Hành trình cứu vớt sự sống
Hình ảnh nữ sinh viên đến tìm mộ con vào buổi chiều cuối năm 2004, đã khiến ông Tống Phước Phúc trăn trở: “Nếu mình chỉ chôn cất thai nhi như thế này mãi, thì không làm được gì để cứu vớt sự sống cho các bé”. Rồi tận sâu thẳm đáy lòng mình, ông nghĩ rằng cần phải làm thêm điều gì đó.
|
|
|
Từ đó đến nay, mỗi khi gặp những trường hợp “bụng mang dạ chửa” trong cảnh éo le, ông Phúc lại sẵn sàng cưu mang. 15 năm qua, vợ chồng ông đã giúp hơn 250 bà mẹ lầm lỡ tá túc tại nhà mình, chăm sóc như người thân.
“Có những bé vừa sinh ra còn đỏ hỏn thì mẹ bé đã bỏ đi. Nhưng mình tự an ủi là dù sao cũng đã cứu vớt được một bé thơ, đem lại cho bé một sự sống. Và vẫn luôn tin rằng, một ngày nào đó mẹ bé sẽ quay lại đón bé về”, ông Phúc nói.
|
Ông Phúc kể rằng, có thời khắc, các mẹ bầu tưởng chừng đã cắt đứt khúc ruột máu mủ của mình. Các bé đã từng phải nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết từ khi chưa chào đời. Đã không ít lần, ông Phúc dẫn những cô gái có ý định hủy thai đến “khu vườn của những thiên thần” - nơi chôn cất hàng chục ngàn xác thai nhi, để những người mẹ lầm lỡ dũng cảm hơn, thương con mình nhiều hơn, thấy có trách nhiệm với các bé.
“Để đến khi, mỗi thành viên mới của gia đình cất tiếng khóc chào đời, mình lại có thêm một niềm vui, thêm sự thôi thúc để tiếp tục công việc của mình”, ông Phúc nói.
Tâm và Vinh
Biết việc làm của ông Phúc, có những người mẹ sau khi sinh con nhưng không đủ điều kiện nuôi dưỡng hoặc vì lý do nào đó, đã đem đến đặt trước cửa nhà ông Phúc rồi bỏ đi.
|
15 năm qua, gia đình ông Phúc đã nhận nuôi dưỡng hơn 50 cháu bé bị bỏ rơi. Có thời điểm cùng lúc trong nhà số trẻ đông, ông đã liên hệ với nhà tình thương ở TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng nuôi dưỡng. Những đứa trẻ mồ côi đều được lấy họ của bố nuôi. Con gái ông Phúc đặt tên Tâm, con trai đặt tên Vinh, chỉ khác nhau tên lót, được đặt theo các tên gợi mở để sau này, mẹ các bé quay lại sẽ tìm đúng con mình.
Ông bảo “đặt tên Tâm là để khẳng định việc làm của mình chỉ luôn bằng cái tâm, không vụ lợi. Đặt tên Vinh là mong sau này các con đều thành đạt”. Thành viên mới nhất của gia đình ông Phúc được đặt tên là Hoài Vinh, mọi người thường gọi là bé Mưa. Trong đêm tối giữa tháng 7, ai đó đã đặt bé trước cửa nhà. Lúc ấy trời mưa nên mọi người thêm cho con một tên gọi thân mật như thế!
|
|
Trong số những trẻ bị bỏ rơi, có những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, việc chăm sóc, nuôi dưỡng rất gian khổ. Có thể kể đến trường hợp của Rắk Vinh. Tên em được đặt để nhớ em là cậu bé người dân tộc Ragai. Năm 2006, khi sinh ra, em không có hậu môn. Mẹ em đưa đến bệnh viện chữa trị nhưng không đủ tiền, nên đưa em đến nhà ông Phúc, rồi bỏ đi đến ngày hôm nay.
Ông Phúc nhớ lại: “Mình phải đưa Rắk Vinh vào Bệnh viện Nhi đồng 1 làm hậu môn nhân tạo. Sau này, bác sĩ còn phát hiện con tim bẩm sinh nữa. Đến năm 2010, lại tiếp tục đưa con đi mổ tim. Chiến đấu giành giật sự sống, giờ thì sức khoẻ con cũng ổn, học lớp 6 rồi”.
|
Ông Phúc cho biết: “Mình vốn làm nghề thợ xây, vợ thì buôn bán nhỏ nên việc nuôi dưỡng các bé cũng gặp không ít khó khăn. Có những lúc phải chạy vạy vay mượn, ký nợ để mua sữa cho các bé. Về sau, thấu hiểu được việc làm của mình, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã hết sức tạo điều kiện. Nhiều tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân đã đến thăm hỏi, giúp đỡ các cháu, cùng chung tay với vợ chồng mình. Hiện nay, bằng sức lao động của mình, mình cũng nuôi thêm bò, heo, gà. Tất cả mình làm là dành cho các con. Một số bán lấy tiền mua sữa, đồ dùng cho các con, một số thì là nguồn cung đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất cho các con được khỏe mạnh, phát triển bình thường”.
|
|
Bất kỳ đứa trẻ nào khi đến với gia đình ông Phúc, đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình. Bởi ông Phúc tâm niệm rằng nhà mình là nơi “giữ gìn mầm sống” cho các con. Khi đến tuổi đi học, các trẻ đều được đến trường như bao bạn cùng trang lứa.
Để rồi, đến ngày hôm nay, ông Phúc đã viết lại cuộc đời cho hàng trăm số phận.
Bình luận (0)