Hóa giải mâu thuẫn bằng "lời gan ruột"
Trước khi kể cho tôi nghe về tổ hòa giải, ông Hoàng Trọng Đức, Bí thư Chi bộ thôn Sâm Lộc, tỏ ra tâm đắc, khoe với giọng đầy tự hào: "Liên tục mấy năm qua, thôn chúng tôi luôn đạt danh hiệu thi đua xuất sắc về mọi mặt và đứng tốp đầu của xã về các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đạt được thành tích như vậy là nhờ sự đoàn kết của tất cả các hộ dân trong thôn, từ việc ý thức chấp hành luật pháp, xây dựng gia đình văn hóa và nếp sống nông thôn văn minh".
Ông Đức bảo rằng, nếu so với cách đây hơn 10 năm thì xã Tượng Sơn gần như đã "lột xác" hoàn toàn. Trước đây, do xã nằm ở vùng phụ cận TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) nên vẫn hay xảy ra một số vấn đề nổi cộm khá phức tạp như: trộm cắp, bài bạc, tranh chấp đất đai... Tuy nhiên, từ năm 2010 trở đi, xã bước vào công cuộc xây dựng NTM thì mọi thứ dần đổi thay theo hướng tích cực.
"Hồi đó, một trong các tiêu chí xây dựng NTM là an ninh, trật tự xã hội phải giữ vững. Vì thế, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã cũng yêu cầu các thôn thành lập các tổ hòa giải nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong các gia đình và những xích mích âm ỉ lâu nay giữa láng giềng với nhau", ông Đức nói.
Vì lẽ đó, 7 tổ hòa giải của 7 thôn ở xã Tượng Sơn lần lượt ra đời, trong đó có thôn Sâm Lộc. Mỗi tổ có 7 thành viên, tổ trưởng là bí thư chi bộ, tổ phó là thôn trưởng, các thành viên còn lại là những người đứng đầu các đoàn thể.
Những thành viên trong tổ được tập huấn, bồi dưỡng để nắm cơ bản các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ cũng là những người có kinh nghiệm sống, uy tín đứng đầu các đoàn thể trong thôn nên có tiếng nói khi can thiệp vào các trường hợp xảy ra xung đột, xích mích. Nếu như ngày trước, tất cả mọi mâu thuẫn ở trong thôn từ bé đến lớn khi không tìm được tiếng nói chung thì phải nhờ đến công an, pháp luật hoặc tòa án giải quyết, thì nay đã có sự vào cuộc của tổ hòa giải.
"Đối với vụ việc nhỏ như nói xấu, phá hoại tài sản của nhau… tổ hòa giải sẽ đến gặp trực tiếp, dốc hết "lời gan ruột" và chân thành nhất để phân tích, giải thích cho các bên hiểu. Chúng tôi cắt nghĩa phải, trái cho họ bằng những quy định của pháp luật cụ thể và quy định trong hương ước của làng. "Mưa dầm thấm lâu" thì người ta cũng ngộ ra và chấp nhận giảng hòa. Những khúc mắc vừa mới nhen nhóm được giải quyết kịp thời nên các vụ việc khiếu kiện ngày càng ít đi, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt", ông Đức bộc bạch.
Cứu vãn 2 cuộc hôn nhân bên bờ vực
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Sâm Lộc, cho biết vào năm 2019, sau khi xã Tượng Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao thì tổ hòa giải của thôn được UBND H.Thạch Hà chọn để nâng cấp lên thành "Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu". Đây cũng là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh. Nhiệm vụ mà tổ được giao vẫn là tổ chức hòa giải tốt các mâu thuẫn, tranh chấp để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thắt chặt tình làng nghĩa xóm…
"Trong năm 2021, chúng tôi đã hóa giải thành công 3 vụ khá lớn, trong đó có 2 vụ vợ chồng đòi ly dị và 1 vụ tranh chấp đất đai. Đây là thành tích được cấp trên đánh giá rất cao về tính hiệu quả của tổ", ông Dũng tự hào.
