TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Nồi bánh tét 'lạ' trước hẻm phong tỏa dịp tết Đoan Ngọ

14/06/2021 09:27 GMT+7

Trước con hẻm đang bị phong tỏa ở Q.Gò Vấp, TP.HCM bỗng xuất hiện một nồi bánh tét to đùng, mỗi đêm đỏ lửa khiến không ít người tò mò. Nồi nghi ngút khói, từng đòn bánh khiến ai cũng thấy ấm lòng ngày tết Đoan Ngọ .

17 giờ ngày 13.6, ông Nguyễn Hữu Linh (67 tuổi, bảo vệ dân phố) lật đật nhóm lửa, đun một nồi nước sôi “siêu to khổng lồ” phía trước phần hẻm 411 đường Lê Đức Thọ (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Hì hục thêm củi cho lửa cháy to hơn, ông nói lát nữa nồi này sẽ được lấp đầy bằng những đòn bánh tét của một người dân sống gần đó.
Từ ngày 8.6, khi con hẻm này bị phong tỏa tạm thời do có ca nhiễm Covid-19, ông Linh đã làm nhiệm vụ trực chốt tại đây. Mấy ngày qua, ông và những cán bộ ở đây kiêm luôn một công việc mới là canh nồi bánh tét sao cho chín để kịp sáng hôm sau trao cho những người đang bị phong tỏa bên trong.

Chút ấm áp ngày tết Đoan Ngọ

Nồi nước vừa sôi, cũng là lúc bà Huỳnh Thị Bích Vân (47 tuổi) chạy chiếc xe máy chở đầy ắp những đòn bánh tét đến. Thấy bà, ông Linh chạy ra đỡ lấy vài đòn cho đỡ nặng rồi cùng người phụ nữ cho bánh vào nồi. Chưa đầy 5 phút, hơn 60 đòn bánh được xếp gọn vào trong, bà Vân không quên đặt một khúc gỗ lên dằn lại cho nước ngập hết bánh.
Trong lúc ông Linh thêm củi vào cho lửa lớn hơn, bà dặn dò: “Cỡ 8 tiếng là bánh vừa chín, lúc đó anh vớt ra nhen!”. Bảo vệ hỏi lại cho chắc: “8 tiếng hả, ờ về đi để tui canh cho”.

Bà Huỳnh Thị Bích Vân (47 tuổi) cùng ông Linh cho bánh vào nồi nước nghi ngút khói

ẢNH: CAO AN BIÊN

17 giờ, ông Linh lật đật nhóm lửa, đun một nồi nước sôi “siêu to khổng lồ” phía trước phần hẻm 411 đường Lê Đức Thọ (P.17, Q.Gò Vấp) đang bị phong tỏa 

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hỏi cán bộ trực chốt tôi mới biết người phụ nữ này là “trưởng ban tổ chức” của chuyện nấu bánh. Cười tít mắt sau lớp khẩu trang, bà Vân nói mình nảy ra ý tưởng gói bánh tét tặng cho những người bên trong khu vực cách ly vài ngày, sau khi con hẻm bị phong tỏa. Dù hiện tại nhà ở ngoài con hẻm này nhưng có khoảng thời gian bà sống trong hẻm này, nhiều người bên trong là hàng xóm cũ của mình.
“Tôi lạ gì ở đây nữa, tôi biết người ở đây không phải nghèo khó gì nhưng mà tết Đoan Ngọ cận kề thì mình cũng muốn làm gì đó cho hàng xóm của mình. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tôi cũng mong họ có món mới ăn cho đổi vị vào những ngày cách ly này, dù ít nhưng ấm lòng”, bà tâm sự.

[VIDEO] Gia đình người Hoa làm bánh bá trạng ăn Tết Đoan Ngọ

Chỉ vào nồi bánh đang sôi sùng sục, bà nói từ ngày 11.6 đến nay, mình cùng con gái và một người quen đã gói được gần 120 đòn bánh. Sáng 12.6 đã phát được 60 đòn, nhưng vẫn còn thiếu nhiều nên bà Vân vẫn tiếp tục gói.
Để có được bánh thành phẩm, buổi sáng bà phải đi chợ từ sớm để lựa chọn được nguyên liệu ngon, về nhà từ sáng tới chiều để gói cho đủ “chỉ tiêu” đặt ra. Toàn bộ chi phí do bà Vân tự chi trả. Bà cũng là người mang nồi đến nhờ các cán bộ trực chốt coi lửa luộc bánh giúp.
“Người Gò Vấp, người Sài Gòn mình có gì ngoài nghĩa tình đâu. Của ít lòng nhiều, đó cũng là việc mình cần làm vào thời điểm này mà. Mai tôi sẽ tiếp tục gói, nhưng chắc vài ngày nữa thì ngưng chứ ăn hoài một món thì chán lắm. Đi chợ mà thấy gì ngon chắc tôi cũng mua thêm ủng hộ cư dân ở đây”, bà Vân nói rồi vội vã về nhà.

