TP.HCM cho phép quán ăn bán mang về: 'Mừng lắm, mai hỏi phường ngay để mở cửa'

08/09/2021 22:23 GMT+7

Từ hôm nay (8.9), TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang về. Nhiều chủ quán rục rịch mở cửa trở lại, tuy nhiên cũng có người quyết định chưa bán lại ngay.

Theo đó, từ ngày 8.9 TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về.
Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”

CAO AN BIÊN

“Bất ngờ, mai làm thủ tục để mở bán”

Ông Ngô Đông Hải (44 tuổi) dự định khai trương quán cơm, phở trên đường Lương Định Của (TP Thủ Đức, TP.HCM) ngày 4.7, tuy nhiên vì dịch Covid-19 nên đành hoãn lại. Suốt những tháng qua, quán ăn của ông được dùng làm nơi nấu cơm thiện nguyện hỗ trợ cho bệnh viện dã chiến và những người khó khăn trên địa bàn.
Khi biết tin từ ngày 8.9, quán ăn có giấy phép kinh doanh được mở bán mang về, ông cho biết ông vừa bất ngờ vừa vui. Tuy nhiên, do chưa nắm hết thông tin nên ông cũng có phần lo lắng.

Bún bò, cơm tấm, gà rán Sài Gòn... vẫn im lìm ngày đầu được bán mang về

Quán ăn của ông Ngô Đông Hải ở TP Thủ Đức chưa kịp khai trương thì dịch ập đến... Ông nói ngày mai ông sẽ làm các thủ tục để có thể mở bán mang về.

CAO AN BIÊN

Nhiều chủ quán vừa mừng vừa lo về vấn đề nguồn cung nguyên liệu, xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên khi bán trở lại.

CAO AN BIÊN

“Sáng mai, tôi sẽ liên hệ với phường hỏi về các thủ tục để có thể mở bán lại, tôi mong ngày này cũng lâu lắm rồi vì đam mê của tôi là nấu nướng, cũng mong là những phần cơm, tô phở do gia đình tôi tâm huyết làm được đến với nhiều người. Song song với việc bán cơm, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nấu cơm phục vụ cho công tác chống dịch, cho những người khó khăn như nhiều tháng qua”, ông Hải chia sẻ.
Theo chủ quán này, việc mở bán vào thời điểm hiện tại có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về nguồn cung nguyên liệu và cũng như cách thức để có thể mở bán, tuy nhiên ông sẽ tuân thủ tốt các quy định phòng chống dịch nếu có thể mở bán vào lúc này.
“Việc xét nghiệm cho nhân viên với tôi không quá khó đâu, không quá quan trọng về vấn đề chi phí, chỉ cần ai cũng an toàn, không bị nhiễm bệnh là được”, ông nói thêm.

Bản tin Covid-19 ngày 8.9: Cả nước 12.680 ca nhiễm mới | Nỗi lo gánh nặng y tế hậu đại dịch Covid-19

“Thôi đợi hết dịch”

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Liên (57 tuổi) - chủ của một quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Văn Lịch, P.Linh Tây, TP Thủ Đức lại quyết định chưa mở cửa trở lại. Bà kể từ giữa tháng 6, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà tạm ngừng bán vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Nhiều người cho biết "thèm" được ăn đồ ăn ở quán sau thời gian dài phải tự nấu ăn.

CAO AN BIÊN

“Thực lòng, tôi rất muốn bán lại vào lúc này, phần nhớ nghề, phần nhớ khách. Nhưng ngay trước đường có một cái chốt chặn ngang, ra vào không được. Bản thân tôi muốn đi mua thực phẩm dùng trong nhà còn khó, nói gì tới việc buôn bán”, bà bộc bạch.
Theo bà, thời điểm này tìm được nguồn cung nguyên liệu rất khó khi chợ đóng cửa, các mối quen của mình đều không thể tiếp tục công việc kinh doanh. Bà nói để nấu được một tô hủ tiếu ngon, bà chọn nguyên liệu rất khắt khe nên không có nguyên liệu ưng ý, bà cũng không thể bán.

Bà Liên - chủ một quán hủ tiếu nổi tiếng ở TP Thủ Đức cho biết khi nào hết dịch bà sẽ bán trở lại.

CAO AN BIÊN

“Bán mà làm được cho khách phần hủ tiếu vừa ý thì tôi mới bán, tính tôi đó giờ vậy rồi. Nhờ số tiền tích cóp được, tôi cũng có thể sống ổn qua lúc này, chờ hết dịch rồi bán lại”, bà nói.
Tương tự, bà Hồng Hà (56 tuổi) - chủ một quán ăn vặt ở TP Thủ Đức cũng cho biết bà "mừng hụt” khi nghe thông tin trên vì quán của bà “giống như hàng rong, chưa có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh”.
“Nghỉ bán từ ngày 9.7, không có khách, không có thu nhập nên muốn bán lại lắm rồi. Mấy tháng qua đóng tiền trọ, rồi đủ các chi phí, có đồng ra mà không có đồng vô, chán lắm. Mong là sớm được bán lại”, bà Hà nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.