Điều tra bán phá giá thép HRC nhập từ Trung Quốc: Sao phải chần chừ ?

Mai Phương
Mai Phương
20/04/2024 06:56 GMT+7

Mỹ muốn tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép từ Trung Quốc lên gấp 3 lần so với hiện tại dù nhiều sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp các loại thuế như chống bán phá giá, chống trợ cấp… Trong khi đó, thép HRC nhập khẩu vào VN đã vượt quá sản lượng sản xuất trong nước nhưng chúng ta vẫn cân nhắc có khởi động điều tra bán phá giá hay không là quá chậm trễ.

Trung Quốc đang dư cung

Trong chuyến thăm công nhân thép tại bang Pennsylvania ngày 17.4 mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập về yêu cầu tăng thuế nhập khẩu (NK) đối với nhôm và thép Trung Quốc. Ông Biden đã chỉ đạo Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cân nhắc áp thuế gấp 3 lần, lên 22,5% so với mức thuế hiện tại là 7,5% đối với một số sản phẩm thép và nhôm. Nhà Trắng cho rằng công nhân Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, USTR cũng bắt đầu điều tra về các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và hậu cần mà họ nghi là không công bằng. Theo Nhà Trắng, chính sách tăng thuế đối với nhôm và thép Trung Quốc là động thái bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước chống lại "hoạt động thương mại không công bằng". Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Lael Brainard khẳng định Tổng thống Mỹ chú trọng việc đầu tư, bảo vệ sản xuất và công nhân trong nước khỏi hoạt động xuất khẩu không công bằng của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang trong tình trạng cung nhiều hơn cầu và tình trạng dư thừa công suất gây rủi ro nghiêm trọng cho tương lai ngành thép của nước này. Vì thế, chính phủ Trung Quốc được cho là đang có nhiều biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu thép sang các nước khác.

Cần khuyến khích, bảo vệ sản xuất HRC trong nước vì đây là sản xuất thượng nguồn quan trọng cho ngành công nghiệp

Cần khuyến khích, bảo vệ sản xuất HRC trong nước vì đây là sản xuất thượng nguồn quan trọng cho ngành công nghiệp

CTV

Theo Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà trắng Jared Bernstein, động thái tăng thuế đối với kim loại nhập từ Trung Quốc là cần thiết và không ảnh hưởng đến lạm phát. Ông cảnh báo nếu không hành động từ bây giờ, Mỹ đối mặt rủi ro đối với lĩnh vực quan trọng của kinh tế. Tính đến tháng 2.2023, tổng NK thép của Mỹ trong vòng 12 tháng là 6,1 tỉ USD, trong đó có 3% đến từ Trung Quốc. Còn theo Viện Sắt thép Mỹ, thép Trung Quốc đang chiếm 2,1% lượng thép NK vào Mỹ trong năm vừa qua, đứng thứ 7 trong danh sách NK.

Việc Mỹ muốn tăng thuế NK với thép Trung Quốc không phải là điều bất ngờ. Các sản phẩm thép từ Trung Quốc hiện đã bị Mỹ áp nhiều loại thế khác nhau, trong đó nhiều nhất là thuế chống bán phá giá (CBPG). Chẳng hạn, thép cán nguội Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế CBPG, chống trợ cấp từ hồi năm 2015 - 2016. Hay đầu tháng 9.2019, Mỹ áp thuế CBPG lên thép kết cấu NK từ Trung Quốc với mức thuế 141% và thép từ Mexico là 31% sau khi phát hiện các nhà sản xuất ở 2 quốc gia này bán phá giá sản phẩm tại thị trường Mỹ…

Còn trên thị trường thế giới, các sản phẩm thép của Trung Quốc cũng bị kiện CBPG rất nhiều. Chỉ riêng với thép cán nóng (HRC), theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Global Trade Alerts, tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm thép cán nóng của Trung Quốc và Ấn Độ đã bị khoảng 14 quốc gia, vùng lãnh thổ điều tra và áp dụng biện pháp CBPG, chống trợ cấp với trên 40 cuộc điều tra. Đây là những quốc gia, vùng lãnh thổ đã có ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm thép cán nóng (Mỹ, EU, Úc, Brazil, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Anh, Đài Loan…). Hầu hết các cuộc điều tra đều dẫn tới kết luận là có hành vi bán phá giá hoặc được trợ cấp.

