Điểm xung đột: Những vũ khí 'vô dụng' ở Ukraine; quân đội Anh đang suy yếu?

Điểm xung đột: Những vũ khí 'vô dụng' ở Ukraine; quân đội Anh đang suy yếu?

12/07/2024 23:00 GMT+7

Khối liên minh quân sự NATO đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh ở Washington (Mỹ) để thể hiện quyết tâm ủng hộ Ukraine.

Tại đây, Ukraine đã nhận được lời hứa về việc viện trợ hệ thống phòng không mới. Các đồng minh cũng bắt đầu chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 đã được hứa hẹn từ lâu cho Kyiv.

Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước ủng hộ Ukraine, đặc biệt là Mỹ, tiến xa hơn nữa, bao gồm cả việc cho phép lực lượng Kyiv tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.

Ông tuyên bố: “Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng, nếu chúng ta muốn chiếm ưu thế, nếu chúng ta muốn cứu và bảo vệ mình, chúng ta cần dỡ bỏ mọi giới hạn”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cũng tỏ ra ủng hộ ý tưởng này. Ông nói: “Cách duy nhất để tấn công những mục tiêu quân sự, bệ phóng tên lửa hoặc sân bay đang tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine là tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga”.

Vào sáng 12.7 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc họp báo tại thủ đô Washington. Và tại đây, các phóng viên đã chất vấn ông Biden về việc gọi nhầm Tổng thống Zelensky là “Tổng thống Putin”, cũng như nói nhầm khi nhắc đến Phó tổng thống Kamala Harris là “Phó tổng thống Trump”.

Ông Biden cho rằng việc nói nhầm như vậy là không quan trọng, và ông đặt câu hỏi ngược lại: “Các bạn có thấy một cuộc họp báo thành công hơn thế không? Các bạn nghĩ sao?”.

Ông Donald Trump đã không bỏ qua cơ hội này để châm chọc. Ông đăng lên mạng xã hội thông điệp: “Hay lắm ông Joe”, kèm một đoạn phim ngắn về thời điểm ông Biden nói nhầm.

Theo The Kyiv Independent dẫn thông báo từ bản ghi nhớ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh NATO, một số quốc gia đã tham gia quỹ liên minh máy bay không người lái do Anh dẫn đầu, cho phép mua sắm chung để chuyển giao UAV nhanh chóng tới Ukraine.

Theo đó, Hà Lan, Anh, Latvia, New Zealand và Thụy Điển đã cam kết hỗ trợ 45 triệu euro (49 triệu USD). Liên minh UAV này đặt mục tiêu cung cấp cho Kyiv ít nhất 1 triệu chiếc UAV. Ukraine cũng đang nỗ lực tăng quy mô sản xuất trong nước, đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 1 triệu chiếc UAV vào năm 2024.

Các loại UAV đang được sử dụng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trọng cuộc xung đột ở Ukraine, từ những UAV tự sát cỡ nhỏ tấn công xe tăng, binh sĩ trên chiến tuyến cho đến những UAV tầm xa để tấn công triệt hạ cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng sâu trong hậu phương.

Trên thực tế, các loại UAV có vẻ còn có tác dụng lớn hơn nhiều so với không ít loại vũ khí công nghệ cao đặt tiền khác mà phương Tây viện trợ và đã được sử dụng ở Ukraine. Và ở khía cạnh này, các chỉ huy ở Ukraine và giới chuyên gia quân sự phương Tây đã phải thừa nhận hiệu quả của lực lượng tác chiến điện tử của Nga.

Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington đã xuất hiện lời kêu gọi liên minh quân sự này ngừng hợp tác với Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 11.7 tuyên bố: “Chính phủ Israel đã xem thường những giá trị nền tảng của liên minh, vì thế không thể tiếp tục giữ quan hệ đối tác với NATO”.

Israel thiết lập quan hệ đặc biệt với NATO từ năm 1989 và xây dựng quan hệ đối tác với NATO từ năm 1995 thông qua cơ chế Đối thoại Địa Trung Hải. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh mọi dự định hợp tác giữa NATO và Israel là “không thể chấp nhận được” khi xét tới tình hình xung đột tại lãnh thổ của người Palestine, trong đó có Dải Gaza.

Ông nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp thuận bất kỳ dự định hợp tác nào với Israel trong khuôn khổ NATO cho đến khi hòa bình toàn diện và bền vững được thiết lập ở Palestine”.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 12.7.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.