Tìm việc mới không dễ
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào giữa tháng 3, nhiều công nhân cho biết họ bị giảm giờ làm, không tăng ca vì thế mà thu nhập cũng giảm đi không ít. Thu nhập giảm, chi tiêu eo hẹp hơn khiến một số người nghĩ đến việc tìm thêm công việc khác để làm nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh, tìm một công việc mới không hề dễ dàng.
Chị Lê Thị Trang (42 tuổi, quê Hà Tĩnh) chân ướt chân ráo vào Sài Gòn từ thời còn con gái. Một thời gian sau, chị lập gia đình và về quê nhưng không lâu sau đó lại quay trở lại Sài Gòn tiếp tục làm công nhân để nuôi con trai đang học lớp 11 tại một trường cấp 3 ở quận Thủ Đức (TP.HCM).
|
|
Còn chị Đào Thị Minh Huệ tâm sự: “Công ty cho nghỉ và đã hỗ trợ cho tôi 200.000 đồng mỗi ngày trừ chủ nhật nhưng nhìn chung lương chị đã giảm nhiều đi, trước đây được 7 triệu mấy giờ chỉ còn 5 triệu. May là chồng tôi nghỉ ít hơn nên đỡ được phần nào. Cả gia đình tôi bây giờ ăn rau ăn cỏ cho qua ngày, ăn cũng bớt lại mỗi thứ một chút cho đủ sống thôi”.
|
Thời gian dịch bệnh vì ở nhà nhiều, cảm thấy chán nản nên chị Huệ đã nhiều lần đi đọc đường tìm kiếm các công việc làm thêm mong phụ giúp gia đình đỡ khổ nhưng vì tình hình dịch bệnh chung nên đã không ai nhận chị vào làm thêm thời gian này.
Chuyển nghề để kiếm thêm thu nhập
Chia sẻ với PV, ông Trần Xuân Vinh, chủ dãy trọ trên đường Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, dãy trọ của ông có 50 phòng, chủ yếu là công nhân làm việc tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), KCN Bình Chiểu (Q.Thủ Đức), KCX Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức), KCN Đồng An (Bình Dương). “Từ dịch đến giờ số người trả phòng để qua nhà mới thì có chứ người trả phòng để về quê thì không có”, ông nói.
Chúng tôi tìm đến phòng trọ của chị Huỳnh Thị Kim Trâm (41 tuổi) và anh Trần Hùng Lực. Tổ ấm của hai anh chị hơn mười năm qua là căn phòng trọ nhỏ trong dãy trọ cho công nhân thuê của ông Vinh. Được biết, các cặp vợ chồng làm công nhân sinh sống ở đây chủ yếu là gia đình có con nhỏ. Một số cho con ở cùng và đi học ở thành phố, một số phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc và gửi tiền về hàng tháng.
|
Để kiếm thêm thu nhập, anh Lực làm thêm công việc lái xe ôm công nghệ khi còn làm công nhân từ tháng 10.2017. Hiện tại, vì dịch bệnh anh Lực và vợ đều bị giảm giờ làm, anh quyết định nghỉ việc ở công ty để chạy xe ôm công nghệ toàn thời gian. Mỗi ngày chở khách, anh Lực kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng.
“Thu nhập từ việc chạy xe ôm công nghệ không nhiều hơn là mấy so với công việc công nhân của tôi trước đây. Nhưng tôi thấy chạy xe thuận tiện hơn cho tôi, tôi có thể chủ động thời gian, linh động lịch làm việc của mình. Tôi có thể thay vợ lo cho con nhỏ nhiều hơn, từ đó vợ tôi vẫn có thể đi làm công ty đúng giờ”, anh Lực kể.
|
Khi chuyển hẳn sang nghề tài xế xe công nghệ, anh Lực làm việc mỗi ngày từ sáng sớm đến trưa. Trưa, anh ghé về nhà ăn cơm rồi tiếp tục chạy buổi chiều mà không kịp nghỉ ngơi. Đến tối muộn, có khi gần 20 giờ anh Lực mới về đến nhà. Thời gian của anh Lực đa phần phục vụ khách trên các tuyến đường, không có khu vực cố định, cứ có cuốc là anh chạy.
Dù nhiều lúc ế khách, anh Lực vẫn cố gắng ở ngoài đường, đậu xe ở nhiều nơi để đợi khách đặt kiếm thêm tiền lo cho gia đình, vì vợ anh đã giảm giờ làm quá nhiều do dịch bệnh.
Anh Lực kể thêm: “Thời gian cách ly xã hội, tôi vẫn chạy xe vì muốn kiếm thêm một ít để nuôi con cho đầy đủ. Buồn lắm nhưng mà vợ chồng vẫn ráng nhắc nhau vượt qua. Sắp tới con tôi nghỉ hè, vợ tôi cũng đi làm nên có lẽ thời gian đi làm của tôi cũng thay đổi. Sáng tôi dậy từ 5 giờ sáng để chạy vài cuốc sau đó 8 giờ vợ đi làm thì tôi về cho con ăn, chơi với con rồi trưa cho con ăn, nếu có cuốc gần gần thì tôi chạy kiếm thêm chút”, anh bộc bạch.
Bình luận (0)