Gần 30 ngày miền Trung chìm trong lũ hồng thủy: Nước ngập mái nhà, mênh mông nước mắt

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
30/10/2020 19:01 GMT+7

Trong hai mươi mấy ngày của tháng 10, người miền Trung, trong đó có Quảng Bình phải vật lộn, chịu đựng 3 đợt lũ. Tay trắng, kiệt quệ, đau đớn tột cùng là những gì người dân ở mảnh đất này đã, đang và sẽ trải qua. Những ngày khó khăn vẫn ở phía trước họ.

Từ những ngày đầu tháng 10, trời miền Trung và đặc biệt Quảng Bình mưa như trút nước, mưa lớn kéo dài ngày này qua ngày khác; mưa từ thượng nguồn các con sông ở phía tây cho đến miệt biển. Đến đêm ngày 7 rạng ngày 8.10 thì lũ lớn bắt đầu đổ về.

Lũ lớn liên miên khiến người dân Quảng Bình lao đao

Ảnh: T.Q.N

Nặng nhất là vùng dân cư phía nam của tỉnh, thuộc 2 huyện: Lệ Thủy và Quảng Ninh. Lũ cô lập, chia cắt nhiều địa bàn từ đồng bằng cho đến miền núi. Hàng chục nghìn nhà dân ngập sâu trong nước đục ngầu.

Hàng chục nghìn ngôi nhà ở Quảng Bình bị ngập nhiều ngày trong nước lũ

Ảnh: T.Q.N

Điều đáng nói, không như những trận lũ lụt trước đây (mưa lớn vài ngày, lũ về hết mưa, lũ ngập 1 – 3 ngày rồi rút, trời nắng ráo, sau đó mưa xối bùn lại là xong), năm nay, lũ kéo dài cả tuần lễ chưa chịu rút và trong lũ trời vẫn cứ mưa tầm tã.

Xe bị ngập lũ tại TT.Kiến Giang, H.Lệ Thủy, dù đã được đưa lên vị trí cao

Ảnh: T.Q.N

Xót xa Lệ Thủy đổ nát, tan hoang sau lũ lụt lịch sử trăm năm có một

Trận lũ thứ nhất dài lê thê, đến tận ngày 13.10 mà nhiều vùng ở H.Lệ Thủy vẫn còn ngập khiến cuộc sống người dân lao đao không kể hết; nước sinh hoạt không có, điện cũng thiếu, lương thực thực phẩm cạn kiệt, đường giao thông bị ngập nên phải đi bộ hoặc dùng thuyền. Trận này, người dân bị thiệt hại tài sản không nhỏ.

Nhà dân ở đường Võ Nguyên Giáp, H.Lệ Thủy bị sóng đánh vỡ cửa

Ảnh: T.Q.N

Rất nhiều trường học ở H.Lệ Thủy bị hư hỏng nặng

Ảnh: T.Q.N

Do mưa to sóng lớn nên phải rất vất vả, PV Thanh Niên mới tiếp cận được nhà dân để đưa nước, mì tôm và tiền cứu trợ trong những ngày đầu mưa lũ

Ảnh: T.Q.N

Xót ruột những tiếng kêu cứu trong cơn hồng thủy chưa từng thấy ở Quảng Bình

Trải qua trận lũ kéo dài, trời vừa hửng lên, người dân tập trung dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa đồ đạc bị hư hỏng. Thế nhưng, chưa kịp khôi phục lại, thì người dân nhiều nơi ở Quảng Bình lại hứng tiếp đợt mưa lũ kinh hoàng, mưa như chưa từng được mưa, gây nên trận lũ lịch sử trên diện rộng bắt đầu từ đêm 17 rạng ngày 18.10.

Lũ lịch sử đổ về, nhiều người dân kêu cứu nên chính quyền địa phương và người dân lần đầu tiên đã huy động lực lượng thuyền đánh cá ở các xã biển thuộc H.Quảng Ninh, H.Lệ Thủy trung chuyển vào vùng lũ làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ

Ảnh: T.Q.N

Lực lượng Bộ Chỉ quân sự Quảng Bình đưa một phụ nữ ra khỏi nhà ở xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh

Ảnh: T.Q.N

Phải dùng dây để giải cứu người do mưa to, nước lớn

Ảnh: T.Q.N

Lực lượng quân đội giải cứu 3 người trong một ngôi nhà ở H.Quảng Ninh bị kẹt trong nước lũ và mưa lớn tầm tã vào ngày 18.10

Ảnh: T.Q.N

Những “hiệp sĩ” làng biển đưa thuyền đánh cá cứu hộ vùng lũ Quảng Bình

Lũ ngập tại H.Minh Hóa, H.Tuyên Hóa, H.Quảng Trạch, TX.Ba Đồn, TP.Đồng Hới; trong đó, 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy tiếp tục bị ngập rất sâu. Lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy vượt mức lịch sử năm 1979; tuy nhiên, vì trước mốc này nhiều năm không có lũ lớn nên những người trên dưới 70 tuổi cho biết chưa bao giờ thấy lũ lớn và lên nhanh như vậy.

