Cần giải quyết cho bệnh nhân
Ngày 18.7, ghi nhận thực tế tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), vẫn xuất hiện tình trạng thiếu thuốc cả trong và ngoài danh mục bảo hiểm y tế (BHYT).
Tình trạng thiếu thuốc đang diễn ra nghiêm trọng tại Cần Thơ, đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến cuối |
Đình Tuyển |
Vừa trở ra quầy thuốc BHYT tại BV chợ Rẫy, ông N.V.L (60 tuổi, ngụ Tây Ninh) cho hay đơn thuốc của ông nhận được khá đầy đủ, riêng loại thuốc kê theo đơn trong danh mục là Ferricure 150 mg (bổ sung sắt cho người thiếu máu) thì ông phải ra mua ở tiệm thuốc bên ngoài. Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng đành phải mua thuốc bên ngoài vì cả 2 loại thuốc kê đơn trị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng ngoài danh mục BHYT, BV cũng hết.
Theo đại diện BV Chợ Rẫy, đơn vị này đã mua sắm trên 900 mặt hàng thuốc để cung cấp cho bệnh nhân (BN), đặc biệt là thuốc cung cấp cho BN ung thư. Còn khoảng 300 mặt hàng không có nhà thầu tham gia, nên tổ chức đấu thầu lại. Về vật tư y tế (VTYT), BV đã giải quyết được 70 - 80%. Lý giải việc thiếu thuốc, VTYT thời gian vừa qua, BV Chợ Rẫy cho rằng do số BN tăng đột biến vượt ngoài dự trù của BV. Mặt khác, khi đến hạn đấu thầu thuốc thì một số số đăng ký thuốc hết hạn phải chờ Bộ Y tế gia hạn…
Trong khi đó, lãnh đạo BV Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) cho biết BV đang mua sắm trực tiếp VTYT để sử dụng cho cấp cứu. Gần đây, BV này thiếu đinh, nẹp, vít mà lãnh đạo BV này giải thích là do trượt giá, khi áp thầu giá cũ thì công ty trúng thầu không bán vì giá rẻ, còn mua giá cao thì BV… sợ. BV lựa giá rẻ nhất để mua, nhưng khi mua được thì công ty… hết hàng. Tình hình này tồn tại từ tháng 2.2022 đến nay.
Ca phẫu thuật thông thường cũng phải chuyển tuyến trên
Bệnh viện phải đảm bảo cung ứng thuốc cho bệnh nhân |
Nhật Thịnh |
Tương tự, tại TP.Cần Thơ, tình trạng thiếu thuốc, VTYT xảy ra trầm trọng suốt 3 tháng nay, đặc biệt là BV tuyến cuối.
BS CK2 Huỳnh Minh Phú, Phó giám đốc BV đa khoa TP.Cần Thơ, cho biết thiếu nhiều nhất là các nhóm thuốc gây mê, gây tê, nhóm tim mạch, thần kinh, tiền liệt tuyến… “Nhiều ca phẫu thuật rất thông thường cũng phải chuyển BN lên tuyến trên vì không có thuốc”, BS Phú nói.
Không chỉ thiếu thuốc, 2 máy chụp CT Scanner và máy chụp MRI của BV này bị hỏng 5 - 6 tháng nay không thể sử dụng được. Mỗi khi có bệnh cần chẩn đoán bằng CT Scanner hay MRI, BV phải nhờ một BV khác hỗ trợ chụp. “BV đã có công văn báo cáo Sở Y tế về chi phí sửa chữa, khắc phục, sau đó gửi Sở Tài chính thẩm định thông qua trình UBND TP. Tuy nhiên, thủ tục phức tạp nên đã mấy tháng qua vẫn chưa giải quyết được”, BS Phú cho hay.
