Điểm xung đột: Quân Israel 'cắt đôi' Gaza; Tổng thống Ukraine nói xung đột chưa bế tắc

Điểm xung đột: Quân Israel 'cắt đôi' Gaza; Tổng thống Ukraine nói xung đột chưa bế tắc

06/11/2023 23:45 GMT+7

Một tàu ngầm lớp Ohio đã đến Địa Trung Hải giúp Mỹ tiếp tục củng cố thế trận trong bối cảnh cuộc xung đột Hamas-Israel ngày càng khốc liệt với những cuộc giao chiến trên bộ ở Gaza.

Theo đài CNN, quân đội Mỹ hiếm khi công bố các hoạt động di chuyển hoặc hoạt động của hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Vì vậy, thông báo triển khai tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa hành trình Tomahawk đến Trung Đông được coi là một thông điệp răn đe nhắm vào Iran và các lực lượng được Iran ủng hộ trong khu vực. Trong khi đó, quân đội Israel cuối ngày 5.11 cho biết những đơn vị đầu tiên đã tiến đến bờ biển Địa Trung Hải, qua đó hoàn tất việc chia cắt Dải Gaza thành hai vùng bắc và nam.

Chia đôi Gaza, qua đó cô lập thành trì của lực lượng Hamas thành phố Gaza ở phía bắc, là chiến lược của Israel nhằm bao vây tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cảnh báo, Israel sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn khi tiến vào thành phố Gaza do phải tác chiến trong đô thị.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 5.11 có chuyến thăm không báo trước tới thủ đô Baghdad, Iraq, để thảo luận về tình hình chiến sự Hamas-Israel.

Kể từ khi giao tranh giữa Israel và Hamas nổ ra ở Gaza, các căn cứ quân sự có lực lượng Mỹ đồn trú ở Iraq đã không ít lần bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV).

Khoảng 2.500 lính Mỹ đang được triển khai ở Iraq, có nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Iraq trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Binh sĩ Mỹ cũng được triển khai ở Syria cho nhiệm vụ này, dù chính quyền Syria không chấp nhận. Số liệu do Lầu Năm Góc công bố tuần trước cho thấy đã xảy ra 17 vụ tấn công ở Iraq và 12 vụ ở Syria từ ngày 17.10 đến 3.11.

Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza và mô tả hoạt động quân sự của Israel tại vùng lãnh thổ ven biển này là một "cuộc diệt chủng" đối với người dân Palestine.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken, ông nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn và nhấn mạnh "tính cấp bách của việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng và nguy cơ lan rộng".

Trước khi đến Iraq, ông Blinken đã đến Bờ Tây để gặp nhà lãnh đạo Chính quyền Palestine để bàn về việc "khôi phục hòa bình và ổn định ở Bờ Tây, trong đó có yêu cầu phải ngăn chặn bạo lực cực đoan đối với người Palestine".

Hôm 6.11, ông Blinken đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về tình hình Gaza với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan.

Nhưng trước khi ông Blinken đến, hàng trăm người biểu tình phản đối Israel đã tìm cách xông vào một căn cứ Mỹ ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng để giải tán.

Chuyển sang tình hình cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cho rằng quân đội Mỹ cuối cùng có thể bị kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn với Nga ở châu Âu nếu Washington không tăng cường hỗ trợ Kyiv.

Phát biểu trong một chương trình phỏng vấn của Đài NBC phát sóng ngày 5.11, ông Zelensky nói: "Nếu Nga diệt xong Ukraine, họ sẽ tấn công các nước NATO và các vị sẽ phải đưa tiễn các con của mình ra trận".

Ông Zelensky cũng nhận được câu hỏi về khả năng ông Donald Trump sẽ ủng hộ Ukraine nếu đắc cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Tổng thống Zelensky nói ông không chắc về vấn đề này. Tuy nhiên, ông nói mình sẵn sàng chào đón cựu Tổng thống Mỹ đến Ukraine và sẽ chỉ mất 24 phút để chứng minh cho ông Trump thấy rằng không thể dễ dàng giải quyết xung đột hiện nay. 

Bên cạnh đó, ông Zelensky cho biết quân đội Ukraine đang xem xét các lựa chọn khác nhau để "tiến nhanh hơn" và tấn công Nga một cách "bất ngờ".

Trong cuộc phỏng vấn, ông Zelensky thừa nhận tiến độ của Ukraine chậm và có "mệt mỏi" khi cuộc xung đột kéo dài, nhưng ông cam đoan là lực lượng Ukraine vẫn có động lực mạnh mẽ hơn quân đội Nga.

Tổng thống Zelensky cũng lên tiếng khẳng định xung đột chưa đi vào thế bí.

Trong khi đó, theo hãng tin RIA Novosti của Nga, thống đốc do Nga bổ nhiệm ở vùng Zaporizhzhia, ông Yevgeny Balitsky, hôm 5.11 nói với các phóng viên rằng cuộc phản công của Ukraine trên hướng Zaporizhzhia đã “hoàn toàn bị chặn đứng” và lực lượng Kyiv đã "kiệt sức".

Ông Balitsky nói hiện Ukraine chỉ tổ chức tấn công bằng những nhóm nhỏ, vì các lữ đoàn đã mất sức chiến đấu. Ông cũng cho rằng quân đội Nga đã tiêu diệt được nhiều xe tăng và xe bọc thép mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, khiến Ukraine không thể sử dụng rộng rãi các loại phương tiện này trong tấn công nữa.

Phía Ukraine chưa bình luận về phát ngôn vừa rồi. Trong khi đó, báo Ukrainska Pravda của Ukraine đưa tin Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong ngày 5.11, có 44 cuộc đụng độ quân sự diễn ra ở mặt trận, và Nga đã tổ chức tấn công nhưng không thành công theo các hướng Kupiansk, Bakhmut, Avdiivka, Marinka và Zaporizhzhia. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.