Một cánh tay luồn qua mái nhà kêu cứu khi nghe tiếng máy thuyền đi qua xã Liên Thủy, H.Lệ Thủy

Ảnh: T.Q.N

Lũ ngập sâu và sóng lớn nên ông Lê Văn Cường và con ở thôn Phú Thọ, xã An Thủy, H.Lệ Thủy phải trèo lên cây cao hóng đoàn cứu trợ

Ảnh: T.Q.N

Người dân vùng lũ Lệ Thủy nhận hàng từ mái nhà cao; trong hình là bà Nguyễn Thị Xuyến, ở xã An Thủy, H.Lệ Thủy

Ảnh: T.Q.N

 

Người dân xã Hồng Thủy, H.Lệ Thủy phải lên động cát dựng lều tránh lũ

Ảnh: T.Q.N

Phận người trong những túp lều bên nghĩa địa giữa lũ lịch sử ở Quảng Bình

Gia đình ông Trương Văn Hải (85 tuổi, ở xã Hồng Thủy, H.Lệ Thủy) dựng lều tá túc bên nghĩa trang trong làng; bên trong căn lều có 4 thế hệ

Ảnh: T.Q.N

Bà Nguyễn Thị Ánh (63 tuổi, ở xã Hồng Thủy, H.Lệ Thủy) bật khóc, bà không nghĩ có những lúc cuộc đời éo le, cơ cực khi phải chạy lũ như vậy

Ảnh: T.Q.N

Trận lũ lịch sử này đã làm 21 người chết, 128 người bị thương, 110.797 nhà bị ngập, 291 nhà bị hư hại (trong đó 97 nhà hư hỏng hoàn toàn; Lệ Thủy chiếm 59 nhà); nhiều diện tích cây trồng, công trình, trường học, đơn vị, tuyến giao thông bị hư hỏng…

Chị Ngô Thị Thơm (34 tuổi, xã Thanh Thủy, H.Lệ Thủy) đau đớn, thẩn thờ; vợ chồng anh chị vừa mất một lúc 2 người con trai là Hoàng Văn Quân (10 tuổi) và Hoàng Văn Quý (7 tuổi) do bị lật thuyền khi đi tránh lũ

Ảnh: T.Q.N

Nhà bà Châu Thị Cúc (thôn Phú Thọ, xã An Thủy, H.Lệ Thủy) bị nước lũ đánh sập gần hết

Ảnh: T.Q.N

Bà Cúc mếu máo nói mất sạch, giờ tay trắng, không biết làm lại từ đâu khi hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập

Ảnh: T.Q.N

Nhà của vợ chồng ông bà Lê Văn Lình và Đỗ Thị Mỹ (thôn Phú Thọ, xã An Thủy, H.Lệ Thủy) cũng bị sập tan tành

Ảnh: T.Q.N

Người dân vùng rốn lũ Lệ Thủy kiệt quệ không còn sức chịu đựng

Ảnh: T.Q.N

Trận này cũng kéo dài, những vùng thấp trũng tại H.Lệ Thủy ngập gần 10 ngày. Và khi bùn non, rều rác còn chưa dọn xong, đồ đạc hư hỏng, nhà cửa bị sập đang ngổn ngang thì nước lũ trên sông Kiến Giang lại lên gây ngập nhiều vùng thấp, nhiều tuyến giao thông ở xã An Thủy, Lộc Thủy của H.Lệ Thủy vào ngày 29.10.

Lo dọn bùn non khi lũ vừa rút, dọn xong thì lũ lên lại

Ảnh: T.Q.N

Những trận lũ lớn vùi dập, làm hư hỏng hết tài sản, lương thực của người dân Quảng Bình

Ảnh: T.Q.N

Ngày 29.10, các xã như An Thủy, Lộc Thủy của H.Lệ Thủy hứng chịu trận lũ thứ 3 trong vòng chưa đầy 1 tháng

Ảnh: T.Q.N

Hiện người dân đang dùng nước lũ để sinh hoạt

Ảnh: T.Q.N

Đến hôm nay, 30.10, nhiều nơi ở Quảng Bình vẫn ngập lụt. Người dân miền Trung vùng lũ than rằng: giờ không chạy lũ nữa, vì không còn sức và cũng không biết chạy đi đâu.

Những căn nhà phao "thách thức" lũ lịch sử ở Quảng Bình: Nổi lên theo con nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.