Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: Bế tắc ở Sài Gòn, về quê cũng không xong

15/03/2021 12:23 GMT+7

Vì dịch Covid-19 , vợ chồng anh Tâm đều thất nghiệp. Cuộc sống đã khổ nay lại rơi vào bế tắc. Nhịn ăn, vay mượn khắp nơi cầm cự tiền trọ, đóng học cho con, đi xin việc mấy tháng trời không được, biết về đâu bây giờ?

Ngày mới đùm túm nhau lập nghiệp ở Sài Gòn, anh Phan Chí Tâm (46 tuổi, quê Tây Ninh) và chị Nguyễn Thị Thản (44 tuổi, quê Phú Thọ) gặp nhiều khó khăn, nhưng khi ấy vẫn có thể xoay trở được. Giờ sau 11 năm làm công nhân, nay mất việc, anh chị không biết xoay chuyển bằng cách nào. 7 tháng ròng thất nghiệp cũng là 7 tháng vợ chồng đi xin việc khắp nơi, mà đi đâu cũng bị chê già, không nhận.

“Giờ ai mà tuyển lao động trên 40 tuổi nữa”

Tháng 5.2020, công ty thông báo giải thể, mọi người nghỉ việc khiến chị Thản suy sụp, vì đây là công việc giúp chị bám trụ tại Sài Gòn suốt 11 năm qua. Tiếc nuối, chị đi khắp các công ty tuyển lao động phổ thông để xin việc mới, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Thất nghiệp, áp lực tài chính khiến anh chị phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu

Ảnh: Vũ Phượng

Chị Thản kể: “Nơi thì kêu dịch cắt giảm không tuyển thêm, nơi thì chê nhiều tuổi rồi. Giờ người ta tuyển lao động dưới 25 tuổi, chứ như tôi 44 tuổi rồi, sao mà làm năng suất như mấy em trẻ vậy được. Đành chịu, cứ đi hỏi từ ngày này qua ngày khác vậy thôi”.

Chị Nguyễn Thị Thản tâm sự về những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh

Để cầm cự qua ngày, ai thuê gì chị làm đó, từ giúp việc nhà đến đóng gói quà Tết, công việc cực nhọc đứng suốt 12 tiếng đóng bao bì mì gói chị cũng nhận. Nhưng mỗi việc chỉ làm được 2 - 3 ngày, rồi lại nghỉ vì hết việc.
Anh Tâm chồng chị, vốn là thợ hồ nhưng gặp mùa dịch, ít công trình hơn, thu nhập ngày có ngày không, anh cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, rồi làm thợ đụng, đụng gì làm đó, ai thuê gì làm đó, miễn là lương thiện và kiếm ra đồng tiền.

Tiền nhà, tiền học cho con là những khoản dù có nghèo đến mấy cũng phải vay mượn để lo liệu

Ảnh: Vũ Phượng

“Ngày nào hai vợ chồng cũng hỏi khắp nơi xem có chỗ nào đang cần người làm không, được ngày nào hay ngày đó. Chứ giờ ai mà tuyển lao động trên 40 tuổi nữa, việc gì mình cũng làm được, cực khổ mấy mình cũng làm được nhưng mà không có việc để làm. Đêm đến lo tiền học cho con, tiền nhà trọ mà không sao chợp mắt được, chưa bao giờ thấy bế tắc, áp lực tiền bạc đến như vậy”, anh Tâm chia sẻ.

Không một đồng trong túi

Căn phòng trọ vỏn vẹn 8m2 của anh chị nóng hầm hập, chỉ vừa kê đủ chiếc giường, chiếc ti vi đời cũ được hàng xóm cho, quần áo treo lơ lửng trên đầu càng làm không gian thêm ngột ngạt, bếp cũng phải mang ra khoảnh sân ẩm thấp để đun nấu. Trên 4 bức tường ẩm mốc là chi chít chữ viết của con gái.

Có hôm anh Tâm được bạn cho mượn app chạy xe ôm công nghệ, nhưng tới đón khách thấy xe nát quá, khách lại hủy chuyến từ chối đi

Ảnh: Vũ Phượng

Chỉ vào chiếc tủ lạnh được hàng xóm đứng tên mua trả góp giúp vài năm trước, chị Thản nói, 11 năm ở Sài Gòn đây là tài sản lớn nhất trong nhà. Hàng xóm biết vợ chồng anh thất nghiệp nên thường nấu đồ ăn dư một chút mang sang cho, nhờ vậy, anh chị bám trụ được sau 7 tháng trời công ăn việc làm không có.
Mất việc, nhưng tiền nhà trọ và tiền học của con gái vẫn ngót nghét 5 triệu mỗi tháng. Tiền rau cỏ qua ngày anh chị mua thiếu của những tiệm gần nhà, còn tiệm gạo ở xa phòng trọ nên bắt buộc phải trả tiền, không nợ được. Anh chị lại phải vay chỗ này, đắp chỗ khác. Ngày nào có việc làm có tiền thì lo trả nợ để hôm sau còn mượn tiếp. Cũng may, còn nhiều anh em bạn bè và xóm giềng thương tình…

