Ông N.V.V là một trong 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi và ra viện. Khi mang trong mình virus SARS-CoV-2 đã giết chết hàng nghìn người ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), điều khiến tâm lý ông N.V.V (50 tuổi, ngụ thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi, huyên Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hoảng loạn nhất lại là việc người nhiễm dịch Covi-19 bị kỳ thị, xa lánh.
"Cảm sốt thông thường còn mệt người hơn nhiễm dịch Covid-19"
Chúng tôi tìm về nhà ông V. sau 3 ngày bệnh nhân này rời khu cách ly ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trở về nhà. Còn chịu điều tiếng khi nhiễm dịch Covid-19, ông V. từ chối mọi cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với người lạ. Sau nhiều lần điện thoại bất thành, chúng tôi phải nhờ các bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông V. kết nối mới có thể gặp ông tại nhà riêng ở thôn Ái Văn, từng là tâm dịch Covid-19 của xã Sơn Lôi.
Nhưng khi đến nơi, ông vẫn V. còn lưỡng lự và miễn cưỡng đón khách với điều kiện “chỉ vào chơi nói chuyện thôi, không chia sẻ gì về bệnh nữa” trước khi tháo chốt mở cổng đưa chúng tôi vào căn nhà khang trang của gia đình.
Ông V. là bệnh nhân số 16 tại Việt Nam nhiễm dịch Covid-19, do lây nhiễm virus từ con gái N.T.D, trong nhóm 8 người Việt Nam trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây cũng là tâm dịch Covid-19 lớn nhất và có nhiều người chết nhất ở Trung Quốc đại lục. Ông V. là người cuối cùng trong gia đình nhiễm dịch Covid-19, trước đó là 2 con gái và vợ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông V. vẫn nhớ rành rọt: “Tôi được đưa đi cách ly ngày 10.2 ở Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó 2 đêm, chiều 12.2, có xe đón tôi đưa về Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà. Đến ngày 13.3 thì được thông báo dương tính”.
“Ở thời điểm ấy, tôi cũng bất an, hoảng loạn. Sợ chứ, bệnh thì mới, chưa có thuốc điều trị, trong khi mình là trụ cột gia đình. Ngoài 4 người trong nhà thì cháu gái đến chơi cũng bị nhiễm dịch. Tôi lo lắng vì mình có thể truyền bệnh cho những người gặp gỡ, tiếp xúc trước đó”, ông V. kể lại. Nhưng khi được bác sĩ động viên, giải thích và vui nhất là con gái được chữa khỏi bệnh, ông V. bình tâm trở lại, tích cực hợp tác với bác sĩ điều trị.
Tính từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, ông V. đã trải qua 13 ngày điều trị để loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể. Theo ông V., thời điểm “căng nhất” là khoảng 2 - 3 ngày đầu tiên. “Tôi bị ho khúc khắc vào ban đêm, khi nói nhiều thì thấy khó chịu ở lồng ngực, còn sốt thì không”, ông V. nói.
|
Dù ông V. cảm nhận sức khoẻ bình thường nhưng ở bên ngoài, bác sĩ vẫn túc trực 24/24 giờ, mọi diễn biến sức khoẻ đều được thăm khám, theo dõi chi tiết. Dần dần, những tiếng ho và cảm giác khó chịu ở lồng ngực qua đi, ông V. gần như không có bất cứ dấu hiệu nào khác thường. Thuốc điều trị chỉ toàn là thuốc bổ để giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
"Mấy người bạn bộ đội cứ điện thoại hỏi thăm vào đấy người ta tiêm chích gì, cho thuốc gì mà khỏi được. Mình cứ nói thực tế, chả có thuốc gì nhiều cả, toàn thuốc bổ, nói ra thế thì nhiều người cứ không tin. Thực ra thì bị cảm, ốm sốt thông thường người còn nhọc mệt hơn là khi nhiễm dịch Covid-19", ông V. nói.
Hoảng loạn tâm lý vì dư luận kỳ thị
Gần 1 tháng vừa cách ly tập trung và điều trị bệnh Covid-19, ông V. nhớ nhất những ngày đầu tiên khi con gái dương tính với virus SARS-CoV-2, tiếp đến là vợ và con gái thứ hai nhiễm dịch. Áp lực, sự kỳ thị của xã hội với người nhiễm Covid-19 cứ thế gia tăng khiến ông V. không còn giữ được bình tĩnh.
“Người Vĩnh Phúc dạo ấy đến nhục, tôi đọc tin mới biết đi đến đâu, người quê mình cũng bị xa lánh, kỳ thị mà Sơn Lôi chúng tôi là tâm dịch lớn nhất cả nước”, ông V. kể lại cảm xúc.
Đôi mắt nhìn xa xăm khi kể về những ngày điều trị Covid-19, ông V. cho rằng, qua dịch bệnh này mới biết tình người ấm áp đã đến từ những người hàng xóm và các y, bác sĩ trực tiếp điều trị, chăm sóc cho gia đình mình.
Gần 1 tháng trong viện, nhà ông V. ngày nào cũng được quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Đàn vật nuôi, từ con chó, chim cu gáy đến bò, đàn gà trong chuồng cũng được hàng xóm trông nom, cho ăn uống hàng ngày. "Còn ở viện, dù mình đang có virus nguy hiểm nhưng các bác sĩ, nhân viên y tế túc trực ngày đêm, hết lòng điều trị. Dù hai bên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phòng dịch nhưng các nhân viên tế cư xử với bệnh nhân ân cần. Chiều đến, nhân viên y tế vẫn đá cầu, đánh cầu lông với bệnh nhân", ông V. nói.
Cũng theo ông V. chia sẻ, khi trở về nhà, hàng xóm, người thân ngỏ ý đến thăm nhưng ông chưa muốn gặp ai, để giữ thêm cho mọi người. "Còn các bác sĩ, trước khi ra viện, tôi chỉ có lời cảm ơn suông thôi, nhưng có lời mời họ về thăm nhà. Các bác ấy hứa sẽ về nhà tôi, tôi sẽ chờ để làm một bữa liên hoan”, ông V. vui vẻ nói.
"Thực tế mọi người đã thấy ngành y tế đã chữa 16 ca khỏi rồi, không ai bị làm sao cả. Dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị, nhưng nếu chẳng may nhiễm virus thì mọi người đừng quá lo lắng, hoảng sợ mà hãy cứ bình tĩnh để được đi cách ly, điều trị", ông V. nhắn nhủ.
Bác sĩ điều trị Covid: Đừng hoang mang, hoảng sợ
Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Lưu Thị Xuân, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), cho biết: "Covid-19 là dịch mới, chưa có thuốc điều trị nhưng mọi người không nên quá hoang mang, lo sợ. Các bạn thấy đấy, chúng tôi ở đây (Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà - phóng viên) trong phạm vi nhỏ hẹp, khoảng cách khu bệnh nhân dương tính đến khu nhà nhân viên y tế chỉ 15 m nhưng có 6 bệnh nhân dương tính và gần 50 người nguy cơ cao, song đều được điều trị thành công cả. Anh em cán bộ y tế không một ai mắc bệnh.
Khi nghe chỗ này chỗ kia có bệnh nhân dương tính là những người xung quanh lo sợ, hoảng loạn. Thực tế là không nên hoảng hốt như thế, và cần tuân thủ theo hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế là thường xuyên rửa tay để phòng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một động tác rất nhỏ thôi là khi ho mình lấy tay che miệng thì cũng là phòng bệnh cho bản thân, cho cộng đồng rất nhiều".
|
Bình luận (0)