Sau 10 ngày công bố sẽ sản xuất một số thiết bị y tế cung ứng cho thị trường Việt Nam, cụ thể là máy thở xâm nhập, máy thở không xâm nhập và máy đo thân nhiệt, ngày 13.4 vừa qua, chiếc máy thở không xâm nhập đầu tiên của Tập đoàn VinGroup đã được trao tặng cho Bộ Y tế.
Vượt qua 90.000 nhà đăng ký tại Mỹ để có bản quyền sản xuất máy thở
Thông tin đến báo giới chiều 13.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xác nhận Bộ Y tế đã và đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Trước mắt, tập đoàn này cho biết sẽ tặng 5.000 máy thở không xâm nhập cho Bộ Y tế kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Biến cơ hội ngắn hạn thành dài hạnPGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: Ngay từ đầu khi dịch bùng phát, Chính phủ miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu và thiết bị phục vụ sản xuất y tế, nhiều DN đã nhanh nhạy nhập khẩu máy móc, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, dụng cụ y tế và ngay cả linh kiện làm máy thở. Bỏ qua yếu tố tài chính thì những DN đó đều có tính nhanh nhạy và quyết đoán hơn hẳn những người ngồi yên, buông tay bỏ cuộc. Đó là thực tế cần nhìn nhận. Bây giờ khi đã biết hướng đi rồi, biến nguy thành cơ, tôi tin DN sẽ từ từ nhìn nhận thị trường thế giới một cách bình tĩnh hơn. Có thể hợp tác, hỗ trợ nhau, lấy DN lớn làm đầu tàu, xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng vật tư thiết bị y tế, cung cấp cho ngành dược để Việt Nam trở thành nhà cung cấp trang thiết bị y tế cho ngành dược, ngành y tế thế giới.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản trị, nhìn nhận: Cơ hội trong lúc này chỉ mang tính ngắn hạn và DN phải làm thế nào để tận dụng nó thành cơ hội dài hạn. Ví dụ khi chưa có dịch bệnh, nhiều khách hàng từ châu Âu, Mỹ chỉ mua hàng từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ... mà không hề nghĩ đến Việt Nam. Thế nhưng khi nguồn cung từ các quốc gia đó bị gián đoạn do dịch bệnh bùng phát thì họ mới tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN. Hơn lúc nào hết, các DN phải tập trung chú trọng về chất lượng, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn theo mong muốn của khách hàng thì từ đó sau khi dịch bệnh qua đi, đối tác mới có thể tiếp tục đặt hàng của Việt Nam mà không quay trở lại mua hàng từ Trung Quốc nữa. Đây chính là cơ hội để hàng Việt Nam có thể vươn lên và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng ngay chính thị trường nội địa.
|
Một thông cáo báo chí gửi đi ngày 8.4 của Tập đoàn Medtronic (chuyên sản xuất thiết bị y tế của Mỹ) nói rõ, công ty đã chọn 3 nhà sản xuất quy mô lớn để tăng sản lượng sản xuất máy thở PB560 của công ty trên toàn cầu là Baylis Medical Company, Inc. của Canada, Foxconn Technology Group của Đài Loan và Tập đoàn VinGroup của Việt Nam. “3 công ty này đã vượt qua 90.000 đăng ký cho việc nhận sản xuất đại trà mẫu máy thở PB560 thuộc bản quyền của Medtronic”, thông tin bài báo trên CNN viết.
Trước mắt, dự kiến với công suất của các nhà máy VinFast và VinSmart, VinGroup có thể sản xuất 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng. Ngoài phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các nước khác. Theo VinGroup, các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng.
