Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi vụ tấn công ngày 7.10 là “ngày đau buồn cho Israel và thế giới”, và khẳng định “không gì có thể biện minh cho nỗi kinh hoàng mà Hamas đã gây ra”.
Trong khi đó, người dân tại Gaza cũng đang phải hứng chịu thảm cảnh do chiến dịch quân sự đáp trả của Israel. Đa số bệnh viện tại đây đã ngừng hoạt động, trong khi 2,4 triệu người đang đối diện nạn đói ở nhiều mức độ, theo báo cáo được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn công bố vào tháng 3.
Theo phân tích của giới chuyên gia, Israel vẫn chưa đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự, và cũng không có kế hoạch rõ ràng cho tương lai Gaza hậu xung đột. Mục tiêu xóa sổ hoàn toàn Hamas bị cho là khó đạt được, trong khi Israel đang ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.
Trong nước, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đối diện sự phản đối ngày càng tăng từ người thân của các con tin, đang hối thúc ông đạt thỏa thuận cứu những người còn bị giam giữ. Ở bên ngoài, sự kiên nhẫn tại nhiều nước đồng minh của Israel đang dần cạn kiệt trong bối cảnh số người thiệt mạng gia tăng và tình hình nhân đạo ngày thêm xấu đi tại Gaza.
Trong hôm 7.4, đã xuất hiện những động thái mới cho thấy dấu hiệu Israel sẽ giảm bớt cường độ hoạt động ở Gaza và nối lại đàm phán với Hamas tại Ai Cập. Vòng đàm phán mới nhất giữa Israel và Hamas diễn ra tại Cairo (Ai Cập) có sự tham gia của Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns.
Tuy nhiên, theo một quan chức của Hamas nói với Reuters thì vòng đàm phán này đã không có thêm tiến triển nào.
Xung đột Hamas - Israel cần được giải quyết nhanh chóng vì hiện nay nó đang gây ra tác động nghiêm trọng cho an ninh khu vực. Quan sát của giới chuyên gia cho thấy mối đe dọa chống lại người Do Thái ở nhiều nước đã tăng lên khi Israel duy trì chiến dịch tại Gaza.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các lực lượng ủng hộ Hamas có nguy cơ khiến cho xung đột Gaza lan rộng ra toàn khu vực.
Từ đầu chiến sự, lực lượng Hezbollah tại Li Băng và các nhóm thân Iran tại Syria đã tăng cường tấn công Israel. Tại biển Đỏ, nhóm Houthi ở Yemen tiến hành nhiều cuộc tấn công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến hàng hải chiếm 15% tổng khối lượng thương mại toàn cầu bằng đường biển.
Mới đây, căng thẳng tại biên giới Israel - Li Băng tiếp tục có diễn biến nóng bỏng khi Israel tuyên bố đã hoàn tất thêm một bước trong quá trình chuẩn bị cho cuộc chiến dọc theo biên giới phía bắc.
Về tình hình chiến trường ở Ukraine. Hãng TASS ngày 7.4 dẫn thông báo của cơ quan quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho biết nhà máy điện hạt nhân này đã là mục tiêu của một vụ tấn công nguy hiểm trong ngày từ Ukraine.
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này nằm tại tỉnh Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine và bị Nga kiểm soát từ đầu chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Trong cuộc tấn công ngày 7.4, phần mái của tổ máy số 6 thuộc nhà máy này bị tấn công nhưng không xảy ra thiệt hại. Trước đó, một máy bay không người lái (UAV) tấn công và làm hư hại một chiếc xe tải đậu gần nhà ăn của nhà máy điện hạt nhân, làm 3 người bị thương, gồm một người bị thương nặng.
Cường độ phóng xạ tại nhà máy không thay đổi sau hai vụ tấn công. Ukraine chưa bình luận về cáo buộc mới nhất.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cùng ngày được báo cáo về sự cố tại nhà máy và kêu gọi các bên ngừng những hành động gây ảnh hưởng sự an toàn hạt nhân.
Trong lúc đó, giới lãnh đạo Ukraine vẫn đang không ngừng nỗ lực thuyết phục phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự. Hôm 7.4 Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo khả năng Ukraine bại trận trước Nga nếu quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ quân sự lớn bổ sung.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 8.4.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)