Điều gì khiến chàng trai độc hành xuyên Việt bằng xe đạp ?

21/07/2022 13:28 GMT+7

Người dân mời cơm, cho ngủ nhờ, sửa xe miễn phí… khiến chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp của chàng trai 9X ấm áp hơn vì tình người trải dài khắp Việt Nam.

Để chứng minh sự tử tế vẫn lan tỏa khắp đất Việt, Nguyễn Thanh Thi (26 tuổi, ngụ Bình Định) quyết định dành một tháng để đạp xe xuyên Việt. Anh tìm thấy chính mình trong mỗi chuyến đi, nhận ra đất nước luôn đẹp từ cảnh vật đến con người.

Thanh Thi đạp xe xuyên Việt từ ngày 23.6

Thanh Thi

Một tháng độc hành

Ngày 23.6, Thi khởi hành từ TP.HCM với hành trang đơn giản gồm ba lô đựng vài bộ quần áo, chiếc lều, đôi dép và điện thoại, gói gọn lên xe đạp để xuất phát. Anh dự định dành một tháng cho chuyến đạp xe xuyên Việt với điểm kết thúc ở Hà Nội, nhưng lại quyết định đạp ra Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) để tham quan thêm trước khi sang nước ngoài làm việc.

Anh quyết định đi tìm sự tử tế trong hành trình này

Thanh Thi

Thi nhớ rõ hình ảnh người dân buộc lòng rời khỏi TP.HCM trong đợt bùng phát dịch Covid-19 năm ngoái. Họ “đi về nhà” với bàn tay trắng và nhận được sự giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần của người dân. Tinh thần tương thân tương ái đó làm Thi ấm lòng. Đặc biệt, câu chuyện bốn mẹ con bồng bế nhau đạp xe từ tỉnh Đồng Nai về quê Nghệ An trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho hành trình này của anh.

“Họ đi dựa trên tấm biển chỉ dẫn bên đường, ăn ngủ vật vã với hành trình không rõ ngày đến. Tôi muốn trải qua cảm giác của đồng bào mình nên chọn đạp xe, ngủ lều. Nhiều đêm mệt mỏi cũng phải cố gắng tìm chỗ cắm lều cho bằng được thay vì vào nhà nghỉ. Cái mệt của tôi cũng không bằng sự khổ cực của đồng bào mình ngày đó”, Thi tâm sự.

Trung bình mỗi ngày, Thi đạp xe khoảng 80 km. Vào những ngày trời đẹp, anh đạp xe hơn 100 km và chỉ đi được 50 km nếu thời tiết nắng gắt. Anh chọn xuất phát sớm từ 5 giờ và kết thúc trước 19 giờ, tránh đạp vào giờ trưa vì nắng khắc nghiệt sẽ dễ bào mòn sức. Đêm đến, anh xin ngủ nhà dân, nhà bạn bè hoặc dựng lều để nghỉ tạm.

Yên sau xe đạp gói ghém ba lô, lều…

Thanh Thi

“Khó khăn lớn nhất là về tinh thần khi phải độc hành một tháng, không người để trò chuyện, chia sẻ hay đồng hành cùng vượt khó khăn… Nhưng may mắn, người dân, bạn bè luôn động viên và cổ vũ. Còn những đêm cắm trại bên đường, tôi chỉ ngủ chập chờn chứ không thể ngon giấc”, Thi nói thêm.

Con đường ven biển từ TP.Phan Thiết đi Phan Rí (tỉnh Bình Thuận) với nhiều đèo dốc, thời tiết nóng kỷ lục ở miền Trung khiến anh sốc nhiệt. Hay ký ức leo đèo Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào trưa với con dốc thẳng đứng, càng lên cao trời nóng và hanh khô, chinh phục từng km ở con đèo khiến Thi “mồ hôi như tắm”.

Chiếc điện thoại hư camera phía sau nên tất cả ảnh đều được anh chụp bằng camera trước

Thanh Thi

“Người Việt tử tế và lương thiện”

Anh lên mạng đọc thêm kiến thức, tham khảo kinh nghiệm của những người từng đi xuyên Việt và tự giới hạn chi tiêu 100.000 đồng/ngày, nghĩa là chuyến xuyên Việt chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng. Mỗi ngày, anh đi qua một tỉnh và dành thời gian khám phá vùng đất từ văn hóa, ẩm thực… tranh thủ trò chuyện với người dân địa phương và trân trọng từng mẩu chuyện mà họ kể với anh.

Đi dọc Việt Nam, Thi gặp rất nhiều nhiều chuyện tử tế. Đó là câu chuyện một người lạ giành trả tiền sửa xe, người chú tỉnh Đồng Nai tặng anh chiếc mũ bảo hiểm, tô bún vịt hay bữa cơm mà bà con dọc đường tự tay nấu và mời anh ăn chung, thậm chí một người bà ở Hải Phòng dúi tiền để anh tìm chỗ ngủ qua đêm, khi anh không nhận thì gói đồ ăn để Thi mang theo…

Một người dân tốt bụng trong hành trình của anh

Thanh Thi

“Tôi nhớ như in người bà ở TP.Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) vì tôi mà khóc. Bà bán bánh mì không bên đường, khi thấy tôi ghé mua thì hỏi han chuyện. Tôi bảo mình về thăm quê ở Bình Định chứ không tâm sự là đi xuyên Việt thì bà mếu máo vì cùng quê chồng bà. Bà hỏi sao phải tự làm khổ bản thân rồi gói thêm mấy ổ bánh mì, nhất định không lấy tiền. Nhìn bà, tôi lại nhớ đến người bà mới mất cách đây không lâu của mình”, Thi nhớ lại.

Anh nhận ra, người dân sau khi nghe về chặng đường xuyên Việt của anh đều muốn giúp dù là những thứ nhỏ bé. Chủ quán ăn, tiệm sửa xe nếu không miễn phí thì tính “rẻ như cho”. Suốt quãng đường đi, anh thử thách mình bằng việc không mua nước lọc mà xin nước dọc đường từ Nam ra Bắc.

Chiếc lều mà Thi trú tạm mỗi đêm sau ngày dài đạp xe

Thanh Thi

“Mọi người đều sẵn lòng, niềm nở và thân thiện giúp đỡ khiến tôi thấy ấm lòng. Nhiều người mất lòng tin vào sự lương thiện và cho rằng không ai cho không ai cái gì. Nhưng với tôi, nhiều người vẫn tốt bụng, đối xử chân thành mà không vụ lợi. Tôi muốn chứng minh sự tử tế luôn trải dài khắp đất Việt thông qua hành trình này”, Thi bày tỏ.

Chuyến đi xuyên Việt có nhiều chuyện ấm lòng về tình người nhưng cũng không ít chuyện buồn khi anh bị từ chối giúp đỡ. Tuy nhiên, Thi cho rằng đó là quy luật tất yếu, phải có điều may mắn và chưa may thì lúc đó, hành trình mới trọn vẹn và ý nghĩa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.