Tại Long An, BS Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, thừa nhận tình trạng thiếu thuốc và VTYT chủ yếu xảy ra ở các tuyến y tế cơ sở, tuyến tỉnh cũng có nhưng không đáng kể. Theo BS Phúc, Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11.7.2019 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng do cấp huyện quyết định, dưới 500 triệu đồng do Sở Y tế quyết định và trên 500 triệu đồng do UBND tỉnh quyết định. Quy định này gây khó khăn ở tuyến huyện, vì trong cơ cấu tổ chức bộ máy có rất ít người có kinh nghiệm trong đấu thầu, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong việc lập hồ sơ đấu thầu không đúng quy định, phải chỉnh sửa nhiều lần, lo lắng nên xin ý kiến cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng không đảm bảo tiến độ và bị chậm trễ.
Vẫn theo BS Phúc, trở ngại lớn nhất là tại khoản c, điểm 4, điều 14 Thông tư số 15 quy định: “Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng loại thuốc, dược liệu”. Trong khi năm 2020 - 2021, các cơ sở y tế trên cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và rất ít đơn vị tổ chức đấu thầu nên khó khăn trong việc lấy giá kế hoạch. Phần lớn các địa phương đang sử dụng nguồn thuốc từ kết quả đấu thầu năm 2019 nên không thể có giá để tham khảo. Một số loại thuốc khi lấy được giá kế hoạch theo 3 kết quả trúng thầu của năm 2020 - 2021, thì các nhà thầu không đồng ý bán hoặc không tham dự do giá nguyên liệu, vật tư tăng.
“Bẫy” mua giá rẻ
Lý giải về khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, VTYT, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng các văn bản pháp quy, các nghị định, thông tư về đấu thầu hiện chưa cập nhật; một số văn bản pháp quy liên quan mua sắm vật tư, thiết bị y tế không còn phù hợp.
Về phân nhóm vật tư, thiết bị y tế trong đấu thầu, ông Cơ chỉ ra Thông tư 14 có quy định chia nhóm chưa hợp lý; chất lượng các vật tư, thiết bị y tế trong cùng nhóm rất chênh lệch, dù chung các điều kiện cơ bản về thông số kỹ thuật. Như với ống xông hút dịch phế quản cho BN hồi sức hô hấp thở máy cùng trong một nhóm kỹ thuật nhóm 2, của 2 nhà sản xuất khác nhau. Tất nhiên, khi chấm thầu, về kỹ thuật, các chỉ số 2 xông đều đạt nhưng giá chênh lệch khá xa: 160.000 và 220.000 đồng/cái. Tất nhiên, trong cùng nhóm, sản phẩm có giá rẻ hơn thì trúng thầu. “Khi thực tế sử dụng, các y bác sĩ nhận thấy, xông rẻ tiền hơn rất cứng, hút dịch phế quản BN rất khó, thậm chí gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Nhưng một số BV phải mua xông giá rẻ đó”, ông Cơ nói.
Một giám đốc BV cho biết khi xây dựng kế hoạch chỉ đưa ra tiêu chí chung về kỹ thuật, như đã phân nhóm tiêu chí theo quy định. BV không thể có chi tiết riêng theo yêu cầu điều trị. Nếu đưa ra chi tiết riêng thì sẽ phạm lỗi chỉ định thầu. Tuy nhiên, nếu chỉ mua sản phẩm giá rẻ, thì thực tế điều trị có thể nảy sinh về chất lượng trong quá trình điều trị.
Đáng lưu ý, một giám đốc BV đầu ngành cũng phàn nàn về thực tế trong mua sắm nhiều loại thiết bị đắt tiền như máy chụp cộng hưởng từ, CT. “Với các thiết bị y tế kỹ thuật cao, khi các hãng giá rẻ nhảy vào, về hình thức, chỉ số cấu hình có thể “oách” hơn cả các hãng có công nghệ tiên tiến, máy giá rẻ có thể có cấu hình xếp ngang thiết bị nhóm 1 nhưng thực tế không chụp được. Chất lượng đầu ra về kết quả chụp chẩn đoán rất chênh lệch giữa máy giá rẻ và máy đắt hơn của hãng có công nghệ cao hơn. Nhưng khi tham gia trong cùng nhóm, thì máy giá rẻ sẽ trúng thầu”, vị giám đốc trên cho biết.
