Đoàn cần hỗ trợ ý tưởng sáng tạo của người trẻ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
30/03/2022 08:01 GMT+7

Chiều 29.3, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến góp ý của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Hội nghị lấy ý kiến góp ý của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII có sự tham dự và chủ trì của anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có những góp ý giá trị, trong đó nhiều ý kiến cho rằng tổ chức Đoàn cần tạo môi trường sáng tạo, hỗ trợ các trí thức trẻ để hiện thực hóa các sáng kiến. Anh Lê Văn Lịch (phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2022, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đề xuất cần thiết xây dựng các nguồn quỹ và kết nối các nguồn lực để đồng hành và hỗ trợ việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của thanh niên, đặc biệt là các ý tưởng và sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp thiết của đất nước.

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, chủ trì hội nghị

Nhật Nam

Nhiều ý kiến đề xuất Đoàn cần đổi mới sinh hoạt, cần tổ chức trên không gian mạng để thu hút nhiều người tham gia; trang bị cho thế hệ trẻ sức đề kháng để phòng chống thông tin xấu - độc trên mạng… Châu Phú Vinh, sinh viên Học viện An ninh nhân dân, cho rằng đời sống văn hóa, thông tin ngày càng phong phú đặt ra thách thức cho công tác giáo dục của Đoàn. Đặc biệt là sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. “Đoàn cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giáo dục để tăng sức đề kháng cho bạn trẻ làm chủ bản thân trước các thông tin xấu - độc trên mạng xã hội”, Vinh nói.

Theo Vinh, ở đâu có đoàn viên, thanh niên, Đoàn mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp một cách linh hoạt. “Đoàn cần linh hoạt thành lập tổ chức Đoàn, chi hội trên mạng mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian nhưng vẫn đảm bảo tôn chỉ, mục đích và hiệu quả hoạt động”, sinh viên này đề xuất.

Các trí thức trẻ cũng cho rằng tổ chức Đoàn cần quan tâm chăm sóc sức khỏe của người trẻ hậu Covid-19. Anh Hà Thành Đạt, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng sau dịch sẽ có nhiều học sinh, sinh viên bị bệnh khúc xạ học đường, vì vậy tổ chức Đoàn cần sớm tuyên truyền và có giải pháp phòng chống như các bệnh mãn tính khác. Đặc biệt, tổ chức Đoàn cần chăm lo sức khỏe tâm thần của học sinh sinh viên.

“Đây là vấn đề cần chăm lo cho các bạn, đặc biệt là thế hệ gen Z. Tổ chức Đoàn cần hỗ trợ để khi nào các bạn cần sẽ được khám, điều trị, làm sao có sức khỏe tâm thần tốt, đáp ứng việc học tập sinh hoạt hiệu quả hơn”, anh Đạt nói.

Phát biểu tại hội nghị, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết những ý kiến trao đổi tâm huyết và sôi nổi của các đại biểu tham dự hội nghị sẽ là những căn cứ quan trọng để Ban Chấp hành T.Ư Đoàn tiếp tục nghiên cứu, thảo luận trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, đảm bảo xác thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu nhi nói chung và trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước nói riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.