm tra tại Q.Bình Tân về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyếtCovid-19 trên địa bàn quận.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đã xuống Trạm Y tế P.An Lạc A thăm hỏi người dân về việc tiêm vắc xin Covid-19 và ý thức của người dân về phòng chống dịch sốt xuất huyết. Sau đó, ông Nên tiếp tục đến đường Đỗ Năng Tế thăm hỏi người dân về việc phòng chống dịch bệnh.

TP.HCM lên kịch bản ứng phó dịch sốt xuất huyết tăng báo động

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 205 %

Báo cáo với Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết, từ đầu năm đến ngày 15.7, trên địa bàn Q.Bình Tân có 3.698 ca mắc sốt xuất huyết do các bệnh viện và phòng khám báo về, tăng hơn 205 % so với cùng kỳ năm 2021 (1.210 ca); tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019 (năm bùng dịch sốt xuất huyết). Trên địa bàn quận cũng đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Qua điều tra của quận thì chỉ có 2.477 ca có địa chỉ, có bệnh nhân; còn lại 1.221 ca khác không rõ địa chỉ, có địa chỉ nhưng không có bệnh nhân hoặc chuyển sang quận, huyện, tỉnh khác.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói chuyện với người dân tại Trạm Y tế P.An Lạc A

D.T.

Tính đến nay, toàn Q.Bình Tân có 93 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó còn 40 ổ dịch trong thời gian giám sát. Quận cũng đã ban hành 43 quyết định xử phạt với các hành vi để phát sinh muỗi, lăng quăng gây bệnh với số tiền gần 60 triệu đồng.

Về khó khăn trong phòng chống sốt xuất huyết, theo Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, có nhiều nền đất trống xen cài khu dân cư, khu nghĩa trang lớn, khu mộ tộc xen cài trong các khu dân cư. Đến mùa mưa, những nơi này trở thành các điểm nguy cơ phát sinh bệnh sốt xuất huyết, cần phải kiểm tra diệt lăng quăng thường xuyên, liên tục. Mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ dân, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu năm công tác kiểm tra, giám sát tại các phường triển khai còn chậm, chưa sâu sát đến từng nhà, từng đơn vị.

Đã tiêm hơn 1,6 liều vắc xin Covid-19

Về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2022 đến ngày 15.7, trên địa bàn Q.Bình Tân phát sinh 38.323 ca bệnh, trong đó có 17 ca tử vong. Từ giữa tháng 3 đến nay, rất ít ca bệnh Covid-19 phát sinh (trung bình 1 - 2 ca/ngày). Các ca bệnh có triệu chứng nhẹ, hầu hết các bệnh nhân đã khỏi bệnh và từ 21.3 đến nay không có ca tử vong. Hiện nay chỉ còn 10 người đang cách ly tại nhà.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiểm tra tại Q.Bình Tân

D.T

Q. Bình Tân cũng đã rà soát được 57.847 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, 55.466 người từ 50 tuổi trở lên, tất cả đã được xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đối với những trường hợp nhiễm Covid-19 đều được cấp túi thuốc C theo quy định.

Tính đến nay, quận đã tổ chức tiêm được hơn 1,6 liều vắc xin Covid-19. Hiện mỗi ngày tiêm khoảng 4.000 người.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, việc tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, 4 chỉ là sự tự nguyện của người dân, chưa có quy định bắt buộc. Người dân còn chủ quan vì hiện nay tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mặt khác e ngại tác dụng phụ của vắc xin ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, nội dung truyền thông tiêm vắc xin chưa thực sự chuyển biến được tâm lý của người dân nên tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3, 4 chưa cao.

Đề xuất cấp kinh phí chống dịch

Lãnh đạo UBND Q.Bình Tân cho rằng công tác phòng, chống dịch bệnh là công việc thường xuyên, khi phát sinh cần phải xử lý gấp, kinh phí biến động lớn và khó dự báo. Nhưng khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận không còn là cấp ngân sách, các nội dung chi phải thực hiện theo đúng danh mục dự toán đã được duyệt và bố trí vốn từ đầu năm, do đó UBND quận, phường thiếu chủ động trong việc giải quyết các trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất mà chưa được bố trí dự toán hoặc trong năm phát sinh tăng, giảm giữa các nội dung chi thì UBND quận, phường phải đề xuất, kiến nghị Sở Tài chính, UBND TP trình HĐND TP xem xét, giải quyết.

UBND Q.Bình Tân cũng kiến nghị Sở Tài chính xem xét tham mưu UBND TP.HCM tăng nguồn kinh phí dự phòng trong phòng, chống dịch cho quận để chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch; kiến nghị Sở Y tế sớm bàn giao Trung tâm y tế Q.Bình Tân về UBND quận, đồng thời cấp bổ sung kinh phí hoạt động của Trung tâm y tế trong năm 2022 cho UBND quận để đảm bảo các hoạt động của Trung tâm và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.