Nhiều cái khó?
Theo ông Cơ, việc tìm kiếm giá thật, giá đảm bảo đầy đủ tính pháp lý để làm cơ sở khi xây dựng giá kế hoạch là rất khó. Vì hiện giá vật tư, thiết bị y tế do nhà sản xuất tự kê khai, không có cơ quan chịu trách nhiệm xác định, kiểm soát. Do đó, không thể đảm bảo đó là giá chuẩn; không có tính pháp lý. Vậy, chủ đầu tư, các BV dựa vào đâu để mua sắm?
Ngày 18.7, trả lời Thanh Niên, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tình hình thuốc, VTYT tại TP tạm ổn, nhưng có những khó khăn nhất định trong đấu thầu. Tại cuộc sơ kết ngành y tế 6 tháng đầu năm 2022, BS Hoài Nam cho rằng, theo Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế yêu cầu phải kê khai giá, công khai giá, nhưng rất ít đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng được. Các nhà thầu gặp khó khăn trong xây dựng mã định danh mã dùng chung theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc phát sinh trong mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch trên cả nước cũng ảnh hưởng đến tâm lý trong mua sắm của các đơn vị…
Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan phải vào cuộc
Một thành viên trong hội đồng chấm thầu của một BV đầu ngành cho biết sau 2 năm chống dịch, khi mở thầu lại có tình trạng đứt gãy nguồn cung, do nhà cung cấp không tham gia thầu; hoặc họ bỏ thầu với giá cao hơn giá kế hoạch.
“Việc bỏ giá cao hơn là do giá kế hoạch của BV đưa ra là giá trúng thầu của những năm trước. Trong khi thực tế, do một số yếu tố đầu vào tăng, nên giá sản phẩm của đơn vị thầu điều chỉnh tăng lên, cao hơn giá kế hoạch. Do đó, BV có những thuốc, vật tư cần mua nhưng không mua được”, vị này nói.
Tương tự, một lãnh đạo của BV ngoại khoa nêu ý kiến: “Chúng ta đấu thầu để có giá hợp lý, và có thể thấp hơn giá bán lẻ, thấp hơn giá kê khai. Nhưng không thể quy định cứng, cứ giá mua năm sau phải thấp hơn năm trước. Vì làm sao giá thuốc, VTYT cứ giảm mãi được. Vì thực tế hằng năm đều có trượt giá”.
“Các quy định chưa phù hợp khiến các BV công, các chủ đầu tư công rất khó tổ chức đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế và các bộ liên quan, cơ quan thẩm quyền phải vào cuộc tháo gỡ, thay vì bắt các thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trong tình huống thiếu thuốc, VTYT”, một giám đốc BV thuộc Bộ Y tế phản ứng.
Trình kết quả trúng thầu 2 tháng vẫn chưa được phê duyệt
Tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về BHYT ngày 8.7, ông Lê Văn Phúc , Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết thống kê tạm thời 8 địa phương thiếu thuốc và vật tư “khá nhiều”, gồm: Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bình Dương, Bạc Liêu, Cần Thơ. Có địa phương trình kết quả trúng thầu lên UBND tỉnh 2 tháng vẫn chưa được phê duyệt; có nơi đấu thầu vật tư không có đơn vị tham gia hoặc mở thầu nhưng không trúng... Bên cạnh đó, có những gói thầu từ năm 2021 đến nay chưa hoàn thành, chưa thực hiện được.
Theo ông Phúc, Bộ Y tế đã mở được gói thầu tập trung trị giá khoảng 9.000 tỉ đồng, hy vọng tháng này sẽ công bố kết quả.
Bình luận (0)