Doanh nghiệp được quyền kiện Kiểm toán Nhà nước ra tòa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/09/2019 06:13 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung quyền khởi kiện Kiểm toán Nhà nước ra tòa của các đơn vị được kiểm toán và có liên quan tới hoạt động kiểm toán vào dự thảo luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi.

Đang khiếu kiện, sao vẫn bắt thi hành?

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào sáng 13.9, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách QH Nguyễn Đức Hải cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã quy định cụ thể hơn về quyền khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán đối với kết luận, kiến nghị của KTNN. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.
Đồng tình với việc bổ sung trên, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga không nhất trí với quy định tại khoản 7 điều 57 của luật KTNN yêu cầu: trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ kịp thời, kết luận, kiến nghị của KTNN. “Cái này vô lý ở chỗ tôi đang khiếu nại tức là tôi cho rằng kết luận không đúng thì lại bắt tôi phải thi hành kết luận ấy”, bà Nga nói.
Tuy nhiên, giải trình về vấn đề này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc giải thích điều này đã quy định trong luật KTNN hiện hành và thực tế doanh nghiệp (DN) thường chờ khiếu nại (nếu có) được giải quyết xong thì mới thực hiện. Ông Phớc cũng khẳng định, thời gian qua chưa từng có trường hợp KTNN phải đền bù và xin lỗi. Còn Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thì cho rằng, thường các DN sẽ khiếu nại vì không đồng ý hoặc muốn sai phạm nhẹ hơn. Do đó, quy định như luật KTNN hiện hành là cần thiết vì “nếu như khi có khiếu nại, khởi kiện mà dừng ngay lại chờ giải quyết các trình tự kia thì không biết hiệu lực hiệu quả thế nào”.

Chính phủ muốn “đổi vai”

Cũng tại phiên họp, thay mặt Chính phủ trình bày dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay dự luật dự kiến sẽ bổ sung 4 điều theo hướng giao các cơ quan trình dự án chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật thay vì UBTVQH (thông qua các ủy ban).
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay nhiều đoàn đại biểu QH tán thành đề xuất này. “Thực hiện việc “đổi vai” này không những bảo đảm để các cơ quan thực hiện đúng chức năng của mình mà còn phát huy cao độ tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, kể cả cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra, bảo đảm nguyên tắc soạn thảo đến cùng và thẩm tra đến cùng”, ông Định nói.
Tuy nhiên, nhiều thành viên UBTVQH không đồng tình với đề xuất này. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Không biết trong 17 năm (kể từ luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2002 - PV) vừa rồi có vướng mắc gì không mà lại muốn đổi vai?” và cho rằng, đề xuất này chưa “chín”, không đưa vào. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không đồng tình vì cho rằng, đề xuất này từng bị “bác” và mô hình tổ chức quyền lực nhà nước đã được quy định rõ trong Hiến pháp.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.