Chị Vân chạy chiếc xe máy chở đầy ắp những đòn bánh tét vừa gói đến

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hơn 60 đòn bánh tét nhân đậu và nhân thịt được chị Vân gói cẩn thận

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Linh cho biết từ lúc người này mang nồi bánh tới, các cán bộ trực chốt cũng huy động thêm củi để nấu bánh. “Mình giúp được người ta bao nhiêu thì giúp, nhưng vẫn phải làm tốt cái nhiệm vụ, trách nhiệm của mình là trực chốt. Tôi cũng muốn góp một chút công sức để mọi người có một cái tết Đoan Ngọ đủ đầy nhất có thể”, ông Linh tâm sự.

“Cách ly, mà hổng thiếu thứ gì”

Cùng ngồi canh nồi bánh với cán bộ trực chốt ở đây trong đêm, tôi lại càng thấm thía cái cách nói: “Người Sài Gòn có gì ngoài nghĩa tình đâu” của bà Vân. Vài ngày trước con hẻm bị phong tỏa, cảm giác sợ hãi lúc đầu là không tránh khỏi. Nhưng trong hoạn nạn, người dân ở đây lại càng đùm bọc lẫn nhau.
Nồi bánh rực lửa, nhiều người dân đeo kín khẩu trang đứng phía trước cửa nhà mình nhìn ra rồi tâm sự vài câu chuyện, động viên nhau vượt qua thời điểm này. Chốc chốc có người lại nói: “Mong sao ai cũng âm tính hết”. Bên trong hàng rào có dòng chữ: “Khu vực cách ly tạm thời” là hai cái bàn ghép đôi với đầy những rau củ quả, bánh mì cho những người cần.

“Người Gò Vấp, người Sài Gòn mình có gì ngoài nghĩa tình đâu. Của ít lòng nhiều, đó cũng là việc mình cần làm vào thời điểm này mà”, chị Vân bộc bạch

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Mình giúp được người ta bao nhiêu thì giúp, nhưng vẫn phải làm tốt cái nhiệm vụ, trách nhiệm của mình là trực chốt”, ông Linh tâm sự

ẢNH: CAO AN BIÊN

Tôi đứng từ xa hỏi vọng vào trong: “Mấy cái này từ đâu mà có vậy cô chú?”, bà Thủy (57 tuổi) đang xếp những ổ bánh mì để ngay ngắn trên bàn trả lời: “Bên phường hỗ trợ đó con. Còn bánh mì là do ông Hải tài trợ cho cả xóm, mỗi người 2 cái”, bà nói rồi chỉ vào người đàn ông đứng cách đó không xa.
“Chú Hải ơi, sao chú tài trợ bánh mì cho người dân xóm mình?”, được hỏi, ông Hải trả lời: “Đừng có chụp hình tôi nha, tôi không muốn lên hình đâu. Việc này bình thường thôi chứ có gì đâu, nên làm mà”. Bà Thủy kể rằng phường cũng mong muốn tuyên dương những tấm gương tốt như ông Hải trong mùa dịch, nhưng ông nhất quyết từ chối.
Trời tối, ai lại vào nhà nấy, chỉ còn lực lượng trực chốt miệt mài với công việc. Lâu lâu, gương mặt họ lại ửng hồng theo bóng ngọn lửa bập bùng trước mặt. Ông Hờn (53 tuổi) chạy chiếc xe máy chở đầy cơm tiến đến trước khu vực phong tỏa, ông Linh cất giọng: “Cơm cứu trợ tới rồi!”, rồi nhanh chóng lấy để lên bàn.

Bà Thủy (57 tuổi) đang xếp những ổ bánh mì trong thùng ra bàn, chuẩn bị phát cho những người trong hẻm

ẢNH: CAO AN BIÊN

Người dân hẻm động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn này

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Hờn chở cơm hỗ trợ cho những người trong hẻm

ẢNH: CAO AN BIÊN

Người dân trong khu phong tỏa lần lượt đến nhận bánh tét, ai cũng thấy ấm lòng

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Cái này dành cho mấy đứa sinh viên bên trong, tụi nó giờ chắc cũng khó”, bảo vệ dân phố nói với tôi. Ông Hờn nói mình chỉ là người giao cơm cho một nhóm bạn trẻ ở P.5, Q.Gò Vấp. Mỗi ngày họ nấu rồi nhờ những người như ông chạy đến các khu phong tỏa để giao.
“Tôi giao miễn phí, ngày cả trăm phần. Có gì lớn lao đâu, giúp người thì sau này người giúp mình”, ông cười rồi nhanh chóng chạy xe đi.
Trong lúc một cán bộ dân quân tiếp tục thêm củi cho nồi bánh tét, một người phụ nữ gần đó lại hỏi: “Mấy chú uống gì không tôi pha cho”. Như đã thân thuộc từ lâu, một anh công an nói: “Cho em ly cà phê đen không đường”. Người này về nhà, mang 3 ly cà phê ra cho 3 người trực chốt kèm theo lời chúc: “Mọi người giữ sức khỏe nhen!”.
Một cán bộ nói: “Ở đây phong tỏa, nhưng không thiếu thứ gì, đong đầy như tình người Sài Gòn vậy”. Ly cà phê đen đá tan chậm như thao thức cùng họ đêm nay, nồi bánh tét cũng chờ được chín để tới tay những người dân kịp tết Đoan Ngọ...

Giữa dịch Covid-19: Nấu bánh ú tro tết Đoan Ngọ từ sáng đến tối vẫn không đủ hàng giao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.