Mỹ và Đức từng không sẵn sàng cho phép dùng vũ khí viện trợ để Ukraine tấn công qua biên giới vì lo ngại điều đó có thể kéo hai nước này đến gần nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga, theo AFP.
Hôm 28.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được cung cấp để tấn công Nga.
Trước đó một ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước phương Tây xem xét lại vì các hạn chế như trên đang cản trở khả năng tự vệ của Kyiv. Tuy nhiên, theo AFP, Washington và các đồng minh khác đã tỏ ra lưỡng lự vì lo ngại khả năng leo thang căng thẳng có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Tôi nghĩ điều này là không công bằng”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói như vậy về những hạn chế của phương Tây đối với việc sử dụng vũ khí mà Kyiv nhận viện trợ.
Theo AFP, nhà sử học quân sự người Pháp Michel Goya cho rằng có rất ít bằng chứng trước đây cho thấy một quốc gia cung cấp viện trợ sát thương sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột.
Một số nguồn tin phương Tây xác nhận với AFP rằng vũ khí phương Tây đã được dùng trong một số cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga, mà gần đây nhất là ở thị trấn Krasnodar ở miền nam.
Căn cứ không quân Nga ở Crimea rung chuyển vì tên lửa ATACMS do Ukraine bắn
Ông Goya nhắc lại việc Moscow từng tuyên bố rằng bán đảo Crimea do Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 là “không thể đụng tới”, nhưng “Ukraine đã tấn công Crimea bằng vũ khí Mỹ và đã không có chuyện gì xảy ra”.
Kể từ đầu tháng 5, Ukraine đang nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ của Nga ở tỉnh Kharkiv, nơi lực lượng Nga gần đây đã giành được diện tích lãnh thổ lớn nhất trong 18 tháng qua. Khi chiến dịch quân sự của Nga đã bước sang năm thứ ba, binh sĩ Ukraine đã kiệt sức.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine khó có thể tự vệ nếu không thể tấn công các mục tiêu quân sự ở bên trong lãnh thổ Nga.
Nhà phân tích Ivan Klyszcz thuộc Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế (có trụ sở tại Estonia) nhận định: “Ukraine đã tấn công vào phía sau phòng tuyến của Nga kể từ khi cuộc xung đột toàn diện bắt đầu”.
Ông Klyszcz cho biết những cuộc tấn công như thế là cần thiết để làm suy yếu lực lượng đối phương, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần cũng như tham gia vào các cuộc phản công. Theo ông Klyszcz, câu hỏi lúc này là “những cuộc tấn công như thế có diễn ra bên trong nước Nga hay không”.
Ông chỉ ra “thực tế là các lực lượng vũ trang thông thường và hạt nhân của Nga đã ngăn cản nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây quyết định giúp đỡ Ukraine” trong cuộc xung đột.
Phản ứng của phương Tây đối với chiến dịch quân sự của Nga luôn có cân nhắc về lo ngại leo thang. Lúc đầu, các đồng minh của Kyiv do dự trong việc cung cấp tên lửa tầm xa, xe tăng hạng nặng và máy bay chiến đấu.
Các chuyên gia quân sự nhận định nhiều “lằn ranh đỏ” ban đầu cuối cùng đã bị vượt qua, nhưng rất nhiều thời gian đã bị lãng phí khi các nhà lãnh đạo phương Tây do dự.
Ngoài ra, nhiều đồng minh của Kyiv cũng tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh đưa quân phương Tây tới Ukraine.
Vào tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây náo động trong các nước thành viên NATO khi ông không loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine. Nhưng theo AFP, với tình trạng có thêm đất Ukraine rơi vào tay lực lượng Nga, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước như Ba Lan, Cộng hòa Czech và các nước vùng Baltic đang dần ủng hộ ý tưởng này.
Bình luận (0)