Vụ ‘cha đánh con nát tay, bắt đi bán vé số’: Đừng đổ tại trẻ hư!

08/05/2021 13:24 GMT+7

Cha mẹ bé H.A - ‘bị cha đánh nát tay, bắt đi bán vé số’ nói đánh tại bé hư. Nhưng chuyên gia tâm lý và pháp lý đều cho rằng, không thể biện lý do trẻ hư rồi đánh đập như vậy, con hư tại ai?

Đoạn clip ghi lại cảnh người cha cầm cây đuổi đánh con khiến bé trai phải vừa chạy vừa kêu “ba ơi”, “mẹ ơi cứu con”, sau đó là hình ảnh bàn tay đầy máu khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Làm việc với công an sau đó, cha mẹ bé nói tại bé hư, nghiện game, trộm tiền cha mẹ nên mới đánh như vậy. Nhưng chuyên gia pháp lý và tâm lý cho rằng cần khởi tố ngay vụ án và cha mẹ cần xem lại cách dạy con.

“Cần khởi tố ngay!”

Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết, cơ quan chức năng cần khởi tố ngay ông T.H.L (37 tuổi) – người cha đánh bé H.A (11 tuổi) như đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội.
LS Nữ cho biết, vì bé H.A chỉ mới 11 tuổi nên việc ông L. đánh bé như vậy dù tỉ lệ thương tật chưa tới 11% cũng cần khởi tố. Trong sự việc này, LS Nữ cho rằng người đứng đầu địa phương cũng phải có trách nhiệm vì ngay khi tiếp nhận thông tin, địa phương không đưa bé L. đi giám định.

Thực hư đoạn phim “cha đánh con nát tay bắt đi bán vé số” ở TP.HCM

Trả lời báo đài sau đó, UBND xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết cả cha và mẹ bé đều thừa nhận đánh con là sai, nhưng giải thích đánh con là vì bé hư, nghiện game, trộm tiền cha mẹ, mượn tiền hàng xóm, bạn bè, lấy cả tiền bán vé số để chơi game.
“Đừng đổ lỗi tại bé hư mà bạo hành và ra đòn roi như vậy, có nhiều phương pháp để dạy trẻ chứ không phải cứ đòn roi là giải quyết được. Bé H.A có "năn nỉ" xin đi bán vé số thì cha mẹ cũng không được phép để con đi bán, như vậy là vi phạm luật trẻ em”, LS Nữ phân tích.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, cha mẹ bé L. đổ tại bé hư nên đánh như vậy là không chấp nhận được, bất cứ hành vi vũ lực nào đối với trẻ em cần phải lên án.

Bà Thúy tại UBND xã Thới Tam Thôn chiều 5.5

Ảnh: Vũ Phượng

LS Thanh nói: “Dùng bạo lực với trẻ thì sau này trẻ lớn lên trẻ sẽ nghĩ rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng bạo lực hết, ảnh hưởng đến xã hội. Xem qua nội dung clip tôi thấy người cha đánh con thẳng tay, như cố ý gây thương tích chứ không phải giơ cao đánh khẽ. Nếu gia đình dùng mọi phương pháp dạy con vẫn không hiệu quả thì có thể gửi bé đến trung tâm giáo dục nào đó để thay đổi môi trường, uốn nắn bé”.
Với nhiều năm tiếp xúc các vụ án liên quan đến trẻ em, LS Thanh chia sẻ, đòn roi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ, khiến các bé bị sang chấn tâm lý, ngại giao thiếp, thu mình lại hoặc hằn sâu vào trí nhớ. Về việc bé H.A đi bán vé số, LS Thanh cho rằng đây là hành vi bóc lột sức lao động trẻ em.

Con hư tại ai?

TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý JobWay đưa ra lời khuyên, trước khi nói một đứa trẻ hư, cha mẹ nên đặt ra câu hỏi và trả lời thật nghiêm túc: “Con hư tại ai?”. Liệu có phần trách nhiệm và nguyên nhân của cha mẹ hay không? Dẫu biết cần có kỷ luật để răn đe những hành vi sai trái nhưng việc dùng đòn roi chỉ để giải tỏa cơn tức giận của chính mình chứ không phải mong muốn con tốt hơn chứng tỏ sự bất lực trong cách thức nuôi dạy con.

Hằng ngày bà Thúy chở con út 2,5 tuổi cùng đi bán vé số

Ảnh: Cao An Biên

“Trẻ có nguy cơ rơi vào sự ám ảnh và sang chấn tâm lý vì vụ bạo hành trước khi nhận ra được lỗi lầm mà mình mắc phải. Dẫu biết cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan nhưng con là tài sản vô giá, là cánh tay nối dài của cha mẹ trong cuộc đời, hãy giáo dục con bằng cái tâm, sự yêu thương, sự hết lòng và kỷ luật tích cực”, TS Hòa An giải thích.
Đồng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cũng cho rằng, dù trẻ ở trong lứa tuổi nào đi nữa thì việc người lớn sử dụng đòn roi để trách phạt các em sẽ để lại nhiều hậu quả. Trước mắt là hậu quả về thể xác, để lại vết bầm, vết xước, có trường hợp nguy cơ về tính mạng trẻ. Hậu quả tiềm ẩn khó thấy là đòn roi để lại trong suy nghĩ, ký ức không bao giờ quên của đứa trẻ.
Thạc sĩ An nêu ý kiến: “Đứa trẻ cảm thấy hận thù cha mẹ, có thể thay đổi về tính khí. Trẻ có thể rụt rè, nhát đi, tự ti, dần thu mình vào trong. Có thể khi gặp phải trường hợp tương tự như tiếng la lớn, đánh mắng trẻ không vượt qua được mà cảm thấy sợ hãi, ảnh hưởng quá trình học tập trên lớp. Trường hợp khác là ký ức về bạo lực sau này có thể bộc phát ra bên ngoài. Khi trẻ làm cha, hành động này có thể được tái diễn như cách mà trẻ từng phải đối diện”.
Theo thạc sĩ tâm lý, khi bị đòn roi có sự chứng kiến của người khác, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti, thậm chí nếu trẻ cá tính còn có thể tuyệt thực, bỏ nhà đi hoặc vùng lên phản ứng.

Bé H.A tại trụ sở công an

Ảnh: CACC

“Chúng ta có trở thành người lớn hoàn hảo đến đâu thì ngay lúc tuổi thơ mình cũng đã từng mắc sai lầm. Con trẻ kinh nghiệm sống không có nên khi vướng vào sai lầm, người lớn phải chỉ ra lỗi lầm giúp trẻ uốn nắn thay đổi. Dùng đòn roi trẻ chỉ sợ lúc bị đòn chứ không sửa sai được vì không nhận ra lỗi sai”, ông An nhận định.
Do vậy, thạc sĩ tâm lý Hoàng An cho rằng, người lớn tuyệt đối không được sử dụng bạo lực để áp chế trẻ. Khi trẻ mắc sai lầm thì cha mẹ phải nhìn lại xem cách giáo dục của mình đúng không, nếp sống trong gia đình, sự quan tâm dành cho con đã đúng chưa…
Liên quan đến vụ việc cha đánh con như clip trên mạng xã hội, trưa ngày 7.5, bà Võ Thị Diễm Thúy (mẹ bé H.A) cho biết, chiều 5.5, sau khi lên làm việc với Công an xã Thới Tam Thôn, ông L. bị tạm giữ để tiếp tục xác minh. "Ngày 6.5, tôi cùng con H.A đến trụ sở viết đơn xin không kiện cáo gì ba nó hết vì không phải ba nó đánh đập hay bắt đi bán vé số", bà Thúy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.