Người Sài Gòn với miền Trung

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
31/10/2020 07:45 GMT+7

Trở lại Sài Gòn sau một tuần đi cứu trợ, vẫn nghe xôn xao nơi này nơi nọ tiếp tục quyên góp . Những đoàn xe vận tải hàng hóa tiếp tục lên đường, những nồi bánh tét nổi lửa đêm thâu.

Cũng như bao lần, người Sài Gòn lại thao thức, nặng lòng với khúc ruột miền Trung.

“Ngó ra quê cha đường xa sông rộng”…

Buổi trưa. Ở quán cơm tấm trên đường Võ Văn Tần (Q.3), người cựu binh tên là Huỳnh Tấn Tươi ngày xưa từng đóng quân ở cảng quân sự Cửa Việt (Quảng Trị), ngồi sà vào ghế bên cạnh tôi, trầm ngâm: “Tôi nghe miền Trung lũ lụt bị thiệt hại khôn cùng mà xót xa quá. Trận lụt này tính ra mực nước còn cao hơn cả trận lụt năm đầu thập niên 1970, lúc tôi còn ở ngoài đó. Nơi nào nước cũng ngập ngang ngực trở lên. Làm sao dân chịu nổi”.
Ký ức của ông cứ thế ào ạt tuôn về quanh bữa trưa. Khiến tôi nhớ lại vào thời ấy, những đoàn xe của Hội Hồng thập tự (nay là Hội Chữ thập đỏ) từ miền Nam đi cứu trợ dân vùng ngập lụt các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Suốt bao năm từ bấy đến giờ, mỗi khi miền Trung gặp tai ách đất trời nổi giận, là dân Sài Gòn lại đau đáu ngóng về.
Bây giờ, trên mỗi con đường qua các nẻo phố Sài thành, đâu đâu cũng nghe có đoàn đã lên đường hoặc sẽ đi cứu trợ. Cảnh quay clip các thầy cô của một tập đoàn giáo dục có trụ sở ở Q.12 đi cứu trợ ở H.Đại Lộc (Quảng Nam) và H.Hướng Hóa (Quảng Trị) với những bước chân xăm xăm băng mình qua các đập tràn, qua ruộng đồng nước vừa mới rút xác xơ, nhìn ấm áp tình người. Những trường học khắp nơi ở các quận, huyện kêu gọi các em học sinh nhịn quà sáng. Hội đồng hương các làng, xã, huyện, tỉnh miền Trung vào cư ngụ ở TP.HCM đã phát đi lời kêu gọi, ai nấy tự nguyện quyên góp kèm với lời thở than cho quê mình, không biết bao giờ qua được đận khó khăn, khi các cơn bão tiếp tục lăm le ngoài biển. Chỉ e lại bị dập vùi, thì chẳng còn chỗ tránh trú. Bỗng dưng, một đoạn trong khúc hát Qua miền Trung trong trường ca Con đường cái quan của cố nhạc sĩ Phạm Duy bật lên trong đầu: “Ngó ra quê cha đường xa sông rộng. Ngó về quê mẹ núi lộng đèo cao…”. Bây chừ, sông cuồn cuộn nước lũ, đèo thì sạt lở đất vùi. Người Sài Gòn quê gốc miền Trung nhập cư chưa bao giờ nỗi thao thiết “ngó ra, ngó về” lại trở dậy ngậm ngùi như bây giờ!
Người Sài Gòn với miền Trung1

Người Sài Gòn xúm nhau gói bánh gửi ra miền Trung

ẢNH: TRANG LÊ

Tâm thức ấy, rất chân tình trong một bài viết mới đây với tựa đề 15 ngày dầm mình trong mưa lũ để cứu trợ, bạn Lê Quang Long, chủ nhiệm nhóm thiện nguyện Những dấu chân xanh, từ TP.HCM ra cứu trợ miền Trung đã viết: “Nhiều người hỏi tại sao chúng tôi làm không quản ngày đêm, không quản khó khăn hiểm nguy trong mưa lũ để cứu trợ người dân? Câu trả lời đơn giản là vì miền Trung sinh ra chúng tôi sức dài vai rộng, thì chúng tôi trở về gánh vác phụ miền Trung”.

“Đừng chụp hình tui...!”

Chiều thứ sáu. Chị ào vào tòa soạn báo, hỏi nơi đóng góp tiền giúp đồng bào miền Trung, rồi rút từ giỏ xách ra số tiền 110 triệu đồng. Hỏi, thì chị bảo đây là tiền của vợ chồng của một dược sĩ lớn tuổi ở Q.Phú Nhuận, có pháp danh là Ngọc Chấn và Thiện Hạnh hỗ trợ người dân miền Trung. Thông tin về người quyên góp chỉ vậy thôi. “Còn tui tên là Bảo Nhi, đến đóng góp để sẻ chia với đồng bào vùng lũ, mong bà con vượt qua và sớm ổn định cuộc sống”. Trong số tiền ấy, chị Nhi nhắn gửi lời của hai nhân vật giấu tên ấy, rằng “100 triệu của họ là chia ra làm 5, tặng mỗi tỉnh 20 triệu từ Quảng Bình đến Quảng Nam, còn 10 triệu của tui thì tùy các anh giúp cho”. Rồi chị vừa xua tay vừa nói “đừng chụp hình, tui không muốn đâu”…
Cứ thế, và rồi cứ thế. Người Sài Gòn cóp nhặt những gì mình có, đó đôi khi là những đồng tiền tích lũy hàng năm của đôi vợ chồng hưu trí, hoặc con heo đất ấp iu của các cháu học trò tiểu học. Gom góp, trĩu nặng tình người, họ đem đến và gửi trao đi như một nghĩa cử khiến ai thấy cũng cảm phục. Chị Linh, một cư dân ngụ ở khu phố 3, P.Phú Hữu (Q.9), cho biết: “Khu phố tôi đã nổi lửa nấu 5.000 cái bánh chưng đem ra hỗ trợ bà con. Một bạn trẻ đứng ra vận động, lúc đầu tưởng chỉ trong phạm vi khu phố, ai dè lại lan tỏa, vọng qua đến Q.2. Rút kinh nghiệm có đoàn đem bánh đi dài ngày tắc đường bị hư, nên bàn nhau khi nấu xong, vớt bánh để nguội và ép ni lông, hút chân không cho an toàn, để bà con nhận được bánh cũng có thể dùng được, không ngại ngần”.
Người Sài Gòn với miền Trung2