Sau VinGroup, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc BKAV, cũng thông tin đã hoàn tất kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập công nghệ được chuyển giao từ Nhật Bản. Dự kiến trong tháng 5 sẽ có mẫu thử đầu tiên trước khi xin phép Bộ Y tế để sản xuất hàng loạt. Có thể thấy, trong khó khăn vì ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều DN thuộc nhiều ngành nghề khác nhau cũng có những chiến lược, giải pháp “xoay xở” không kém phần táo bạo.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), nhận định: “VinGroup được đánh giá cao do có cái nhìn toàn diện, sắc sảo nhanh nhạy và có hiểu biết mới quyết tâm tìm nhà chuyển giao để làm máy thở ngay lập tức. Kỳ tích nữa là chiếc máy đó bảo đảm chuẩn quốc tế, được Mỹ cấp bản quyền và có giá thành cực kỳ hợp lý. Sau thành công này, DN có thể cung cấp được những đơn hàng theo hợp đồng lớn của các nước. Nó cũng cho thấy VinGroup có thể là DN đầu tàu, đủ uy tín lôi kéo các DN khác sản xuất các trang thiết bị y tế, dược phẩm theo chuẩn quốc tế để phục vụ thị trường thế giới. Tại sao không?”.
|
“Công xưởng” sản xuất xuất khẩu khẩu trang thế giới
Sản xuất khẩu trang đang được xem là một trong những giải pháp xoay chuyển tình thế của các DN dệt may, vốn đang khó khăn vô vàn vì bị nhiều đối tác Mỹ, EU hủy hợp đồng. Ngay từ đầu tháng 2 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty dệt kim Đông Xuân đã bắt đầu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn từ nguồn vải công ty này đang sản xuất và xuất khẩu cho thị trường Nhật. Công ty này cũng là nguồn cung cấp vải kháng khuẩn cho các công ty khác để làm khẩu trang. Đến giữa tháng 3, Công ty dệt kim Đông Xuân tiếp tục phát triển sản phẩm khẩu trang có tính năng kháng nước và kháng khuẩn công nghệ nano bạc. Đến cuối tháng 3, các DN may thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã sản xuất được hơn 40 triệu khẩu trang vải phòng dịch. Dự kiến trong những tháng tới, sản lượng khẩu trang vải phòng dịch của Vinatex dự kiến sẽ đạt 28 - 30 triệu chiếc/tháng.
Ngoài Vinatex, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG cũng quay sang làm khẩu trang kháng khuẩn xuất khẩu sang châu Âu với hàng triệu chiếc khẩu trang vải nano “made in Vietnam” có mặt tại các thị trường Pháp, Bỉ, Đức. Mới đây công ty đã trao tặng 500 chiếc khẩu trang cho sở cảnh sát thành phố New York (Mỹ). Đây là khẩu trang nano kháng khuẩn do chính công ty tự sản xuất và đang làm thủ tục để xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, TNG đã nghiên cứu, sản xuất thành công “bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch” để chung tay với các cấp, ngành trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh. Năng lực sản xuất của TNG đáp ứng được 100.000 bộ/ngày.
Đại diện Công ty TNG cho biết, nhờ “xoay chuyển” kịp thời, mặt hàng khẩu trang đã giúp doanh thu nội địa của công ty tăng 10% trong khi doanh thu xuất khẩu giảm 5% do các đơn hàng xuất đi bị chững lại. Tương tự, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết sản xuất khẩu trang đang giúp bù đắp lượng đơn hàng thiếu hụt trong năm nay, góp phần đảm bảo được việc làm cho 12.000 lao động. Song song với may khẩu trang vải, May 10 đã quyết định sản xuất khẩu trang y tế và hiện đã nhập máy sản xuất về để lắp đặt. Hiện có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu của May 10 trong năm 2020). Ngoài ra, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang y tế. Bên cạnh khẩu trang thì May 10 cũng đang có khách yêu cầu 2 triệu bộ đồ chống dịch, nhưng do chưa có hướng dẫn xuất khẩu của Chính phủ và Việt Nam cũng chưa có phòng thí nghiệm nào kiểm tra tiêu chuẩn CE nên sẽ khó trong sản xuất... Còn bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex, cũng cho biết nhờ những đơn hàng may khẩu trang xuất khẩu sang Đan Mạch mà công việc cho công nhân tại các nhà máy không bị dừng lại trước loạt đơn hàng xuất đi châu Âu bị báo ngưng may, hoãn giao trong mấy tháng tới.
Cập nhật số liệu từ Bộ Công thương, đến nay cả nước đã có khoảng 50 DN sản xuất khoảng 8 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn xuất khẩu mỗi ngày. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Đây cũng là tham vọng của nhiều DN dệt may không chỉ trong bối cảnh dịch mà cả sau dịch.
|
Bình luận (0)