Điều gì đang xảy ra với ngành điện?

09/09/2022 04:15 GMT+7

Nguy cơ thiếu điện, xin chủ trương nhập khẩu điện... nhưng một mặt vẫn cắt giảm công suất điện gió, điện mặt trời.

Đó là nghịch lý diễn ra trong ngành điện suốt mấy năm nay nhưng không có câu trả lời thấu đáo nào ngoài việc cứ dăm bữa nửa tháng lại có nhà đầu tư năng lượng tái tạo kêu cứu.

Cuối tháng 8 vừa rồi, thị trường năng lượng ngỡ ngàng khi đến lượt “ông lớn” Trung Nam Group cũng phải kêu cứu Chính phủ sau khi bị Tập đoàn Điện lực VN (EVN) dừng khai thác một phần công suất dự án ĐMT 450 MW chưa có cơ chế giá. Trước đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng than phiền chưa thể lắp điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà để tự dùng, không phát lên lưới điện, vì chưa có cơ chế. Rồi chỗ này chỗ kia nhà đầu tư đối mặt với khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản vì không thể bán điện, không chạy hết công suất... Nhưng dự án 450 MW của Trung Nam Group là dự án đầu tiên do tư nhân đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất ở khu vực này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà còn bị làm khó, còn bị dừng khai thác 40% công suất thì nói như nhiều DN, ai còn dám đầu tư vào điện gió, ĐMT nữa.

Đáng nói là năng lượng tái tạo bị cắt công suất ngay trong bối cảnh chúng ta đối diện với nguy cơ thiếu điện. Mới cách đây vài ngày thôi, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhập khẩu điện và phương án đấu nối các nhà máy thủy điện từ Lào về VN để góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện VN giai đoạn 2022 - 2025, đặc biệt cho khu vực miền Bắc. Càng không thể hiểu vì sao các dự án năng lượng tái tạo luôn bị làm khó ngay trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã thống nhất chủ trương phát triển kinh tế xanh. Nói có sách, mách có chứng, cách đây 4 ngày Thủ tướng Chính phủ đã chính thức thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Dầu, khí, than đều phải đi mua với giá ngày càng cao, than khai thác càng sâu thì càng đắt; trong khi VN nhiều nắng và gió, không phải mua, nhập, cũng không ai lấy đi được. Bên cạnh đó, công nghệ năng lượng gió và mặt trời càng ngày càng phát triển với giá rẻ hơn. VN có điều kiện để chuyển đổi năng lượng phù hợp xu thế toàn cầu, phát triển ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng, sản xuất các trang thiết bị năng lượng tái tạo”.

Vậy thì điều gì đang xảy ra với ngành điện khi những mâu thuẫn phi lý như nói trên vẫn tồn tại dai dẳng, khi các nhà máy điện vẫn phải đi kêu cứu để được phát điện, khi các nhà đầu tư vẫn phải “xin” để được lắp điện trên mái nhà tự dùng, không đấu nối lên lưới điện quốc gia để giảm tải cho ngành điện? Nếu đổ lỗi cho cơ chế thì cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế mà để khoảng trống chính sách kéo dài như vậy? Nên nhớ trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất trình Chính phủ đã cắt một lượng rất lớn điện than và tăng điện tái tạo. Nhưng nếu từ chủ trương, chính sách xuống thực tế như thế này thì liệu ai còn dám đầu tư vào điện gió, ĐMT nữa?

Chấm dứt tình trạng đổ lỗi cho cơ chế, giải quyết triệt để các vướng mắc là việc mà ngành điện và Bộ Công thương phải làm ngay để đưa điện sạch vào sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.