Đời nữ phu cá mưu sinh ở Cửa Sót

Phạm Đức
Phạm Đức
03/10/2019 17:50 GMT+7

Khi tàu thuyền vừa cập cảng cá Cửa Sót, những nữ phu cá đã đợi từ trước, sẵn sàng đội cá thuê từ thuyền lên bờ cho các chủ tàu để đổi lấy những đồng tiền công ít ỏi, hoặc một mớ cá tưới.

Nhóm đội cá thuê
4 giờ sáng hàng ngày, khi mặt trời còn chưa ló rạng thì cảng cá Cửa Sót ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tấp nập tàu thuyền ra vào cập bến sau một hoặc nhiều ngày ra khơi đánh bắt. Tiếng cười nói sang sảng của các ngư dân cộng với tiếng mời chào, trả giá của các tiểu thương trên bờ khiến khung cảnh nơi đây vô cùng nhộn nhịp.

Cảng cá Cửa Sót nhộn nhịp từ tờ mờ sáng mỗi ngày

Ảnh Phạm Đức

Trên bến cảng, những người phụ nữ nằm trong “đội quân” phu cá như thường lệ đã có mặt từ trước đó, họ sẵn sàng đội cá thuê cho chủ tàu thuyền nào có nhu cầu đưa cá trong khoang lên bờ bán cho thương lái. Phu cá là những người phụ nữ đã lớn tuổi sống ở miền biển, họ đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Ngày làm việc của họ bắt đầu khi những người dân vùng biển này vẫn đang chìm trong giấc ngủ.

Nhóm phu cá đợi thuyền trên bến cảng

Ảnh Phạm Đức

Ngồi đợi hơn 30 phút trên bến cảng nhưng chưa được ai thuê, bà Nguyễn Thị Thanh (72 tuổi, trú tại thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim) cho biết, bà ra cảng cá này đội cá thuê đã ngót 20 năm qua. Hàng ngày vào lúc 3 giờ 30 phút sáng, bà thức dậy rồi đi xe đạp ra cảng cá mưu sinh.
“Ở bến cảng này có tất cả 11 chị em tuổi đời từ 45 đến trên 70 tuổi làm nghề phu cá. Giờ làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 4 giờ đến 8 giờ sáng hàng ngày. Luôn phải đội cá trên đầu nên người ai cũng hôi tanh lắm, về tắm kỹ cũng không hết mùi”, bà Thanh đang nói.
Chồng mất sớm nên bà Thanh một mình nuôi 6 đứa con. Số tiền mưu sinh kiếm được trên cảng cá này cũng chẳng đáng là bao nên cuộc sống của bà và các con luôn thiếu trước hụt sau. 5 đứa con giờ đã trưởng thành nên bà cũng đỡ vất vả hơn trước.

Bà Tú được thuê đội cá từ thuyền lên bờ

Ảnh Phạm Đức

Chỉ mất 20 phút, bà Nguyễn Thị Tú (67 tuổi, trú tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) đã đội được khoảng 300 kg cá nục lên bờ cho một thuyền cá cập cảng từ lúc 4 giờ sáng. Cởi chiếc nón dính đầy vảy cá, bà Tú nói rằng bà đã gắn bó với công việc này suốt 30 năm qua. Trung bình 1 buổi làm việc, bà đội khoảng 1 tấn cá cho 2 tàu thuyền.
“Sau khi thuyền cập cảng, các thuyền viên xếp cá vào khay nhựa nặng khoảng 10 - 15 kg. Chúng tôi đợi sẵn trước mũi thuyền để đợi các thuyền viên đặt cá lên đầu rồi đưa lên bờ. Làm quần quật mấy tiếng liên tục nên đầu và vai cũng đau nhức lắm. Có khi đầu đang đội cá thì bị ngã trượt thâm tím hết tay chân”, bà Tú nói.

Mỗi khay nhựa đựng đầy cá tươi nặng từ 10 - 15 kg

Ảnh Phạm Đức

Nhà bà Tú nằm cách cảng cá 10 km nên 3 giờ sáng bà đã phải dậy để chạy xe máy xuống cảng cá làm thuê. Vào năm 2016, trên đường đến cảng cá bà bị 2 thanh niên chặn lại để đòi tiền. Sau khi soát xét trong người bà Tú không có tiền thì 2 thanh niên này mới chịu cho người phụ nữ nghèo khổ đi tiếp.

Chủ tàu thuyền thường trả tiền công cho phu cá bằng cá tươi

Ảnh Phạm Đức

“Nghề phu cá nhọc nhằn lắm nhưng thu nhập lại bèo bọt, hầu như các chủ tàu thuyền đều trả tiền công bằng cá tươi, cuối buổi gom lại bán được khoảng 120.000 đồng. Cũng có chủ tàu trả bằng tiền tương đương với mớ cá, hào phóng thì họ cho thêm vài chục ngàn”, bà Đậu Thị Thanh (50 tuổi, trú tại thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim) giải thích.
Tình người ở cảng cá
Phu cá Nguyễn Thị Định (57 tuổi, trú tại xã Thạch Kim) nói rằng, không phải ngày nào những người làm nghề như bà đến bến cảng cũng có việc làm, có ngày tàu thuyền vào cập cảng ít hoặc đánh bắt không được nhiều nên họ chỉ thuê một vài người trong nhóm. Số cá được chủ thuyền trả công, chị em chia sẻ với nhau mỗi người một ít đưa về nhà nấu ăn, nhất quyết không để chị em nào chịu thiệt thòi ra về tay không. 

Nghề phu cá bắt đầu từ 4 giờ đến 8 giờ sáng hàng ngày

Ảnh Phạm Đức

“Ngoài công việc, chúng tôi cũng động viên nhau cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Khi một chị em nào trong nhóm đau ốm, chúng tôi cũng rủ nhau đến nhà thăm nom và quyên góp ít tiền để mua thuốc thang. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Tú, do nhà ở cách xa cảng cá và sống ly thân với chồng con nên sau khi xong việc, tôi rủ bà ấy về nhà nghỉ ngơi ăn trưa. Suốt mấy chục năm qua, trưa nào bà Tú cũng về nhà tôi nghỉ lại rồi chiều tối mới chạy về nhà”, bà Định chia sẻ.

Chủ tàu chia sẻ chiến lợi phẩm với người nghèo xin cá về ăn

Ảnh Phạm Đức

Ở cảng cá Cửa Sót còn có hơn 10 người già yếu và tàn tật thường xuyên có mặt tại đây để xin cá từ các chủ tàu về ăn. Như đã thành quen, các chủ tàu sau khi thu gom gần hết số cá đánh bắt được đưa lên bờ để bán cho các thương lái thì chừa lại một ít để phân phát cho người nghèo.
Ông Hoàng Văn Tâm (55 tuổi), chủ tàu cá ở xã Thạch Kim cho hay, ngày nào thuyền cập cảng, tôi cũng dành lại khoảng mấy chục con để phát cho nhóm người nghèo đến xin.
“Hầu hết những người đến xin cá đều là những người nghèo và sức khỏe yếu nên không làm được gì. Thấy họ tội quá nên ngày nào thuyền cập cảng tôi cũng dành cho họ một ít cá đưa về nhà nấu ăn”, ông Tâm nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.