Cả khu phố bỗng dưng... đoàn kết
Trước khi đại dịch xảy ra người dân ở khu phố sống khép kín, cá thể trong cuộc sống riêng tư ở phạm vi gia đình và công việc, hầu như không biết đến thế giới bên ngoài. Những bà mẹ bỉm sữa chỉ quan tâm đến giá cả để lo những bữa ăn cho chồng con. Những người phụ nữ New York yêu sự nghiệp chỉ biết đến văn phòng sớm nhất và về nhà sau nửa đêm. Những kỹ sư, viên chức văn phòng chúi đầu vào công việc. Những người trẻ tuổi lao vào những thú giải trí riêng…
Đại dịch Covid-19 ập đến đã khiến họ xích lại gần nhau, cùng đoàn kết để vượt qua hoạn nạn, hết lòng để giúp đỡ những người già yếu, neo đơn, bệnh tật.
Ai có kỹ năng marketing như mạng xã hội (social media) hay các công cụ giao tiếp trực tuyến như Zoom, Slack thì tạo một nhóm quản lý thông tin, để những người cần được giúp đỡ có thể liên hệ 24/7.
Nhóm vận động quyên góp làm việc ngày đêm với các mạnh thường quân để đủ kinh phí tài trợ thực phẩm và thuốc men cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Những bà nội trợ chưa bao giờ biết đến các phương tiện kỹ thuật nói trên còn lóng ngóng trong những ngày đầu: “Tôi không thể tìm đâu ra cái nút camera, nó ở đâu nhỉ?” hay “Tôi không tìm đâu ra chỗ để trả lời cái post này”. Nhưng nhiệt huyết của họ thì không gì sánh bằng.
|
Mỗi ngày, hàng trăm những lời kêu cứu được share trên Slack của cộng đồng và đều được giải quyết nhanh chóng. Luôn có câu trả lời: “Tôi có thể giúp được” hay “Tôi hỗ trợ xe”, “Tôi có thể đi chợ”. Tất cả sự giúp đỡ này là tự nguyện 100%, không một cent tiền công hay tiền xăng nhớt.
Những anh chị làm ở siêu thị khi biết tôi tham gia chương trình “Giúp đỡ khu phố”, nhiệt tình dẫn tôi đến tận các kệ thực phẩm cần tìm và thậm chí còn giúp xếp hàng lên xe.
Tình người kỳ diệu ở Trường Đại học Brooklyn
Khi dịch chưa xảy ra, tôi hay nghĩ các sinh viên trường công lập ở thành phố sôi động như New York thường ít quan tâm đến đời sống cộng đồng. Nhưng không! Tôi đã được thấy hình ảnh khác của sinh viên mình khi cơn bão Covid-19 ập đến. Các em thể hiện đúng tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
|
Khi tôi làm chương trình gây quỹ giúp đỡ cho sinh viên nghèo, nhiều em đã tham gia đóng góp nhiệt tình. Em Kwanme và em Nikki nói: “Em tuy không có nhiều nhưng vẫn muốn giúp các bạn khó khăn hơn”.
Có những cựu sinh viên rời trường từ lâu như em Samatha Chan hay Imani Jones vẫn tham gia chương trình thiện nguyện trực tuyến để giúp các thế hệ đàn em trường. Đó là em David A. và em Meir L., sẵn sàng dạy kèm cho các bạn cùng lớp.
Chủ tịch trường đại học của chúng tôi là bà Michelle Anderson thì viết thư động viên tinh thần các giáo sư và sinh viên đều đặn mỗi ngày. Bà còn tổ chức các buổi trò chuyện trực tuyến hàng tuần trên Instagram với sinh viên Brooklyn. Bà ân cần hỏi han tình hình học tập, sức khỏe và gia đình của từng sinh viên tham gia.
|
|
Tiến sĩ Rosamond King, người nhanh chóng sáng lập ngay Quỹ Cứu trợ khẩn cấp nhằm giúp những giáo sư như tôi có kinh phí để mời những diễn giả uy tín đến lớp học trực tuyến của mình, từ đó sinh viên tại Đại học Brooklyn có thể cảm thấy hy vọng về cơ hội làm việc ở tương lai trong tình cảnh bấp bênh này.
Khi có những con người như vậy thì New York quả là tổ ấm chan hòa tình người! Ấn tượng về một New York xa cách khi tôi mới đến đây đã không còn nữa. Đại dịch đã lấp đầy những khoảng trống và lúc này đi đâu tôi cũng gặp những nụ cười tươi tắn và câu nói: “Let me help you” (Để tôi giúp bạn).
Bình luận (0)