Điểm xung đột: Ukraine tính bài phản công 2024; Triều Tiên nã pháo, Hàn Quốc sơ tán dân

Điểm xung đột: Ukraine tính bài phản công 2024; Triều Tiên nã pháo, Hàn Quốc sơ tán dân

05/01/2024 23:49 GMT+7

Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk ngày 4.1 đã đăng một video cho thấy khói bốc lên từ vụ nổ gần thành phố Sevastopol, nơi đóng trụ sở Hạm đội Biển Đen Nga.

Vị tướng Ukraine nói đó là kết quả của "hoạt động tác chiến hoàn hảo", và chia sẻ ảnh chụp màn hình một bài đăng trên mạng xã hội, theo đó một căn cứ quân sự của Nga ở thành phố Yevpatoria đã bị tấn công.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo vào rạng sáng 5.1, Nga đã ngăn chặn một vụ tấn công của Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các hạ tầng ở bán đảo Crimea. Hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 36 UAV ở không phận Crimea, và một chiếc khác ở vùng Krasnodar.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố lực lượng Moscow đã phá hủy 10 tên lửa bay tới bán đảo Crimea.

Quan chức thành phố Saky, nơi có căn cứ không quân ở phía bắc Sevastopol, cho biết một số cuộc không kích của Ukraine vào khu vực này đã bị đẩy lùi.

Không chỉ có các hoạt động tấn công trên tiền tuyến mà Ukraine đã nhiều lần tổ chức những cuộc tấn công phá hoại trang thiết bị, vũ khí của Nga sâu trong hậu phương. Mới đây, tình báo quốc phòng Ukraine đã úp mở khoe một chiến công mới, đó là đốt cháy một máy bay chiến đấu Su-34 của Nga tại một sân bay cách Ukraine đến 2.000 km.

Bộ Quốc phòng Nga, trong một báo cáo thường niên về hoạt động năm 2023, cho biết có "tổng cộng hơn 13.500 lính đánh thuê đã đến Ukraine".

Theo báo cáo này, lực lượng Nga đã hạ hơn 5.900 "lính đánh thuê", hơn 5.600 người đã rời Ukraine, và còn hơn 1.900 người đang tham chiến.

Ngoài ra, báo cáo cho biết Ukraine nhận viện trợ từ 54 quốc gia và hơn 203 tỉ USD đã được chi cho hoạt động viện trợ này.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, nước ngoài đã cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine hơn 1.600 tên lửa và đạn pháo, hơn 200 hệ thống tên lửa phòng không, hơn 5.220 xe tăng-thiết giáp, và hơn 23.000 máy bay không người lái.

Hiện Ukraine và phương Tây chưa bình luận về thông tin trên.

Liên quan đến viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine, có một loại vũ khí đã chứng tỏ được hiệu quả lớn và nhờ vậy mà nhận được sự quan tâm từ quân đội Mỹ và của nhiều nước khác trên thế giới. Đó là lựu pháo M777, và sự quan tâm này lớn đến mức công ty BAE System (của Anh) cho biết sẽ tái khởi động việc sản xuất các bộ phận cho pháo M777.

BAE System đã ký thỏa thuận ban đầu trị giá 50 triệu USD với quân đội Mỹ, và sẽ làm việc với các nhà cung cấp ở Anh và Mỹ để sản xuất các cấu trúc titan, với kế hoạch giao hàng đầu tiên vào năm 2025.

Trong một diễn biến khác, The Kyiv Independent dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Bỉ cho hay nước này sẽ điều 2 chiếc F-16 và 50 chuyên gia đến Đan Mạch từ tháng 3 đến tháng 9 để hỗ trợ huấn luyện các phi công Ukraine.

"Liên minh tiêm kích" nhằm đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật Ukraine được chính thức thành lập vào tháng 7.2023 bởi 11 quốc gia đồng minh sáng lập và đã mở rộng ra 13 quốc gia. Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã thông báo sẽ gửi các máy bay F-16 cho Ukraine. Ước tính các phi công Ukraine sẽ có thể điều khiển F-16 sau mùa hè năm nay.

