Chị Quản Thị Cúc (35 tuổi, ngụ Q.Hoàng Mai, Hà Nội) quyết tâm theo đuổi sản phẩm thêu tay trên lá bồ đề |
NVCC |
Đứng dậy sau biến cố
Trưởng thành từ làng thêu truyền thống huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chị Quản Thị Cúc (35 tuổi) bén duyên với công việc se chỉ luồn kim từ thuở lên 9-10 tuổi. Lúc bấy giờ, chị đã tự mình thêu được những sản phẩm hoàn chỉnh và có thể phụ giúp mẹ thêu kiếm tiền. Tuy nhiên, khi lớn lên, chị không đi theo cái nghiệp của làng mình mà chọn kiếm sống bằng ngành nghề khác.
Hôn nhân đổ vỡ, nợ nần chồng chất, mắc phải bệnh trầm cảm là những biến cố ập đến đời chị năm 2015. Thời điểm đó, chị Cúc từ bỏ công việc với mức lương ổn định ở quê chồng và khăn gói về Thái Bình. Dù không có người thân bên cạnh và còn bị người đời đàm tiếu sau khi ly hôn, chị vẫn “đơn thương độc mã” đối mặt và quyết tâm đứng dậy làm lại từ đầu vì con.
Nhận thấy nghề thêu tay dần mai một và nhiều người ở làng gần như không còn đoái hoài đến, chị muốn góp sức thổi lửa cho nghề truyền thống. Thế là, chị toàn tâm toàn ý theo đuổi nghề thêu thủ công. “Nếu lúc đó tôi chọn làm công việc khác, đồng nghĩa phải bỏ sức học lại từ đầu và không có thời gian chăm sóc con. Sẵn thế mạnh với nghề được truyền dạy từ nhỏ, tôi cứ thế bắt tay vào khởi nghiệp”, chị Cúc thổ lộ.
Chị mang hết tất cả tâm huyết và tình yêu vào trong từng sản phẩm thêu trên lá bồ đề |
NVCC |
Ban đầu, chị Cúc chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm thêu tay. “Tôi đi chào hàng trước cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và một số cửa hàng lưu niệm ở Sa Pa (Lào Cai). Thậm chí, dù đã được một số nơi đồng ý ký gửi nhưng lượng sản phẩm bán được vẫn khá ít. Thất bại lớn nhất là lúc tôi phải bán cả xe máy và điện thoại để có tiền đền bù cho khách khi nhận may gia công áo, váy mà vô tình thêu phải chỉ phai màu”, chị chia sẻ.
Không nản lòng, chị Cúc quyết tâm tìm hướng đi mới. Từ tranh thêu, chị chuyển sang thêu họa tiết hoa văn trên quần áo và được nhiều người đón nhận. Rồi chị bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật thêu 3D và sáng tạo ra những họa tiết, phụ kiện thời trang mới lạ, tinh xảo.
Cũng từ đó, công việc trở nên “xuôi chèo mát mái” và đến cuối năm 2016, chị thành lập Trung tâm đào tạo thêu tay Thu Cúc cũng như mở lớp dạy thêu trực tuyến với mong muốn kết nối cộng đồng làm đồ handmade. Giờ đây, số lượng học viên đã gần 3.000 người, bao gồm cả người Việt đang sinh sống trong nước lẫn ở Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Sản phẩm thêu chim công và hoa mẫu đơn với ngụ ý một cuộc sống hôn nhân viên mãn, hạnh phúc |
NVCC |
Chọn lá bồ đề để “giữ lửa” nghề thêu tay
Năm 2019, một học viên đã nhờ chị Cúc hướng dẫn cách thêu tay trên xương lá bồ đề. Từ đây, chị đi sâu nghiên cứu và từng bước cải tiến kỹ thuật thêu tay trên loại chất liệu độc đáo này sao cho sản phẩm sắc nét đến từng chi tiết. Đồng thời, chị cho hay: “Lá bồ đề có độ bền cao, hình dáng lá rất đẹp và chứa đựng nhiều giá trị sống ý nghĩa. Cá nhân tôi muốn lá bồ đề sẽ tái sinh với một hình ảnh mới”.
Thêu hình tượng Phật lên lá bồ đề là sản phẩm khó nhất của chị Cúc từ trước đến nay |
NVCC |
Để tiết kiệm thời gian, chị chọn những xương lá đã được xử lý sẵn từ hợp tác xã sinh dược. Tiếp đến, chị tìm mẫu thêu, phác thảo mẫu lên giấy rồi in mẫu lại lên lá bằng cách đi nét và cuối cùng là tiến hành thêu. Theo chị, người thợ phải xử lý thành thạo các mũi thêu vì khổ lá bồ đề mỏng manh, lại có kích thước nhỏ nên khó tránh khỏi tình trạng rách lá. Chị cũng lưu ý khi vẽ không nên vẽ sát phần mép lá và cuống lá (đối với lá bỏ vào ốp điện thoại hoặc lá bỏ vào tranh để bàn). “Thêu trên vải khó 1 thì thêu trên xương lá bồ đề khó đến 100”, chị nói.
Chủ đề chính trong các sáng tác của chị là chữ thư pháp, điểm xuyết thêm họa tiết hoa lá trên sản phẩm, đồng thời còn có những linh vật phong thủy như sen cá, tùng hạc, rồng phượng… 1 sản phẩm nếu đơn giản cũng mất ít nhất 1 ngày, phức tạp thì mất 1-2 tuần để hoàn thành. Trong đó, sản phẩm khó nhất chị từng thực hiện là lá thêu hình tượng Phật vì không dễ để lột tả trọn vẹn thần thái của Phật khi đang mở to đôi mắt. Vì quá trình thêu khá kỳ công nên giá thành 1 sản phẩm dao động từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng.
Một sản phẩm của chị Cúc có giá dao động từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng |
NVCC |
Là học viên của chị Cúc, chị Cát Cát (35 tuổi, sống ở Tokyo, Nhật Bản) cho biết: “Tôi gắn bó với khóa học thêu tay từ tháng 5.2018. Dù học trực tuyến nhưng tôi vẫn có thể thêu thành thạo rất nhanh trong 2 tháng, nhất là các sản phẩm thêu hoa trên nền vải nhung”.
Nhờ vào nỗ lực vun xới nghề thêu thủ công, chị Cúc đã gặt hái được thành tích đáng kể |
NVCC |
Nhờ nỗ lực không ngừng trong việc phát triển kỹ thuật thêu tay, chị Cúc đã “gặt hái” được danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng (2019) và Nghệ nhân quốc gia (2022) về ngành nghề thêu tay truyền thống. “Những quả ngọt này càng khiến tôi thêm tin yêu vào sức sống của nghề thêu thủ công. Luôn tập trung tạo ra những sản phẩm thêu mang giá trị độc bản và có tính thẩm mỹ cao chính là điều tôi đang hướng đến hiện tại”, chị Cúc bộc bạch.
Bình luận (0)