Ông Đoàn Ngọc Hải lùng mua hàng cứu trợ trong một siêu thị ở TP.Đông Hà (Quảng Trị)

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Những ngày ở miền Trung, tôi nhận ra rằng suốt chiều dài lịch sử, kể từ hơn 400 năm trước, khi những cư dân đầu tiên của đất Thuận Quảng theo chúa Nguyễn bôn ba vào Nam đặt chân đến nơi đây, hẳn họ đã mang nặng cái tình hoài hương cố xứ. Nơi ấy, dải đất hẹp lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển, đã bao nhiêu năm tháng phải chịu cảnh thiên tai, bão lũ. Nước từ nguồn đổ về, bão từ biển xoáy vô. Nên, nỗi nhớ nhung quê nhà dần dần hình thành trong tâm thức. Để rồi, mãi đến sau này, mỗi khi miền Trung chịu cảnh tai ương, người Sài Gòn lại mở rộng lòng, bao dung cưu mang đến đồng bào mình ở quê nhà. Mà việc cứu trợ những ngày qua trở thành một phong trào rộng khắp, là một minh chứng chân thật nhất cho điều ấy.

Người Sài Gòn... đặc biệt!

TP.Đông Hà (Quảng Trị), ngày 21.10. Tôi gặp ông lùng mua hàng hóa tại một siêu thị ở trung tâm thành phố. Ông vắn tắt cho biết: “Mới tức tốc từ vùng núi cao Hà Giang, chạy ngày chạy đêm vào miền Trung để cứu trợ. Bây giờ đi tìm mua thịt hộp để tặng bà con”. Đó là một người Sài Gòn… đặc biệt, ông Đoàn Ngọc Hải, người nổi tiếng với chuyện dẹp lòng lề đường khi còn là Phó chủ tịch UBND Q.1.
Chuyến xa nhà của ông đã 3 tuần, một mình trên chiếc xe cứu thương rong ruổi. Phía sau xe, ông dẹp chiếc cáng thương gửi lại ở Hà Nội, để chất 4.000 hộp sữa, rồi tìm khắp nơi mua thêm 800 hộp cá và thịt. Ngập một xe nặng trĩu, bao thứ cũng dồn lên ghế bên cạnh tay lái, ông Hải chỉ ngồi lọt thỏm một góc trước vô lăng. Cứ thế, đi và đến nơi phát hàng cứu trợ cho bà con. Chúng tôi cùng ông về vùng đông H.Gio Linh, nơi bị ngập nặng, để đến hai thôn bà con đang khốn khó, thôn Vinh Quang hạ (xã Gio Quang) và thôn Mai Xá thị (xã Gio Mai).
Những câu chuyện làm từ thiện của ông Đoàn Ngọc Hải sau khi “cởi áo từ quan” thì đã hẳn bao người thấm thía bàn luận, song trong buổi trưa ấy, tại quán cơm ở Đông Hà, nhìn ông trông có vẻ hơi bơ phờ. Chúng tôi động viên sau khi nghe ông nói, ăn xong sẽ lái xe về Nha Trang, rằng “nên đi đoạn đường ngắn hơn rồi nghỉ lại cho khỏe, lại đi tiếp. Đừng ráng sức đi xa quá anh nhé, nguy hiểm”. Rốt cuộc, ông đồng ý là sẽ về Hội An nghỉ lại một ngày rồi mới lên đường tiếp tục vào Nam. Thời gian và triệu triệu vòng xe quay, với sức chạy đua của người đàn ông trên 50 tuổi này, để đến kịp với đồng bào, thật đáng quý biết nhường nào!
… Rồi sẽ còn những cơn bão nữa. Rồi người Sài Gòn lại tiếp tục chung tay góp sức với đồng bào bị thiệt hại. Cũng như bao miền khác của đất nước, người dân cũng đi đến tận những vùng lụt bão để cứu trợ bà con. Nhưng có lẽ, không ngoa chút nào, và xin bỏ quá cho khi dám nói rằng người Sài Gòn luôn đi đầu trong các cuộc cứu trợ thiên tai bão lũ. Bởi, 25 năm qua kể từ khi đến ở nơi đây và có duyên nợ với rất nhiều cuộc thiện nguyện, tôi tự tin để nói đến điều này…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.