Nga cũng đã phóng một tên lửa hành trình Iskander-K về phía khu vực Kharkiv của Ukraine và một tên lửa dẫn đường phòng không, lực lượng không quân cho biết trên ứng dụng Telegram. Tuy nhiên, họ không nói chi tiết điều gì đã xảy ra với các tên lửa.
Thành phố Kharkiv và khu vực xung quanh đã trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công của Nga trong những tuần gần đây. Hồi tháng 5, lực lượng Nga đã tiến qua biên giới vào các quận phía bắc của vùng Kharkiv và các quan chức cho biết họ đã chiếm được khoảng một chục ngôi làng.
Phát ngôn viên quân đội Ukraine, Nazar Voloshin, đã nói với đài truyền hình quốc gia rằng lực lượng Ukraine đã kiểm soát 70% thị trấn Vovchansk, nằm cách biên giới 5km mà quân đội Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông rất biết ơn Mỹ vì đã cho phép Kyiv sử dụng Hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS) do nước này cung cấp nhằm vào lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv, nhưng nói thêm rằng như vậy là chưa đủ.
Nhà Trắng, dù dần nới lỏng quy định, vẫn cương quyết với lập trường không để Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ông Zelensky nói rõ quân đội Kyiv cần được phép sử dụng các loại vũ khí tầm xa uy lực nhằm vào đất Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng nếu Washington không bật đèn xanh, các đồng minh phương Tây khó có thể đưa ra quyết định tương tự.
AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cảnh báo phương Tây cần tránh hành động “hấp tấp” khi cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công Nga. Ngoại trưởng Tajani “Đây là thời điểm rất nhạy cảm, chúng ta cần tránh những bước đi sai lầm. Ngay cả Mỹ cũng rất thận trọng khi không cho phép sử dụng vũ khí tấn công bừa bãi vào đất Nga”.
Tổng thống Zelensky cho rằng việc Mỹ mập mờ trong vấn đề viện trợ đã khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng, và kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngừng lo ngại về khả năng leo thang hạt nhân với Nga. Ông Zelensky lưu ý rằng vũ khí Mỹ chuyển giao vẫn chưa đủ số lượng để trang bị cho các lữ đoàn Ukraine ở phía đông bắc, nơi Nga đang tiến công.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, những nước trong tình trạng hòa bình ở phương Tây “có nhiều ưu tiên khác”, do đó dễ hiểu khi các nước này không chia sẻ cảm giác cấp bách như Ukraine, dẫn đến tập trung đối thoại hơn là hành động.
Chuyển sang thông tin về tình hình xung đột ở Dải Gaza. Bộ Y tế Palestine hôm 2.6 cho biết hai thiếu niên Palestine đã thiệt mạng do hỏa lực của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Quân đội Israel không xác nhận các trường hợp tử vong nhưng cho biết hai nghi phạm đã ném chất nổ về phía một cộng đồng địa phương, gây nguy hiểm cho dân thường và quân đội đã đáp trả bằng hỏa lực thật.
Bộ Y tế Palestine cho biết hai thiếu niên, 16 tuổi và 17 tuổi, đã thiệt mạng ở phía tây trại tị nạn Aqabat Jaber, gần thành phố Jericho của Bờ Tây.
Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi mà người Palestine muốn là trung tâm của một quốc gia độc lập trong tương lai cùng với Gaza, đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza vào tháng 10.2023 và một cuộc đàn áp lớn của lực lượng an ninh Israel đã thực hiện hàng ngàn vụ bắt giữ.
Hôm 31.5, Israel vừa đưa ra kế hoạch mới gồm ba giai đoạn của nhằm đạt được ngừng bắn ở Dải Gaza, đổi lại việc trao trả các con tin Israel, đồng thời nói rằng “đã đến lúc cuộc chiến này chấm dứt”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 1.6 cho biết có thể sẽ không có lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza cho đến khi Hamas bị tiêu diệt, làm nổi lên nghi ngờ về một nội dung quan trọng trong đề xuất ngừng bắn mà Tổng thống Joe Biden cho biết chính Israel đã đưa ra.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 2.6.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)