Là người trực tiếp tham gia tích cực trong 3 vụ việc kể trên, ông Dũng khẳng định đó là những chuyện không hề dễ dàng. Vụ đầu tiên mà tổ hòa giải đứng ra can thiệp là một cặp vợ chồng trẻ rạn nứt tình cảm, hôn nhân bên bờ vực do người chồng ham chơi không chịu làm ăn. Người vợ đã viết đơn ly hôn.
"Vì chị em dễ chia sẻ với nhau hơn nên chúng tôi cho hội phụ nữ thôn đến gặp cô vợ để tìm hiểu trước. Khi nắm bắt được sự tình, tôi cùng với mấy người trong tổ đến tìm gặp hai vợ chồng để nói chuyện. Vợ chồng này đã có với nhau một đứa con nên chúng tôi phân tích được, mất nếu hạnh phúc tan vỡ. Sau nhiều lần đến thuyết phục thì người chồng cũng nhận ra cái sai và ký vào bản cam kết sẽ tu chí làm ăn. Cô vợ xin rút đơn và hai người quay lại sống với nhau. Cô vợ thấy chúng tôi được việc liền cảm ơn tổ một cân mực tươi", ông Dũng nhớ lại.
Kể về "thành tích" thứ 2, ông Dũng bảo rằng chuyện này cũng rất bi hài. Đó là một cặp vợ chồng đã lên chức ông bà, người vợ hay đi làm với một người đàn ông khác nên bị chồng nghi ngờ ngoại tình. Ông này viết đơn ly hôn, thậm chí đuổi vợ ra khỏi nhà. Việc này ngay lập tức được giao về cho tổ hòa giải xử lý.
"Người già thì lại càng khó để họ nghe mình. Thậm chí, chúng tôi còn bị người ta trách móc với những lời rất khó nghe vì xen vào chuyện gia đình họ. Ông chồng này còn bị nặng tai, chúng tôi phải viết lời giải thích ra giấy mới trao đổi được. Khoảng 5 lần chúng tôi đến đàm thoại, phân tích lý lẽ nhưng vẫn không thể nào xoay chuyển được. Chỉ khi bà vợ phải xuống nước, hứa không đi làm với ông kia nữa thì ông chồng mới chấp nhận rút đơn", ông Dũng kể.
Còn về vụ tranh chấp đất đai, tổ hòa giải xử lý rất linh động. Theo lời kể của ông Dũng, hai hộ dân tranh chấp nhau chỉ vì một cái bờ rào. Một bên cho rằng bên kia xây bờ lấn vào phần đất của mình nên chửi bới và dọa nộp đơn kiện. Khi tổ hòa giải vào cuộc, trích lục và lấy thước ra đo thì bên nào cũng thừa diện tích, bờ rào thuộc đất khai hoang chung nên sự việc mới êm đẹp.
"Có một vụ tranh chấp đất đai khác cũng xảy ra nhưng phức tạp hơn, vượt qua khả năng của tổ nên chính quyền các cấp phải vào can thiệp mới giải quyết được. Còn từ năm 2022 đến nay, thôn rất yên bình, không có vụ khiếu kiện hay vấn đề gì nóng xảy ra khiến chúng tôi phải đi hòa giải", ông Dũng tâm sự.
Ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, khẳng định chắc nịch trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn không hề xảy ra những vụ khiếu kiện vượt cấp phức tạp.
"Việc người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối và pháp luật là do các tổ hòa giải đã lồng ghép việc tuyên truyền về các chính sách, luật lệ cho người dân thường xuyên qua các buổi họp thôn. Từ xưa đến nay, xã cũng nhất quán quan điểm ai sai thì phải chịu trách nhiệm với pháp luật, không dung túng, xin xỏ. Phải nói rằng, các tổ hòa giải đã làm rất tốt nên cũng giảm tải được một phần công việc cho lực lượng công an xã", ông Huy vui mừng nói.
Bình luận (0)