Bị xử phạt vì 'vi phạm thuần phong mỹ tục': Vậy thuần phong mỹ tục là gì?

24/09/2020 12:32 GMT+7

Chúng ta thường hay nghe nhắc về thuần phong mỹ tục, pháp luật cũng quy định về mức phạt hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục, nhưng thế nào là thuần phong mỹ tục thì pháp luật chưa có định nghĩa.

Mới đây, Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với anh Nguyễn Văn Hưng (28 tuổi, trú tại xóm Chùa, xã Xuân Hương, H.Lạng Giang, Bắc Giang; con trai bà Tân Vlog) về hành vi cung cấp, chia sẻ, thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Nhiều người thắc mắc về khái niệm "thuần phong mỹ tục" và những quy định liên quan vấn đề này.

Hiểu sao về thuần phong mỹ tục?

Một tiến sĩ văn hóa trường Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, chưa có sách vở nào định nghĩa một cách đầy đủ về khái niệm thuần phong mỹ tục.
Chúng ta chỉ hiểu và mặc định cùng nhau hiểu nôm na, mỹ là đẹp; tục là phong tục, tập tục; phong tục được hiểu là sắc thái, phong thái, bản sắc riêng của vùng miền, quốc gia, dân tộc; thuần là không lẫn, pha trộn với bất cứ thứ gì. Như vậy, thuần phong mỹ tục là giữ gìn những tập quán, thói quen tốt đẹp mang tính chất đặc thù, bản sắc của dân tộc.
Hay bao quát hơn, thuần phong mỹ tục bao gồm các phong tục, tập quán, lối sống văn minh, những điều tốt đẹp ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.
Theo vị này, thuần phong mỹ tục là khái niệm tổng quát để chỉ cả về ăn, mặc, ở, giao tiếp hằng ngày.
Tiến sĩ văn hóa học phân tích, việc mặc sao cho phù hợp thuần phong mỹ tục có thể minh họa tiêu biểu nhất đó là khi đến chùa phải ăn mặc kín đáo, không mặc váy áo hở hang. Không chỉ vậy, tùy từng môi trường chúng ta đến, việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp đó cũng là thuần phong mỹ tục.
“Chửi tục không thuộc lĩnh vực thuần phong mỹ tục, mà nói như thế nào để giữ cho tiếng Việt trong sáng, rõ nghĩa hay thì mới là thuần phong mỹ tục. Còn nói chuyện hay lên mạng xã hội phát ngôn tục tĩu thì đó là tính văn hóa trong giao tiếp”, tiến sĩ văn hóa phân tích thêm. 

Một YouTuber bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Ảnh cắt từ clip

Theo vị này, thời gian gần đây, một YouTuber bị xử phạt về hành vi chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục khi quay clip nấu cháo một con gà nguyên lông trên mạng xã hội khiến người dân càng thêm mơ hồ, thắc mắc về khái niệm thuần phong mỹ tục.
Ông phân tích, một số nơi vẫn chế biến gà bằng cách nung với đất sét, để con gà nguyên lông đắp đất sét lên rồi nung, nung đến một thời điểm nhất định bóc đất sét ra thì lông gà rời ra và ăn thịt gà.
Do đó, trường hợp YouTuber đưa vào phạt hành vi chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục thì chưa thật sự phù hợp vì pháp luật chưa định nghĩa thế nào là không phù hợp. Sự “định tính" trong vi phạm hay không vi phạm trong nhiều trường hợp chiếm phần lớn. 
“Nếu YouTuber làm con gà nấu ăn ở nhà thì không có gì, nhưng đưa lên mạng thì đưa hiện tượng bất thường lên mạng xã hội. Đây là hành vi là đi ngược với văn minh của dân tộc, nhân loại”, ông nhận định.

Cần mô tả chi tiết thuần phong mỹ tục

Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cũng cho rằng, xét về mặt pháp lý, việc giải thích khái niệm “thuần phong mỹ tục” không được ghi nhận trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, đặc biệt trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính.
Trước đây, việc giải thích khái niệm này đã từng tồn tại trong Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thaoDu lịch, trong việc hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (đã hết hiệu lực từ 8.2016).
Như vậy, đây là một khái niệm chỉ tồn tại trong suy nghĩ của mỗi người, không nằm trong văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư Lê Trung Phát

LS Phát nêu ý kiến: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm đưa ra giải thích, mô tả chi tiết cho khái niệm này. Việc này là rất cần thiết, bởi hiện nay có khá nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính có quy định thành vi bị xử phạt với tình tiết “vi phạm thuần phong mỹ tục”, trong khi nó không được giải thích một cách cụ thể. Điều này đã tạo ra việc áp dụng pháp luật một cách cảm tính, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.
LS Phát phân tích, về nguyên tắc, một người chỉ bị xử phạt cho hành vi của mình, khi người đó vi phạm một quy định cụ thể trong luật. Vì vậy, ông cho rằng, việc cơ quan chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp được gọi là vi phạm là chưa có tính thuyết phục.
“Thuần phong mỹ tục suy cho cùng nó cũng chỉ là những quan niệm, lối sống phù hợp có thể được truyền từ đời này sang đời khác, tạo nên một nếp sống tốt. Như vậy cũng có nghĩa là nó chỉ là một sự chọn lọc, mà sự chọn lọc thì tất nhiên là cần thời gian để lựa chọn”, LS Phát nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.