Khoảnh sân được tận dụng làm bếp

Ảnh: Vũ Phượng

Vì không có tiền, anh chị cắt luôn phần ăn sáng của bản thân, mỗi bữa cơm chỉ có món xào và món canh lõng bõng nước. Chị Thản bộc bạch: “Vợ chồng ăn sao cũng được nhưng cũng phải ráng cho con có quả trứng hoặc tí thịt cho cháu có sức học, chứ ăn rau không sao nó chịu nổi”.
Áp lực tiền bạc khiến vợ chồng anh nhiều đêm thức trắng, ăn uống lại thất thường nên sức khỏe tụt đi trông thấy. Cách đây vài hôm, anh Tâm còn bị thiếu máu lên não lăn đùng ra xỉu, chị Thản phải tức tốc mượn tiền hàng xóm đưa anh đi cấp cứu, mua thuốc. Chỉ vào hộp thuốc ghi chữ loằng ngoằng, chị Thản nói “tiền mượn này vẫn chưa trả được”.

Cô hàng xóm vừa cho vợ chồng anh mượn 500 ngàn đồng để mua gạo khi biết trong túi hai vợ chồng không còn một đồng

Ảnh: Vũ Phượng

Bữa cơm canh lõng bõng nước

Ảnh: Vũ Phượng

“Khi nhà trường gửi giấy báo đóng tiền học cho con là sốt ruột lắm, không sao ngủ được, không biết cách nào để mai có tiền đóng học cho con, xong phải nghĩ mai mượn ông A hay ông B. Đời mình đã thất học, đã dốt rồi nên con mình mà dốt nữa thì tội cho nó. Phải cho nó cái chữ để sau này có công việc gì đó bớt khổ mà làm kiếm sống”, anh Tâm kể.
Suốt nửa năm qua, anh Tâm đã trải qua nhiều công việc, từ bốc vác, đào đất, đào móng, khiêng sắt… việc gì ra tiền anh cũng làm. Có hôm anh được người quen cho mượn app chạy xe ôm công nghệ, mà tới đón khách thấy chiếc xe nát quá rồi nên người ta cũng hủy hết chuyến. Hết cách, anh chạy lòng vòng kiếm công trình đang xây dựng để tìm việc. Nhưng cũng chỉ được vài hôm thì hết việc, anh lại thất nghiệp. Anh tiếp tục gọi điện thoại, chạy xe đi tìm việc.

Tìm lối thoát cho mình mà tìm hoài chưa thoát được

Đã 10 năm rồi, vợ chồng anh chị không về quê vợ ăn Tết, cũng đã 3 năm không về quê nội dù chỉ cách Sài Gòn chưa tới 100km. Kể tới chuyện này, chị Thản sụt sùi: “Nhớ những cái Tết ở quê lắm, nhưng tiền đâu mà về. Ở lại đây cũng không sắm sửa gì, năm nào có tiền mới mua một hai gói bánh thắp nhang, vợ chồng con cái ăn. Nghĩ mà tủi thân muốn khóc, nhưng cuộc sống cứ vậy trôi qua thôi”.

Số thuốc được hàng xóm cho mượn tiền mua hôm vừa đi cấp cứu về, tới nay anh chị cũng chưa có tiền để trả

Ảnh: Vũ Phượng

Suy nghĩ nhiều, nhưng càng suy nghĩ càng không thể tìm được lối thoát cho mình

Ảnh: Vũ Phượng

Anh Tâm cũng cho biết, cứ Tết đến, anh em ruột lại gọi điện thoại hối anh đưa cả gia đình về quê ăn Tết, nhưng anh cứ khất từ năm này qua năm khác, chỉ vì nghèo quá. Mấy anh em có công việc lên Sài Gòn, ghé thăm phòng trọ của anh đều không khỏi xót xa khuyên anh về quê, mà anh chỉ cười lắc đầu.
“Có nhà đất ở quê thì cũng ráng về rồi, giờ về lại đi ở nhờ nhà anh em ruột, sợ lúc vui không sao, lúc xích mích thì anh em to tiếng không hay. Em mình đó nhưng còn em dâu, rồi vợ con mình nữa. Giờ mình là anh lớn mình ra ngoài ráng bươn chải, tìm lối thoát cho mình, mà tìm hoài chưa thoát được. Về cũng không được, mà cứ thất nghiệp như thế này hoài chắc chết…”, anh thở dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.