Quốc tế quan ngại hành động o ép trên Biển Đông

03/08/2019 09:47 GMT+7

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp tục nhấn mạnh lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông tại đợt hội nghị ASEAN mở rộng.

Sáng 2.8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tiếp tục diễn ra. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng ngoại trưởng các nước tham dự Cấp cao Đông Á (EAS, gồm ASEAN và Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 9.

Quan ngại diễn biến thực địa

Về tình hình Biển Đông, nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực. Các bộ trưởng EAS nhấn mạnh lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phó thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, qua đó kêu gọi tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, trong khuôn khổ đợt hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 1.8 gặp Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Tại cuộc gặp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng với Trung Quốc, tuy nhiên khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông. Phó thủ tướng nêu rõ hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết thỏa đáng tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trong các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Úc, Ấn Độ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, các bên cũng chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông. Thay mặt đoàn Việt Nam, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa, trong đó có việc tiếp diễn các hoạt động quân sự hóa và các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Phó thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ DOC và sớm hoàn tất Bộ quy tắc của các bên tại Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đẩy mạnh COC

Chiều 2.8, Phó bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot cho biết cuộc đối thoại về lần đọc thứ hai trong 3 lần đọc theo quy định của quá trình đàm phán COC sẽ bắt đầu vào tháng 10. Phát biểu bên lề loạt hội nghị, ông Srisamoot nói ASEAN và Trung Quốc sẽ đi sâu vào chi tiết của bộ quy tắc sau khi đã nhất trí về nguyên tắc trong lần đọc đầu tiên. “Chúng tôi muốn bộ quy tắc ứng xử sẽ là văn bản mang lại nhiều tự tin cho khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế”, Bloomberg dẫn lời ông Srisamoot nói và nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng nên được hoàn tất trong vòng 3 năm tới.
Cũng tại hội nghị hôm qua, các nước tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của EAS là diễn đàn của các nhà lãnh đạo về các vấn đề chính trị và kinh tế mang tầm chiến lược, là bộ phận cấu thành quan trọng của cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ với ASEAN giữ vai trò trung tâm. Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS trong tăng cường cách tiếp cận đa phương và trật tự khu vực lẫn quốc tế dựa trên các giá trị được thừa nhận của luật pháp quốc tế, đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Nhân dịp này, các bộ trưởng nhất trí kế hoạch trình Hội nghị cấp cao EAS lần thứ 14 cuối năm 2019 xem xét thông qua 3 văn kiện gồm: tuyên bố về chống buôn bán ma túy, tuyên bố về chống tội phạm xuyên quốc gia và tuyên bố về kết nối.
Kế hoạch tập trận của Mỹ về Biển Đông
Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 2.8 dẫn lời chỉ huy lục quân Thái Bình Dương Mỹ Robert Brooks Brown tuyên bố các cuộc tập trận chính trong năm 2020 sẽ tập trung vào bối cảnh Biển Đông. Lực lượng này có khoảng 85.000 binh sĩ đồn trú tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông, các cuộc tập trận trong thời gian tới sẽ tập trung vào khả năng điều động binh lực nhanh chóng từ Mỹ đến Thái Bình Dương, bao gồm đưa bản doanh của một sư đoàn và nhiều lữ đoàn đến trong vòng 30 - 45 ngày. “Chúng tôi sẽ không đến Hàn Quốc mà diễn tập với bối cảnh Biển Đông và sẽ ở quanh vùng biển này, cùng một bối cảnh nữa chúng tôi có thể tiến hành là ở biển Hoa Đông”, ông Brown cho biết. Trong đó, các lực lượng có thể sẽ đến Philippines, Thái Lan và phối hợp với các đối tác khác trong khu vực.
Cùng ngày, 4 thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ gồm Jim Risch, Cory Gardner, Bob Menendez và Edward Markey ra thông cáo chung lên án mạnh mẽ những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Chủ tịch Ủy ban Jim Risch khẳng định vụ Trung Quốc triển khai khảo sát và tàu hải cảnh trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là bằng chứng mới nhất cho thấy nước này “sẵn sàng sử dụng hành động cưỡng ép để đòi hỏi yêu sách phi pháp tại Biển Đông”, còn thượng nghị sĩ Menendez nhấn mạnh cần phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành vi tại Biển Đông.
Minh Phương - Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.