>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 4: Kho vàng hời và cuộc săn lùng dai dẳng
>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 3: Thủy đạo bí mật trong lòng Phật viện
>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 2: Tấm văn bia bị đánh cắp
>> Đồng Dương kỳ bí: Pho tượng bồ tát bị bẻ hoa sen
|
Khu di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương giờ chỉ còn lại mảng tường của một ngọn tháp mà người dân quen gọi là tháp Sáng. Theo nhiều tài liệu, đầu thế kỷ 19, khi người Pháp bắt đầu những cuộc khảo cổ thì nơi đây vẫn còn rất nhiều cổ vật bằng đá.
Săn tượng cổ để bán
Năm 1901, học giả người Pháp Louis Finot đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật được tìm thấy tại Đồng Dương. Trong đó, có cả bức tượng phật Đồng Dương (sau này được công nhận là Bảo vật quốc gia). Một năm sau, H.Parmentier (Pháp) tiếp tục khai quật di tích này, ngoài việc tìm thấy nền kiến trúc chính của khu đền thờ, nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo giới nghiên cứu, những hiện vật chủ yếu là tượng phật với các tư thế đứng, ngồi… được làm bằng đá. Ngoài ra, còn có các tượng động vật.
Những năm 1975, nhiều hiện vật đá vẫn nằm ngổn ngang tại khu Phật viện mặc dù đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Bà Lê Thị Lựu (50 tuổi) cho biết khi còn nhỏ, bà thường ngang qua khu Phật viện và vẫn bắt gặp rất nhiều tượng phật đứng bằng đá (hình thù như tượng Bồ tát Tara). “Thậm chí, vào trong Phật viện, người ta còn nhặt được những hạt đá cổ hình bầu dục, nhiều màu sắc mà có thể đó là những viên đá quý còn sót lại. Sau này, hết đi nhặt đá người ta chuyển sang ăn cắp tượng. Cái thì bị cưa ngang, cái thì sứt mẻ. Dần dần không còn cái nào nữa…”, bà Lựu kể. Cũng theo bà Lựu, hiện trong Phật viện còn những tấm đá lớn, tương truyền dùng để xây tháp sót lại. Nhưng khoảng 20 năm về trước, nhiều người trong làng đã cắt những tảng đá ấy đem bán.
Cụ Trà Tấn Huệ (84 tuổi) kể rằng khi cụ ở tuổi chăn trâu cắt cỏ, mỗi lần vào tháp cổ, cụ và những người bạn đồng trang vẫn rủ nhau đến xem những phiến đá chạm trổ hoa văn rất đẹp. “Tôi nhớ có lần thanh niên địa phương đem một tượng phật ra trưng bày tại dịp cắm trại, tận dưới khu vực quốc lộ 1 ngày nay. Nhưng sau đó, tượng phật cũng biến mất khỏi địa phương”, cụ Huệ bảo. Trong trí nhớ cụ Huệ, vào những năm 40 thế kỷ trước, người Pháp lui tới chở hàng xe cổ vật ra khỏi địa phương, nhất là những tượng phật có hình dáng đẹp. Sau này, nhiều người cả trong lẫn ngoài làng liều lĩnh vào khu Phật viện để trộm tượng đem bán. “Có người cắt đầu tượng, có người cưa nửa tượng, để lại nhiều tượng phật to bị mất đầu trông tội nghiệp lắm”, cụ Huệ xót xa khi lục lại ký ức.
Những cuộc trở về bí ẩn
Nhiều cổ vật bị đánh cắp, thế nhưng một thời gian sau đó cổ vật bất ngờ trở về ngay đúng vị trí cũ khiến người làng Đồng Dương tin vào điều ly kỳ về khu Phật viện này. Câu chuyện đầu tiên liên quan đến bức tượng “ông” voi đang được người tộc Trà (nhánh nhì) lưu giữ tại nhà thờ họ ngày nay. Cụ Huệ cho biết có nhiều bức tượng lớn hơn tượng “ông” voi gấp nhiều lần thế nhưng không thể trụ lại Đồng Dương bởi nạn trộm cắp. Riêng tượng voi dù bị trộm dòm ngó và đã nhiều lần bị đưa ra khỏi địa phương nhưng đều bất thành. “Vào những năm 90 thế kỷ trước, bức tượng đã bị một nhóm trộm đưa đi. Thế nhưng đêm hôm đó, như có linh tính mách bảo, người làng chúng tôi đến khu Phật viện và chặn đứng cuộc tẩu tán”, cụ Huệ nhớ lại.
Vì lo lắng bức tượng cổ để giữa hoang hóa sẽ bị lấy cắp lần nữa nên vào năm 1993, trai tráng tộc Trà đã xúm lại đưa bức tượng về để cạnh nhà thờ tộc. Đó là một nơi gần đường vừa tiện trông nom vừa tránh xa sự truy săn của cánh buôn cổ vật. Nhưng lần nữa, “ông” voi lại suýt bị lấy mất. Cụ Huệ tiếp lời: “Đêm hôm đó, người trong làng nghe tiếng ô tô chạy vào rồi dừng lại ngay trước nhà thờ tộc chúng tôi. Rồi bất ngờ một nhóm thanh niên chừng chục người nhảy xuống xe khiêng bức tượng. Nhưng kỳ lạ thay, cả nhóm thanh niên đông khỏe như vậy mà không tài nào nhấc, lay chuyển được bức tượng. Nhờ thế mà “ông” voi vẫn tồn tại đến bây giờ”.
Bà Lê Thị Lựu kể thêm, tại Phật viện, thỉnh thoảng người dân vẫn bắt gặp người lạ tìm về. Khi họ rời đi, nhiều người vào Phật viện thì thấy miếng đá, viên gạch nửa và cả những phù điêu có khắc hoa văn rất đẹp được đặt ngay ngắn nơi bậc thềm tháp Sáng. Không riêng gì những vùng lân cận, có người ngoài Hà Nội khi ghé thăm và trót lấy đi một miếng đá vì quá thích, sau đó cũng đem về trả lại.
Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc xác nhận: “Không đem trả ở vùng này thì trả ở Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Hồi đó, tượng phật tại Đồng Dương rất nhiều nhưng cái thì bị mất đầu, cái thì bị cắt ngang… do nạn trộm cắp cổ vật. Tôi có người quen tại Bảo tàng Chăm kể lại rằng có thời điểm cứ buổi sáng thức dậy, họ thu được ngoài cửa bảo tàng rất nhiều hiện vật liên quan đến Phật viện Đồng Dương”.
Hoàng Sơn
>> Di tích Phật viện Đồng Dương 'kêu cứu
>> Bệ tượng Đồng Dương bị đe dọa
>> Phật viện Đồng Dương được đề nghị là di tích quốc gia đặc biệt
Bình luận (0)