Chung tay với Chính phủ
Ngay từ tháng 2 khi dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp, Quỹ đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn - VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) với tổng số tiền 20 tỉ đồng.
Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 3 đơn vị nhận được tài trợ của chương trình này gồm: Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng.
Đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học - Công nghệ huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Vingroup là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chung tay cùng nhà nước trong việc đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tới đầu tháng 3, Công ty cổ phần Vincom Retail thuộc Tập đoàn Vingroup tiếp tục dành 300 tỉ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống thông qua việc giảm giá tiền thuê mặt bằng cho đối tác và một phần dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom. Mới nhất, Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 125 tỉ đồng bằng máy thở, máy xét nghiệm, bộ sinh phẩm xét nghiệm và nghiên cứu SARS-CoV-2.
Trên trang cá nhân của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Le Bros, chia sẻ thông tin ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã tài trợ cả chuyến bay charter bằng Boeing Dreamliner 787 chở du khách Ukraine bị kẹt ở Việt Nam về nước. Bộ phận đối ngoại của Tập đoàn Vingroup cho biết ông Vượng không cho công bố nên họ cũng không có nhiều thông tin và chỉ có thể xác nhận là có vụ việc đó.
|
Ngay sau đó, hàng loạt doanh nghiệp (DN) khác cũng chung tay ủng hộ các cơ quan nhà nước để phòng chống dịch bệnh. Đơn cử, Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) ủng hộ 10 tỉ đồng mua vật tư thiết bị sinh phẩm y tế phục vụ công tác xét nghiệm, phát hiện nhanh vi rút Corona chủng mới; Tập đoàn Hòa Phát cũng ủng hộ 5 tỉ đồng chuyển tới quỹ của Bộ Y tế và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư...
Đặc biệt, ngay sau khi Ủy ban MTTQ VN đưa ra lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 thì số DN tham gia ngày càng nhiều. Trong đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - đã ủng hộ 25 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và 5 tỉ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Sau đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục sử dụng mặt bằng siêu thị miễn thuế Mộc Bài hỗ trợ miễn phí cho tỉnh Tây Ninh làm khu cách ly. Tập đoàn Novaland ủng hộ gần 6 tỉ đồng, trích từ ngân sách tập đoàn và sự đóng góp của toàn thể cán bộ, nhân viên.
Đại diện Novaland cho biết khoản ủng hộ để trang bị các phương tiện phòng, chống dịch như khẩu trang, dung dịch khử trùng, các thiết bị y tế chuyên dụng như phòng cách ly áp lực âm, buồng khử khuẩn nơi công cộng. Tập đoàn FPT đóng góp 2.000 chỗ cách ly tại ký túc xá của Tổ chức Giáo dục FPT ở Hòa Lạc và 20 tỉ đồng mua trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, buồng khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế...
Doanh nghiệp tư nhân tiên phong
Thực tế hầu hết các DN đều khốn đốn với loạt hợp đồng bị cắt, giảm; sản xuất đình đốn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Công ty lớn khó lớn, nhỏ khó nhỏ, thế nhưng các “đại gia” vẫn đồng hành cùng Chính phủ để phòng, chống dịch bằng việc đóng góp về mặt tài chính, vật chất.
Điều này thể hiện rõ sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của DN cùng nhà nước và người dân. “Đừng nghĩ họ giàu có, nhiều tiền giờ chi ra một chút cũng không sao. Thực tế, càng tập đoàn lớn, càng DN lớn thì mức độ chịu tác động càng nặng nề. Chi phí vận hành bộ máy, lãi vay ngân hàng... tất cả đều “khổng lồ”. Khi không có doanh thu, họ sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn hơn nhiều so với các DN vừa và nhỏ. Thế nhưng họ vẫn chung tay với Chính phủ chống dịch, vẫn hỗ trợ đối tác để cùng vượt khó, vẫn cố gắng giữ việc, chi trả thu nhập cho người lao động... Qua đây, chúng ta cũng cần thay đổi cách nhìn, đánh giá đúng và hoan nghênh những đóng góp của các DN kinh tế tư nhân. Những người làm giàu chân chính, lương thiện không nên bị đánh đồng, nhìn bằng cái nhìn kém thiện cảm và thành kiến”, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nói.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá việc đóng góp của DN và người dân với Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh là rất đáng quý. Điều này cũng thể hiện DN tự tin sau lưng mình vẫn có Chính phủ hỗ trợ với nhiều chính sách từ hoãn thuế, giảm thuế, phí, lãi suất... để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hiện nay.
“Qua chuyện chung tay phòng chống dịch bệnh, tôi thấy khi người dân nhận thấy Chính phủ quyết tâm vì sức khỏe của người dân thì mọi người cùng đồng lòng, sẵn sàng cống hiến hết sức mình với tinh thần hưởng ứng. Đây là điểm nổi bật của Việt Nam và cần được phát huy trong nhiều hoàn cảnh khác”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đức Vĩnh và Noo Phước Thịnh trao gần 1 tỉ đồng chống Covid-19Người mẫu Hồ Đức Vĩnh và bà Hồ Thị Mỹ Hương (cô ruột Đức Vĩnh) vừa trao số tiền 650 triệu đồng cho bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM). Số tiền này sẽ dùng để đầu tư một phòng áp lực âm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho bệnh viện dã chiến Q.2 nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Ngoài ra, Đức Vĩnh cùng gia đình còn trao thêm 12 máy đo nhiệt độ và 600 chai gel rửa tay cho công an quận và phường trên địa bàn Q.2, nơi gia đình anh đang sinh sống. Theo lời Đức Vĩnh, trong số tiền 650 triệu đồng này có sự đóng góp không nhỏ từ ca sĩ Lệ Quyên.
Tại Hà Nội, ca sĩ Noo Phước Thịnh cùng gia đình cũng vừa trao tặng cho đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ VN số tiền 300 triệu đồng (trong đó 200 triệu đồng phòng chống dịch Covid-19 và 100 triệu đồng hỗ trợ bà con gặp hạn mặn ở miền Tây).
Dạ Ly
|
Bình luận (0)