Tỉnh lỵ bên bờ kênh xáng
Đầu năm 2004, TX.Vị Thanh (nay là TP.Vị Thanh) được chọn làm trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh mới Hậu Giang. Khi đó, thị xã nằm hai bên bờ kênh xáng Xà No nổi tiếng đường sá, công sở, nhà cửa còn rất khiêm tốn.
Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, cho hay Vị Thanh là vùng đất khắc nghiệt được khai phá sau cùng khi kênh xáng Xà No hoàn thành vào năm 1903. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vị Thanh là tỉnh lỵ thuộc tỉnh Chương Thiện. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Vị Thanh là một địa phương nghèo, phố xá nghèo nàn. Năm 1992 tỉnh Hậu Giang chia tách thành 2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và lúc đó Vị Thanh vẫn là một huyện khó khăn thuộc tỉnh Cần Thơ...
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND TP.Vị Thanh, giai đoạn 2005 - 2010, tỷ lệ hóa đô thị của Vị Thanh tăng từ 35% lên 68%. Giai đoạn 2010 - 2015, Vị Thanh đạt tỷ lệ đô thị hóa 76,6%. Nửa đầu giai đoạn 2015 - 2020, TP.Vị Thanh có tỷ lệ đô thị hóa tăng bình quân 1,44%/năm. Cuối năm 2018, Vị Thanh đã thực hiện đạt 2/5 tiêu chí, 53/59 tiêu chuẩn của đô thị loại 2 và thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu này vào cuối năm 2020 theo hướng đô thị Vị Thanh giàu bản sắc, hiện đại, văn minh. Đô thị phát triển đã nâng lên một bước đời sống người dân thành phố. Nếu năm 2005 thu nhập bình quân đầu người chưa tới 10 triệu đồng/năm thì nay Vị Thanh đã đạt 50 triệu đồng/người/năm. Sự ra đời của những khu đô thị mới góp phần thúc đẩy khu vực nông thôn Vị Thanh, vốn là vùng căn cứ kháng chiến trước đây, phát triển nhanh.
Đô thị trong tương lai
Hậu Giang hiện có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã, 5 huyện), 76 đơn vị hành chính cấp xã: 12 phường, 11 thị trấn, 53 xã.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết toàn tỉnh hiện có 15 đô thị được phân loại gồm TP.Vị Thanh (trung tâm tỉnh lỵ, đô thị loại 3), TX.Ngã Bảy (đô thị loại 3), TX.Long Mỹ (đô thị loại 4) và 12 thị trấn là đô thị loại 5. Thời gian tới, Hậu Giang sẽ có nhiều khu vực phát triển đô thị mới gồm: Vĩnh Thuận Tây (H.Vị Thủy), Tân Long (H.Phụng Hiệp), Xà Phiên, Lương Nghĩa (H.Long Mỹ). Đến năm 2020, TP.Vị Thanh sẽ là đô thị loại 2, TX.Ngã Bảy lên thành phố (đô thị loại 3), TX.Long Mỹ lên đô thị loại 3… Như vậy, vào thời điểm 2030, toàn tỉnh sẽ có 1 thành phố đô thị loại 2, 1 thành phố và thị xã đô thị loại 3, 7 đô thị loại 4, 9 thị trấn là đô thị loại 5...
Theo ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, thời gian tới, trên địa bàn sẽ có nhiều dự án cấp tỉnh được triển khai với tổng kinh phí đầu tư (dự kiến) lên hơn 7.292 tỉ đồng. Các dự án này cùng dự án T.Ư, dự án cấp huyện được đầu tư đồng bộ sẽ mang lại bộ mặt mới cho đô thị tỉnh Hậu Giang.
“UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành chương trình phát triển đô thị nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và đặt hệ thống đô thị Hậu Giang trong bối cảnh phát triển đô thị vùng ĐBSCL, đô thị cả quốc gia. Ngày 15.1.2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 68 ra đời tiếp tục mở ra cơ hội mới cho Hậu Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung trong tiến trình xây dựng, phát triển đô thị một cách hài hòa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử đặc thù vùng sông nước miền Tây Nam bộ”, ông Hùng thông tin.
Bình luận (0)