24 tiếng ở Hồ Bắc tâm dịch Covid-19 của anh chàng từng ở Việt Nam

01/03/2020 19:03 GMT+7

Đảm bảo không có người lạ vào thôn và người trong thôn không ra khỏi nhà, mua lương thực, nhu yếu phẩm phân phát cho từng nhà là nhiệm vụ mỗi ngày của những tình nguyện viên như Chu Dũng Cương tại tỉnh Hồ Bắc ( Trung Quốc ).

Trở về nhà sau một buổi đi tuần tra quanh thôn, Chu Dũng Cương (43 tuổi) - tình nguyện viên chống dịch Covid-19 ở thôn Sam Mộc, huyện Hoàng Mai, thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc (giáp với tâm dịch Vũ Hán) mở mạng xã hội để kiểm tra những tin nhắn hỏi thăm từ bạn bè, người quen ở Việt Nam. Từng sống và làm việc ở Việt Nam trong vòng 4 năm nên Chu Dũng Cương cũng quen thuộc với việc sử dụng các mạng xã hội phổ biến tại đây. Sau vài lần hẹn phỏng vấn với Chu nhưng không thành do anh bận với công việc tình nguyện, cuối cùng chúng tôi cũng thống nhất được thời gian để trò chuyện video cùng anh. Với một ít vốn tiếng Trung của chúng tôi cùng khả năng tiếng Anh khá tốt của Chu Dũng Cương, chúng tôi đã phần nào hiểu được thực tế về một ngày trong tâm dịch Covid-19 ở Hồ Bắc của những người dân Trung Quốc.
Câu chuyện bắt đầu. Với một chiếc nón bảo hiểm có kính che toàn gương mặt, một chiếc khẩu trang y tế và một lá cờ, Chu Dũng Cương (42 tuổi) bắt đầu một ngày làm việc như một tình nguyện viên chống dịch Covid-19 ở Hồ Bắc (Trung Quốc).
Quê nhà của Chu Dũng Cương ở thôn Sam Mộc, huyện Hoàng Mai, thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, giáp với tâm dịch Vũ Hán. Chu Dũng Cương từng là một giáo viên tiếng Anh và đã làm việc ở Việt Nam được 4 năm trong lĩnh vực thương mại. Tháng 10.2019 anh trở về Hồ Bắc (Trung Quốc) để chuẩn bị đón Tết và rồi mắc kẹt luôn ở đây đến bây giờ vì dịch bệnh covid-19 (do virus corona chủng mới gây ra) bùng nổ.
“Tôi rất muốn quay lại Việt Nam nhưng vào thời điểm này thì đó là chuyện không thể. Tôi rất vui vì những bạn bè ở Việt Nam rất quan tâm tôi và tôi mong các bạn cũng có sức khỏe tốt” - Chu Dũng Cương chia sẻ.

Độc quyền: Người dân Hồ Bắc kể lại cuộc sống nửa tháng bị cấm ra đường

Trong ngôi làng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”
Theo lời kể của Chu Dũng Cương, người dân Hồ Bắc bị cấm ra khỏi nhà từ ngày 16.2 để hạn chế lây lan dịch bệnh. Cũng kể từ đó, Chu trở thành tình nguyện viên của làng, ngày ngày đi tuần để đảm bảo không có người lạ vào thôn và người trong thôn cũng không ra ngoài. Ngoài Chu, làng Sam Mộc còn có khoảng 15 tình nguyện viên khác, những người thay ca nhau tuần tra hằng ngày. Việc mua lương thực và các nhu yếu phẩm khác cũng do các tình nguyện viên làm và chia ra phân phát đến từng hộ gia đình.
“Mỗi làng có một siêu thị được chỉ định, và tình nguyện viên như chúng tôi giúp mọi người mua đồ và chuyển đến nhà họ. Với cách này, người dân không cần ra ngoài để bảo vệ mình. Việc này cũng ngăn virus bùng phát. Các siêu thị này sạch sẽ và được chính phủ khử trùng, miễn nhiễm. Vì vậy, việc đảm bảo nhu yếu phẩm cho cuộc sống mọi người là không vấn đề. Mỗi ngày, nhân viên y tế cũng sẽ đến từng nhà để đo nhiệt độ cho từng người” - Chu Dũng Cương cho biết.

Chu Dũng Cương từng làm việc ở Việt Nam và hiện chưa thể quay lại Việt Nam vì dịch bệnh

NVCC

Mới đầu, người dân trong thôn của Chu Dũng Cương còn chưa biết mức độ đáng sợ của dịch bệnh nên mọi người còn khá xem nhẹ việc phòng dịch. Sau những ngày số người chết, người nhiễm tăng chóng mặt ở Vũ Hán - thành phố ngay cạnh đó thì người dân mới bắt đầu thấy tình hình thực sự đã nghiêm trọng.
“Mọi người nay đã cảm nhận được virus. Họ biết họ không nên ra ngoài vì an toàn tính mạng và sức khỏe của mình. Người dân không ra ngoài trong thời điểm này, đó là tuân thủ pháp luật. Hiện tại mọi nhà đều đóng cửa. Vì tôi là tình nguyện viên nên tôi phải ra ngoài đi tuần. Chỉ có những tình nguyện viên như tôi mới được ra ngoài, không ai được đi lại ngoài đường, mọi cánh cửa đều đóng. Tôi có thể giúp mọi người mua đồ dùng” - Chu Dũng Cương chia sẻ.
“Khẩu trang rất thiếu thốn nhưng chúng tôi ưu tiên cho các nhân viên y tế”
Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, khẩu trang là mặt hàng hot nhất không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ở vùng quê của Chu Dũng Cương, việc đeo khẩu trang thời điểm này không phải chuyện phổ biến vì mọi người thường không ra ngoài nên việc đeo khẩu trang không quá cần thiết. 
"Chúng tôi khá lo vì Trung Quốc hiện đang thiếu khẩu trang nhưng chỉ cần ở nhà, không ra ngoài, thì chúng tôi không cần đeo. Chúng tôi sẽ tiết kiệm khẩu trang và quyên góp cho những nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh. Hiện tại mọi người đang rất lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt ở các bệnh viện, nhiều y bác sĩ đã cố gắng cố hiến. Mọi người đang rất đau buồn. Các bác sĩ đã hy sinh rất nhiều” - Chu Dũng Cương chia sẻ.
“Học online là nhiệm vụ của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh nữa’
Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của học sinh Trung Quốc vẫn chưa và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Kể từ khi dịch Covid-19 do chủng mới của virus corona bùng nổ, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khuyến cáo tất cả trường học tại quốc gia này hoãn nhập học kỳ mùa xuân để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các trường đại học đại học do trung ương quản lý nên chuyển lịch nhập học học kỳ 2.

Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của hàng trăm triệu học sinh Trung Quốc

Học sinh được hướng dẫn hạn chế đi ra ngoài, gặp gỡ mọi người, tổ chức hoặc tham dự các buổi họp mặt đông người trong kỳ nghỉ đông. Các cơ sở đào tạo cũng đã hủy các lớp học ngoại khóa. Đối với những học sinh đã ở lại trường trong kỳ nghỉ đông hoặc đã trở về sớm trước khi bắt đầu học kỳ mới, nhà trường phải có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát phù hợp. Kể từ ngày 17.2, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai chương trình học trực tuyến cho học sinh trên toàn quốc.
“Trẻ em phải học trực tuyến và điều này nghĩa là cả giáo viên và trẻ đều ở nhà và học qua internet. Chúng tôi cũng phải ở nhà để hướng dẫn con mình. Như thế này đây, bạn thấy không? Bây giờ mọi người đều ở nhà học với con. Bố mẹ cũng cần giúp con cái mình. Giáo viên cũng hướng dẫn qua các video trực tiếp. Mỗi người đều là người hướng dẫn cho học sinh. Với tôi, tôi cũng là một giáo viên. Tôi cho rằng trẻ em ở nhà sẽ tốt hơn. Mọi người đang cố hết sức vì an toàn của đất nước và nền giáo dục. Giáo viên dạy trẻ trực tuyến tại nhà, bố mẹ kèm cặp con cái. Tôi là bố và cũng là giáo viên” - Chu Dũng Cương cho hay.
“Người Trung Quốc có thể ở nhà vài năm mà không làm gì”
Đã hơn 2 tháng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát và tỉnh Hồ Bắc bị cách ly, nửa tháng kể từ ngày người dân Hồ Bắc phải ở trong nhà tránh dịch và mọi hoạt động buôn bán, kinh doanh gần như đóng băng ở nơi này.

Nhóm tình nguyện dùng cây cối chặn một cửa ngõ ở thôn Sam Mộc để tránh người ngoài vào

Ảnh chụp màn hình

Mỗi ngày đi tuần, Chu Dũng Cương lại livestream trên Facebook một lần để cập nhật tình hình cho bạn bè, người quen ở Việt Nam. Ngôi làng vắng tanh không một bóng người với nhiều đoạn đường cửa ngõ ra những ngôi làng khác bị chặn lại bởi cành cây và củi khô. Nhờ tuân thủ những hướng dẫn phòng dịch của chính quyền từ đầu mà thôn Sam Mộc của Chu Dũng Cương vẫn chưa có ai nhiễm Covid-19 trong khi tình hình ở những thôn kề cận đang rất nghiêm trọng với nhiều người nhiễm virus. Dù cuộc sống không còn tiện nghi, thoải mái như trước kia và cũng không thể ra ngoài làm việc, kiếm tiền nhưng với người dân ở thôn Sam Mộc thì những điều đó cũng không có gì quá to tát, miễn sao họ và người thân đều khỏe mạnh, tránh xa được dịch bệnh.

Chu Dũng Cương livestream trên Facebook trong một lần đi tuần

Ảnh chụp màn hình

“Ở Trung Quốc có rất nhiều người có khả năng đảm bảo cuộc sống của mình. Họ thường khá giả. Dù không thể làm việc vào thời điểm này, họ cũng không gặp vấn đề gì. Còn nếu cuộc sống khó khăn, chính phủ sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp tiền cho người nghèo. Cuộc sống của người bình thường không có quá nhiều khó khăn hiện nay. Một số gia đình giàu có, họ có thể ăn trong 2 năm mà không cần làm. Không vấn đề gì. Cả nước đang chiến đấu virus và tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ sớm chiến thắng. Mọi người đang cố hết sức. Quê tôi ở huyện Hoàng Mai, cách Vũ Hán 200 cây số, cũng ở tỉnh Hồ Bắc. Hiện tại mọi người đều hô vang Vũ Hán cố lên, Hồ Bắc cố lên, Trung Quốc cố lên! Mọi người đều cùng như cố gắng chiến thắng cuộc chiến này. Mọi người đang ở đây. Có rất nhiều nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân. Và điều này đồng nghĩa với việc có nhiều bệnh nhân phải điều trị. Tình hình đang rất trầm trọng, mọi người đang làm hết sức. Dù Vũ Hán là tâm dịch, đối với chúng tôi đều là Trung Quốc. Chỉ cần Vũ Hán vượt qua khó khăn, Vũ Hán “sống”, Hồ Bắc “sống”, và Trung Quốc chiến thắng, sẽ thành công!” - Chu Dũng Cương chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.