Doanh nghiệp dồn dập báo lãi ngàn tỉ

Mai Phương
Mai Phương
03/05/2021 07:25 GMT+7

Báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm nay ghi nhận số doanh nghiệp có lợi nhuận lớn tăng vọt gấp nhiều lần so cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng, thép lãi tăng khủng

Bất chấp dịch Covid-19 gây ra khó khăn cho hàng triệu doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, ngành ngân hàng (NH) tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận nếu xét theo giá trị tuyệt đối trong quý 1/2021. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 mới diễn ra, Ban lãnh đạo NH thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ lợi nhuận của NH quý 1/2021 ước đạt hơn 8.000 tỉ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm trước và bằng 28% kế hoạch cả năm khi tín dụng tăng 3,69% - mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. "Ông lớn" VietinBank đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. NH TMCP Á Châu (ACB) cũng có mức lợi nhuận tăng vọt 61% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.104 tỉ đồng; hay Techcombank bỏ túi 5.518 tỉ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2020...
Hoạt động cho vay tăng trở lại trong khi lãi suất thấp, tiền gửi không kỳ hạn tăng do người dân giảm sử dụng tiền mặt làm NIM (biên lợi nhuận) của các NH tăng. Mặt khác, các dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ khác phát triển mạnh giúp tăng trưởng lợi nhuận đáng kể cho NH.

Dấu hiệu kinh tế hồi phục

TS Ngô Trí Long nhận định: “Nhiều DN tăng trưởng lợi nhuận trong quý đầu năm nay cũng là dấu hiệu cho thấy kinh tế bắt đầu hồi phục sau khi dịch Covid-19 tại Việt Nam dù chưa chấm dứt nhưng cũng được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tăng cao cũng là một biểu hiện về sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam khi nhà đầu tư có niềm tin cao vào hoạt động của các DN khởi sắc hơn so với năm vừa qua. Tuy nhiên về vĩ mô, Chính phủ cần phải lưu ý để tránh nguy cơ lạm phát tăng cao hơn mục tiêu đề ra khi giá cả nhiều hàng hóa tăng quá nhanh”.
Trước đó, báo cáo từ bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI cũng dự báo lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của nhóm NH niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55 - 65% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các NH đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng. Trong đó, các NH thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75 - 85% so với cùng kỳ khi các NH này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các NH thương mại cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45 - 55% so với cùng kỳ năm 2020...
Còn nếu xét về tỷ trọng với mức tăng bằng lần thì phải kể đến các DN ngành thép. Đây có thể nói là một trong những quý đặc biệt đối với ngành thép. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận DN ngành thép nào báo lỗ và cũng không có đơn vị nào báo lãi giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ Tập đoàn Hòa Phát hết quý 1/2021 đạt doanh thu 31.176 tỉ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 7.005 tỉ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2020. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục tập đoàn ghi nhận được trong một quý kinh doanh gần 30 năm qua. Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen mang về mức lợi nhuận sau thuế cũng gấp 5 lần so với cùng kỳ, lên 1.035 tỉ đồng. Nhưng giữ “quán quân” về tăng trưởng lợi nhuận của ngành này là một công ty nhỏ - Công ty CP Thép Mê Lin (MEL) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 1/2021 đạt 15,5 tỉ đồng, tăng mạnh gấp 41 lần so với kết quả đạt được trong quý 1/2020. Đây cũng là mức lợi nhuận trong một quý kỷ lục mà MEL đạt được kể từ trước đến nay mặc dù doanh thu thuần chỉ đạt 117,3 tỉ đồng, giảm mạnh 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) cũng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý đầu năm nay hơn gấp 30 lần so với quý 1/2020 khi đạt trên 120 tỉ đồng...

Hưởng lợi khi giá nhảy vọt, nhu cầu tăng

Ngoài các NH, ngành thép thì một số DN trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán... cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá các loại sản phẩm như sắt thép, vật liệu xây dựng, xăng dầu hay cổ phiếu đều tăng vọt trong quý đầu năm nay. Đáng chú ý, không chỉ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, nhiều công ty cũng có lãi tăng cao so với các quý đầu năm vào những năm trước nữa khi dịch Covid-19 chưa xảy ra. Điều này cho thấy kết quả kinh doanh của các DN càng ấn tượng hơn trong thời điểm hiện tại khi dịch vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Chẳng hạn giá thép xây dựng tăng đột biến theo Hiệp hội Thép Việt Nam là do giá các loại nguyên liệu sản xuất thép tăng cao trên thị trường toàn cầu đẩy giá thép thành phẩm tăng cao.

Doanh nghiệp huy động gần 20.000 tỉ đồng bằng cổ phiếu trong quý 1/2021

Theo thống kê của Fiinpro (công ty cung cấp dữ liệu tài chính, công nghiệp), trong quý đầu năm nay, có 43 DN đã huy động gần 19.800 tỉ đồng thông qua phát hành hơn 1,1 tỉ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 70% giá trị phát hành của cả năm 2020. Đây là mức huy động cao nhất cả về khối lượng cũng như giá trị phát hành tăng vốn theo quý kể từ sau khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Thậm chí, có 54 DN niêm yết trên sàn chứng khoán dự kiến phát hành thêm 4,2 tỉ cổ phiếu để huy động gần 44.700 tỉ đồng trong thời gian tới, gần gấp 1,6 lần tổng giá trị phát hành trong năm 2020 và 2,3 lần so với quý 1 vừa qua.
Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến kim loại này tăng mạnh. Giá nhiều loại thép xây dựng đã tăng 30 - 40% so với đầu năm và nguồn cung gia tăng khiến doanh thu các công ty sản xuất sắt thép, tôn mạ đều gia tăng. Tương tự giá xăng dầu trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 19% nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước đã tăng hơn 60% giúp các công ty khai thác dầu khí, xăng dầu hưởng lợi...
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định tùy vào từng thời điểm có khi ngành kinh doanh này sẽ có lợi thế cao hơn ngành khác. Ví dụ trong năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát thì nhiều DN hàng không, du lịch, nhà hàng thua lỗ hay đóng cửa nhưng các DN có liên quan đến các sản phẩm phòng chống dịch như DN sản xuất khẩu trang, nước rửa tay... lại có doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Vì vậy trong quý đầu năm nay, khi nhu cầu nhiều loại nguyên vật liệu gia tăng trở lại đẩy giá xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng đi lên thì những DN có liên quan sẽ hưởng lợi. Đây cũng sẽ là những ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay vì dự báo giá nguyên liệu cơ bản cũng đứng ở mức cao. Ngành NH, chứng khoán cũng hưởng lợi khi nhu cầu về tín dụng, đầu tư cổ phiếu gia tăng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.