Tổng hợp từ nhiều tư liệu, thông tin thì các chiêu trò của Bắc Kinh thể hiện rất rõ qua những cách thức dưới đây.
Hình thành mạng lưới hỏa lực không - hải
Song hành cùng việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, thậm chí có cả đường băng, nhà chứa máy bay..., Bắc Kinh còn tổ chức diễn tập, điều động tên lửa, chiến đấu cơ đa nhiệm đến các thực thể ở Biển Đông như đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Qua đó, Bắc Kinh hình thành một thế trận hỏa lực không - hải.
Cụ thể, về tên lửa thì có tên lửa hành trình chống hạm J-12B (tầm bắn 400 km), tên lửa chống hạm YJ-6 (tầm bắn có thể lên đến 200 km, tùy phiên bản), hệ thống tên lửa đối không HQ-9B và HQ-9 được xem là “S-300 phiên bản Trung Quốc” có tầm bắn 200 km chuyên dụng đánh chặn máy bay và tên lửa.
Về máy bay quân sự thì có máy bay chiến đấu ném bom JH-7, máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin BZK-005, các loại chiến đấu cơ đa nhiệm J-10 và J11, oanh tạc cơ H-6K.
Các nhà chứa máy bay được xây dựng ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi còn đủ sức chứa máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay KJ-200 chuyên trinh sát cảnh báo sớm.
Kèm theo đó còn là nhiều hệ thống ra đa, thiết bị giám sát tối tân. Vì thế, những phương tiện, khí tài trên giúp Trung Quốc hình thành mạng lưới hỏa lực tác chiến trên không lẫn trên biển và tấn công đảo.
Gây rối bằng tàu chấp pháp “vũ trang”
Không chỉ sử dụng lực lượng hải quân chính quy, Bắc Kinh còn tổ chức cả các lực lượng mang danh “chấp pháp”. Từ năm 2013, hải cảnh Trung Quốc (CCG) được thống nhất dựa trên sự sáp nhập các lực lượng hải giám (CMS), hải cảnh (cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng - BCD), ngư chính (Cơ quan Đảm bảo thực thi pháp luật ngư nghiệp - FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC).
Trước khi sáp nhập, Cục Ngư chính đã có trên 140 tàu với 10 tàu hơn 1.000 tấn, hải giám (CMS) có trên 280 tàu với 27 tàu trên 1.000 tấn. Theo một báo cáo hồi đầu năm từ Đại học Hải chiến Mỹ, CCG đang vận hành không dưới 80 tàu trên 1.000 tấn, trong đó có gần 30 tàu trên 4.000 tấn. Phần lớn tàu đều được vũ trang với nhiều loại pháo như 30 mm, thậm chí 76 mm và mang theo được cả máy bay trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-9.
Lực lượng tàu này thường xuyên hiện diện trên Biển Đông để phục vụ ý đồ của Trung Quốc. Điển hình như lần Bắc Kinh điều dàn khoan Hải Dương Shiyou 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông vào năm 2014 hay mới đây là tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 thì đều được hộ tống bởi các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc.
Kiểm soát dưới “bình phong” quản lý hành chính
Bắc Kinh còn tìm cách ngụy tạo một “hồ sơ hành chính” nhằm tự vẽ nên quyền kiểm soát các thực thể ở Biển Đông. Hơn 7 năm trước, Trung Quốc tự lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý một khu vực rộng lớn, bao gồm cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tiếp đến, Trung Quốc lại hình thành các cơ sở hành chính, rồi tổ chức du lịch đến các khu vực trên. Song song cùng các hành vi này, Bắc Kinh còn tự cho quyền ấn định cả những giai đoạn cấm đánh bắt cá trên biển, rồi từ đó điều động một lực lượng tàu vũ trang mang danh tàu chấp pháp để gây rối ngư dân các nước.
Vào giữa năm 2018, Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam (Trung Quốc) ngang nhiên kêu gọi “mọi tổ chức hay cá nhân” đăng ký tham gia “phát triển du lịch và xây dựng” những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc còn thừa nhận kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa.
Giới chuyên gia quốc tế đều nhận định đây là cách mà Trung Quốc tự “hợp pháp hóa” các biện pháp mang tính “bình phong”. Cụ thể, thông qua các giấy phép đầu tư, Trung Quốc có thể tự vẽ ra một “hồ sơ hành chính” về “liên tục quản lý” các đảo nhằm bao biện cho tuyên bố chủ quyền.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận xét Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng các chiêu trò núp bóng quản lý hành chính để đạt được mục tiêu. Và theo bà: “Cộng đồng quốc tế có thể lên án, nhưng Bắc Kinh có lẽ lại “bịt tai” rồi bất chấp”.
Câu giờ, cản trở ASEAN
Tiến sĩ James R.Holmes
(Chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ): Đến nay, tôi không thấy nhiều điểm sáng trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Xoay quanh vấn đề này, Trung Quốc dường như chỉ đối phó để xoa dịu các nước ASEAN. Dường như quá lạc quan nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đồng thuận với những điều khoản hạn chế tham vọng của nước này. Lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện rõ chính sách về chủ quyền. Làm sao có thể trông chờ Bắc Kinh đồng thuận rồi tuân thủ một bộ quy tắc ứng xử khi chính họ vi phạm luật biển quốc tế. (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc CSIS, Mỹ): Nhiều người đặt ra rủi ro là ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận với một COC với nhiều điều khoản có lợi cho Bắc Kinh. Nhưng tôi không lo ngại điều đó, vì tôi tin chắc Việt Nam sẽ giữ vững kiên định, không đồng ý một COC như thế. Với tôi, rủi ro lớn hơn là quá trình đàm phán COC cứ kéo dài mà không đạt tiến triển giá trị nào. Việc Trung Quốc kéo dài thời gian có thể khiến cho ASEAN khó thúc đẩy Bắc Kinh đàm phán những vấn đề tiếp theo như hợp tác quản lý nghề cá hay tài nguyên trong lòng biển. (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada): Những gì diễn ra cho thấy Bắc Kinh đang tìm mọi cách tác động lên Asean để khiến cho COC có lợi cho Trung Quốc, đồng thời ngăn cản sự can dự chính đáng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Trong ngắn hạn, những bước đàm phán COC có thể sẽ làm dịu những căng thẳng đang diễn ra ở vùng biển này. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, cách theo đuổi COC hiện nay có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng, quân sự hóa các thực thể mà họ đang chiếm giữ trên Biển Đông. |
Bình luận (0)