Sắm biệt thự, đi ô tô giữa Sài Gòn nhờ bán lươn đồng lãi 300 triệu/tháng
06/03/2018 09:32 GMT+7
Khởi sự kinh doanh từ món cháo - miến lươn xứ Nghệ, anh Viên đã gầy dựng được khối tài sản hàng chục tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người trên mảnh đất Sài Gòn.
Tự động phát
Thành công với đặc sản quê hương
Xuất thân vùng quê nghèo ở Diễn Châu (Nghệ An), anh Lê Doãn Viên (46 tuổi) không có điều kiện học tập đến nơi đến chốn, phải tự lập từ nhỏ và bươn chải làm nhiều nghề mưu sinh trên chính mảnh đất quê hương của mình.
VIDEO: Sắm biệt thự nhờ vào món đặc sản lươn Nghệ An
|
Cách đây hơn 10 năm, cũng như bao thanh niên khác, anh Viên khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Nhờ xuất thân trong gia đình kinh doanh món ăn gia truyền cháo - miến lươn nên khi vào Sài Gòn, anh vay mượn tiền bạn bè và mở quán nhỏ trên đường Song Hành (P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) với các món chế biến từ lươn đồng... Tuy nhiên, việc mở quán ban đầu gặp nhiều khó khăn, chỉ lấy công làm lời, doanh thu hàng tháng vừa đủ chi tiêu trong gia đình và trả cho nhân viên.
|
Quán mở cửa từ 18 - 22 giờ là nghỉ, thời gian buổi sáng còn dư ra rất nhiều, anh Viên đã bàn với vợ bán thêm món cháo - miến lươn vào buổi sáng, phục vụ thực khách.
Nói là làm, hai vợ chồng anh thay đổi thói quen, buổi sáng thức dậy rất sớm chuẩn bị nguyên liệu bán cháo - miến lươn. Do có được bí quyết gia truyền từ gia đình, cùng tinh thần ham học hỏi, anh đã chế biến được món ăn với hương vị độc đáo, được nhiều người ở Sài Gòn chấp nhận. Thực khách không ngừng tăng lên từng ngày và phát triển đến nay.
Anh Lê Doãn Viên chia sẻ, món cháo - miến lươn là món gia truyền của nhà anh từ thời bao cấp. Chế biến thành công các món từ lươn rất khó vì con vật này khó xử lý, vừa nhớt và có mùi tanh, thịt bở. Để khử tanh, làm thịt lươn dai và có mùi thơm phải trải qua rất nhiều công đoạn.
“Qua một thời gian chế biến thì tôi mới nghiên cứu tìm tòi, cũng như học hỏi phương pháp chế biến lươn của ông bà từ xưa mới tạo được bí quyết riêng, biến tấu món ăn để khách chấp nhận. Để mang đến một tô cháo hoặc miến lươn đậm đà, tôi đặt mua lươn đánh bắt tự nhiên ở vùng quê Nghệ An và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Sợi miến cũng được chuyển từ quê, để đúng điệu món đặc sản vùng miền không thể lẫn lộn”, anh Viên chia sẻ.
|
Lãi 300 triệu đồng/tháng nhờ món lươn
Khi thưởng thức món từ lươn tại quán anh Viên, thực khách được "khuyến mãi" thêm một chén nghệ tươi xay nhỏ, rổ rau xanh mướt gồm rau đắng, tía tô, rau kinh giới, rau răm, ngò gai, ngò rí, húng quế, húng cây...
Khi ăn, trước tiên khách sẽ cho chén nghệ tươi xay vào tô trộn đều, sau đó lặt những loại rau xanh nêu trên cho vào tô, vắt thêm lát chanh, cộng thêm trái ớt xanh... Vậy là có ngay món đặc sản xứ Nghệ trên đất Sài Gòn một cách ngon lành, đậm vị, thơm cay.
Muỗng cháo lươn vừa chạm vào miệng đã dậy mùi rất thơm, thịt lươn không tanh, rất đầm vị.
Trao đổi với chúng tôi, anh Viên cho biết trung bình một ngày anh bán khoảng 70kg lươn thịt, khoảng hơn 800 tô/buổi sáng. Vào các ngày cuối tuần, thực khách khi đến quán phải xếp hàng chờ vì quá đông. Tính ra tổng thu nhập một tháng từ bán cháo - miến lươn, gia đình anh thu về khoảng 900 triệu đồng, trừ tất cả chi phí anh lãi gần 300 triệu đồng/tháng.
|
Hiện mỗi tháng, anh phải thuê hơn 10 nhân viên làm việc liên tục các ngày trong tuần, trả lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhờ phát triển món ăn quê hương, anh đã xây được căn nhà "5 tấm", sắm ô tô cùng nhiều căn nhà xây lên cho thuê khác trên địa bàn TP.HCM.
“Mình làm gì cũng vậy, phải có cái tâm thì mới thành công được. Món ăn chế biến phải ngon, hợp vệ sinh và đảm bảo chất lượng, giá phải chăng cho người thưởng thức thì mới thu hút được khách. Món ăn từ quê hương đã cho tôi tất cả mọi thứ, tôi sẽ luôn giữ gìn và phát triển hơn nữa để giữ được nghề gia truyền”, anh Viên chia sẻ.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)