Trải lòng của bác sĩ đối mặt Covid-19 suốt mùa dịch: Về nhà không dám ôm con

Thanh Hương
Thanh Hương
27/02/2020 12:38 GMT+7

“Dù đã mang đồ phòng hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng nhiều bạn khi về đến nhà cũng không dám ôm con, hôn con dù rất nhớ", Phó Trưởng Khoa bệnh Nhiệt Đới (BV Chợ Rẫy) kể về những người trên tuyến đầu chống Covid-19.

Dù biết khi tiếp xúc với những bệnh nhân bị viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra sẽ có nguy cơ lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân và gia đình, nhưng với tinh thần trách nhiệm của một lương y, đội ngũ y bác sĩ đã vượt qua tất cả để tận tâm cứu chữa giúp bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Đón Tết trong những bộ đồ bảo hộ

Các y bác sĩ tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) căng mình trong cuộc chiến chống Covid-19 và đổi lại là thành quả ngọt ngào khi những bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.
Trước đó, hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm Covid-19 nhập viện đúng vào ngày 28 Tết. Khi đó, những kế hoạch nghỉ Tết hiếm hoi cùng gia đình của các bác sĩ đã được lên lịch sẵn đều phải hủy bỏ. Tất cả 30 người trong Khoa Bệnh Nhiệt đới bắt đầu cuộc chạy đua để cứu chữa cho bệnh nhân từ việc di dời người bệnh, chuẩn bị phòng cách ly đến các phương án điều trị.

Dù phải trải qua nhiều khó khăn, thiệt thòi khi đón Tết cùng bệnh nhân trong những bộ đồ bảo hộ nhưng các y, bác sĩ đã động viên nhau cùng cố gắng

Ảnh: Thanh Hương

Nhắc lại khoảng thời gian túc trực tại bệnh viện để đồng hành cùng bệnh nhân, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (Phó Trưởng Khoa bệnh Nhiệt Đới) cho biết, thời gian đầu khi bệnh nhân mới nhập viện, chị và các đồng nghiệp khá lo lắng vì đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh ở Việt Nam, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa biết chính xác các đường lây lan của virus.
Vì thế, các nhân viên y tế tại đây sau mỗi buổi trực tại bệnh viện, trước khi về nhà dù đã làm nhiều biện pháp sát khuẩn, vệ sinh mũi miệng nhưng vẫn không dám ôm con.
“Mặc dù đã mang đồ phòng hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng nhiều bạn khi về đến nhà cũng không dám ôm con, hôn con dù rất nhớ. Có bạn thì vợ có bầu thì cũng rất lo. Phải tự cách ly chính mình với gia đình. Tại vì mình bệnh thì không sao. Nhưng mà vợ con hoặc là ba mẹ mình bệnh thì đúng là giống như tội của mình vậy đó”, bác sĩ Anh Thơ cho hay.

Bác sĩ Chợ Rẫy hướng dẫn cách đeo khẩu trang y tế chuẩn để phòng virus corona

Còn điều dưỡng Trần Thị Hải vẫn chưa thể quên được cảm giác nóng nực, khó chịu khi phải mang những bộ quần áo bảo hộ để chăm sóc bệnh nhân. Chị Hải cho biết, quần áo bảo hộ khá nặng và phải mặc kín mít từ chân lên đến đầu trong thời gian dài chăm sóc bệnh nhân nên rất nóng nực và bất tiện.
Bên cạnh đó, thời gian mới nhập viện và phải cách ly, tâm lý của các bệnh nhân không ổn định, nhiều khi khó chịu với nhân viên y tế. Vì vậy, các y bác sĩ tại đây phải vừa điều trị bệnh vừa điều trị tâm lý, thậm chí... dỗ dành để bệnh nhân vững tinh thần.
“Đặc biệt là trong những ngày Tết Nguyên đán, mình cũng tặng quà, lì xì và bánh kẹo để bệnh nhân đỡ tủi, có tinh thần chiến đấu với bệnh”, chị Hải cho hay.

'Chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi' 

Những cố gắng không biết mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ được đền đáp. Hai bệnh nhân người Trung Quốc khỏi dịch Covid-19 và gửi những lời cảm ơn từ tận đáy lòng dành cho các lương y đã tận tình chăm sóc họ.
“Chính các bác sĩ và điều dưỡng Việt Nam điều trị bằng tất cả tâm sức, cuối cùng đã chữa khỏi bệnh cho chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng chính lòng tốt của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi”, thư cảm của của bệnh nhân người Trung Quốc viết gửi các bác sĩ.
Thời khắc bệnh nhân cầm tờ giấy ra viện không chỉ là niềm vui của thân nhân người bệnh mà còn là niềm hạnh phúc, cảm xúc vỡ òa của đội ngũ nhân viên y tế.

Cả gia đình người Trung Quốc đoàn tụ ngày xuất viện

Ảnh: Thanh Hương

“Thực sự rất là vui khi tất cả các bệnh nhân đều khỏe. Đó là niềm vui như được giải phóng khỏi cái áp lực, vui khi những cố gắng của bệnh viện đã được đền đáp bằng việc bệnh nhân khỏi bệnh”, bác sĩ Thơ nói.
Điều dưỡng Hải vẫn không quên những cái nắm tay thật chặt, những lời cảm ơn rối rít của cha con bệnh nhân người Trung Quốc.
“Họ thật sự vui và hạnh phúc khi được điều trị hết bệnh. Khi được xuất viện, họ nắm tay chúng tôi thật chặt và liên tục nói những lời cảm ơn. Không chỉ cảm ơn đội ngũ y bác sĩ mà cảm ơn Việt Nam, đó là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi sau quá trình điều trị cho bệnh nhân”, điều dưỡng Hải tâm sự. 

Học sinh sắp đi học lại? Covid-19 bùng phát ở châu ÂU | Bản tin về virus corona ngày 26.2.2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.