Nhập khẩu thép HRC vào VN lớn hơn sản xuất trong nước

Trở lại với VN, lượng thép HRC NK vào thị trường nội địa tăng mạnh trong 3 năm gần đây. Nếu như năm 2021, lượng HRC nhập là 7,5 triệu tấn thì đến 2022 tăng lên hơn 8 triệu tấn. Đáng chú ý, cả năm 2023, lượng thép HRC nhập vào VN lên hơn 9,6 triệu tấn, vượt xa số lượng sản xuất của các doanh nghiệp tại VN (khoảng 8,5 triệu tấn). Đây là điều lạ lùng trong gần 10 năm qua kể từ khi VN tự chủ sản xuất thép chất lượng cao. Sự gia tăng này được đóng góp chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Cụ thể, năm 2022 số lượng thép cán nóng NK từ Trung Quốc đạt 3,3 triệu tấn, nhưng đến năm 2023 con số này đã tăng lên hơn 6,2 triệu tấn, tăng hơn 47%. Ngoài ra, giá thép NK trung bình từ Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm 20 - 26% so với năm 2022.

Không một quốc gia nào có thể chấp nhận thép HRC nhập khẩu lớn hơn cả sản xuất trong nước

Không một quốc gia nào có thể chấp nhận thép HRC nhập khẩu lớn hơn cả sản xuất trong nước

Đà tăng của sản phẩm NK vẫn chưa dừng lại. Theo số liệu của hải quan, quý 1/2024 thép HRC được nhập vào VN là 3 triệu tấn trong khi 2 đơn vị sản xuất HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa chỉ làm ra 2 triệu tấn.

Theo PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), hầu như không quốc gia nào có thể chấp nhận để hàng hóa NK lớn hơn sản xuất trong nước. Đặc biệt là với thép, vẫn được xem là "cột sống" của ngành công nghiệp mỗi quốc gia. Để so sánh, lượng thép từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% tổng số lượng sản phẩm này NK vào Mỹ mà Washington đã muốn tăng thuế gấp 3 lần, cho thấy họ rất chú trọng bảo vệ sản xuất và công nhân trong nước. Trước đây khi VN chưa sản xuất được thép cán nóng thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn NK. Việc đầu tư sản xuất HRC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần phải có quy mô và công nghệ cao. Doanh nghiệp trong nước dám đầu tư lớn để sản xuất HRC là cực kỳ dũng cảm vì sản phẩm này chỉ bán cho các doanh nghiệp sản xuất hạ nguồn. Nếu như không tiêu thụ được, doanh nghiệp cũng không thể giảm giá để bán ra thị trường như các sản phẩm tiêu dùng khác.

Ông Tuất nhấn mạnh: Ngành thép đã và đang là "xương sống" của ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung của một đất nước. Bởi thép là sản phẩm lưỡng dụng, vừa sử dụng cho dân sinh vừa sử dụng cho an ninh quốc phòng. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy khi bắt đầu phát triển đất nước, lãnh đạo nước này đã ưu tiên phát triển ngành thép dù không có quặng. "Người ta thường nhắc đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng… nhưng cũng có thể xem thép là một an ninh trong ngành kinh tế, đặc biệt với sản phẩm HRC, nguyên liệu cho nhiều ngành kinh tế đến quốc phòng. Bất kỳ quốc gia nào cũng cần khuyến khích và bảo vệ hoạt động tự chủ sản xuất trong nước để tránh những biến động có thể diễn ra trong thương mại toàn cầu. Hơn nữa, nhà nước cần đảm bảo cạnh tranh công bằng, khách quan nên cần thiết phải có một cuộc điều tra chi tiết khi thép HRC NK lớn hơn cả sản xuất trong nước", PGS-TS Phan Đăng Tuất nói.

Còn theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó chủ tịch Hội đồng Trung tâm trọng tài quốc tế VN, câu chuyện hàng hóa VN xuất khẩu sang các nước bị điều tra CBPG đã diễn ra thường xuyên. Ngược lại, hàng hóa từ các nước NK vào VN cũng bị kiện CBPG. Vấn đề này đã trở nên bình thường trong hoạt động thương mại quốc tế. Theo quy định của WTO, việc bán phá giá là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các quy định liên quan về hành vi này đã được công bố chi tiết và VN cũng có các quy định cụ thể. Vì vậy doanh nghiệp sản xuất trong nước cần phải lên tiếng khi đối diện nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa NK nói chung hay thép HRC nói riêng. Trên cơ sở từ đơn của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tiếp nhận, xử lý nhanh theo các quy định đã có với tinh thần bảo vệ sản xuất trong nước.

Các sản phẩm hạ nguồn như thép cán nguội, tôn mạ màu, thép không gỉ… đều có biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng NK bán phá giá. Vậy có vô lý hay không khi sản phẩm HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các mặt hàng trên lại không được bảo vệ?

PGS-TS Phan Đăng Tuất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.