Các gói vũ khí mới cập bến sẽ giúp hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ hơn trong các kế hoạch tác chiến sắp tới, đặc biệt giữa lúc có thông tin cho rằng chính quyền Kyiv có thể đang chuẩn bị cho một cuộc phản công mới trong năm 2024.

Về phía vũ khí của Nga, tờ The Wall Street Journal ngày 4.1 dẫn lời một số quan chức Mỹ ẩn danh cho rằng Nga dự định mua các tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Iran.

Các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng thỏa thuận vẫn chưa được hoàn tất, nhưng nói thêm rằng có khả năng Nga sẽ nhận được tên lửa vào mùa xuân năm 2024. Nga và Iran chưa bình luận về thông tin trên.

Một quốc gia khác cũng được cho là đang gửi vũ khí sang cho Moscow sử dụng trong xung đột với Ukraine là Triều Tiên. Trong hôm qua 4.1, Mỹ đã có tuyên bố cho rằng Bình Nhưỡng cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo và bệ phóng.

Về phía Triều TIên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết chính sách của Mỹ khiến chiến tranh trở thành chuyện không thể tránh khỏi, vì vậy ông kêu gọi tăng cường sản xuất nhiều loại bệ phóng tên lửa khác nhau, nói đây là nhiệm vụ quan trọng để chuẩn bị cho tình huống phải so kè quân sự.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một trở nên căng thẳng hơn trong vài tháng qua, khi Bình Nhưỡng nhiều lần phóng thử tên lửa còn Seoul và Washington tăng cường hợp tác quân sự.

Hàn Quốc và Mỹ gần đây tổ chức tập trận bắn đạn thật trên bộ và trên biển tại khu vực gần biên giới với Triều Tiên. Bình Nhưỡng gọi đó là hành vi "tự hủy diệt" của Seoul. Như truyền hình báo Thanh Niên hôm qua có đưa tin, Triều Tiên đã cảnh báo nguy cơ xung đột sẽ cao nhất trong năm nay.

Và trong ngày hôm nay, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên bắn khoảng 200 quả pháo ra ngoài khơi phía tây bán đảo, khiến Seoul phải sơ tán dân thường tại hai hòn đảo tiền tiêu tại biển Vàng (tức Hoàng Hải).

Trong bài phát biểu đầu năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có công bố kế hoạch cùng với Mỹ hoàn thiện hệ thống răn đe vững chắc hơn để chống lại "các mối đe dọa từ Triều Tiên" trong năm nay.

Đáp lại, bà Kim Yo-jong, em của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nói rằng kế hoạch răn đe của Hàn Quốc một lần nữa mang lại cho Triều Tiên lý do phải thúc đẩy nỗ lực đạt được lực lượng hạt nhân hùng mạnh.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói tuyên bố của bà Kim "mang tính gượng ép vô nghĩa", và tuyên bố quân đội Hàn Quốc "sẽ đáp trả mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên ngay lập tức, một cách mạnh mẽ và cho đến cùng".

Lập trường của Triều Tiên về Hàn Quốc rõ ràng đã thay đổi, và điều này được thể hiện trong bài phát biểu cuối năm 2023 của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Kim tuyên bố ông không còn coi Hàn Quốc là đối tượng để hòa giải và thống nhất sau khi Seoul tuyên bố Bình Nhưỡng là 'kẻ thù chính'.

Nhà lãnh đạo đề cập đến "tình trạng khủng hoảng dai dẳng không thể kiểm soát" trên bán đảo Triều Tiên, và cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc gây ra tình trạng này.

Dựa trên đánh giá như vậy, ông Kim đã chỉ đạo xây dựng các biện pháp để tái tổ chức các cơ quan xử lý vấn đề liên Triều, qua đó Bình Nhưỡng sẽ thay đổi "căn bản" các nguyên tắc và đường lối trong quan hệ với Seoul.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.